Thứ tư, 20/11/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Hàng trăm startup ở Trung Quốc gục ngã vì cạn sạch vốn, thua lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng trăm startup ở Trung Quốc gục ngã vì cạn sạch vốn, thua lỗ

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Có đến 336 startup ở Trung Quốc phải đóng cửa trong năm 2019 vì thua lỗ và hết sạch vốn bao gồm những startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên).

Hàng trăm startup ở Trung Quốc gục ngã vì cạn sạch vốn, thua lỗ
Zhang Zhengping, người sáng lập startup thương mại điện tử qua mạng xã hội Taojiji. Ảnh: Business Times China

Theo số liệu mới công bố của Công ty dữ liệu kinh doanh ITjuzi ở Bắc Kinh, 336 startup bao gồm một số startup được định giá hơn 1 tỉ đô la ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới buộc phải dừng hoạt động trong năm qua. Các công ty này đã huy động được tổng cộng 17,4 tỉ nhân dân tệ (2,5 tỉ đô la Mỹ) từ giới đầu tư nhưng đã “nướng sạch” chúng cho các kế hoạch phát triển dịch vụ, sản phẩm và mở rộng thị trường.

Sụp đổ vì “đốt tiền” thâu tóm khách hàng

Báo cáo của ITjuzi cho hay trong số 20 vụ sụp đổ tốn kém nhất của các startup thuộc “nền kinh tế mới” (thuật ngữ được dùng cho các lĩnh vực liên quan đến internet và công nghệ) trong hai thập kỷ qua ở Trung Quốc, có đến 10 vụ xảy ra trong năm 2019.

Làn sóng đóng cửa của những startup xuất hiện giữa lúc các công ty công nghệ Trung Quốc đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn vốn. Tình trạng này bắt đầu từ năm ngoái khi giới đầu tư lo lắng trước tốc độ tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc và cơn bùng nổ vốn đầu tư mạo hiểm chấm dứt.

Trong khi đó, vấn đề thiếu thốn nguồn vốn càng nghiêm trọng hơn vì xu hướng yêu thích chiến lược rủi ro và tốn kém của các startup công nghệ chẳng hạn giảm giá mạnh cho sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng mới.

Vào thời điểm mà Zhang Zhengping, người sáng lập Taojiji , một startup thương mại điện tử dựa vào mạng xã hội, thông báo nộp đơn xin phá sản hồi tháng trước, nền tảng này đã thu hút 130 triệu người mua sắm các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và thực phẩm giá rẻ dù chỉ mới đi vào hoạt động hồi tháng 8-2018.

Để đạt được con số khách hàng ấn tượng đó, Taojiji đã tiêu sạch 42 triệu đô la huy động được từ các công ty đầu tư mạo hiểu như Tiger Global Management và DST Global. Ngoài ra, Taojiji còn nợ những nhà cung cấp và người bán hàng khác khoảng 1,6 tỉ nhân dân tệ (230 triệu đô la). Doanh nghiệp này chịu áp lực lớn khi hàng trăm chủ nợ rồng rắn kéo đến văn phòng trụ sở ở Thượng Hải để đòi tiền hồi tháng 9 năm ngoái.

“Tôi và các lãnh đạo khác nhận được vô số cuộc gọi, tin nhắn đe dọa. Thậm chí, họ còn đe dọa người họ hàng và người nhà của chúng tôi”, Zhang Zhengping, người sáng lập Taojiji, viết trong thư gửi cho nhân viên và các nhà cung cấp hồi tháng trước.

Giải thích về quyết định nộp đơn xin phá sản, ông cho biết hai nhà đầu tư không chuyển tiền như đã cam kết trong vòng gọi vốn hồi tháng 12. Như vậy, kể từ khi thành lập đến tháng 10 năm ngoái, công ty lỗ 1,2 tỉ nhân dân tệ (174 triệu đô la Mỹ) chủ yếu do trợ giá sản phẩm quá mạnh tay.

Zhengping thừa nhận đã phạm sai lầm lớn vì tiếp tục duy trì chiến lược thu hút người dùng ứng dụng bằng khuyến mãi khi mà khủng hoảng dần lộ diện. Ông cũng cho rằng ông đã lãng phí quá nhiều thời gian để huy động vốn hơn là tìm cách giải quyết vấn đề tăng trưởng của công ty.

Năm ngoái, các chủ nợ cũng bao vây văn phòng của startpup cho vay ngang hàng Tuandaiwang, có trụ sở ở tỉnh Quảnh Đông, để đòi trả tiền. Nền tảng Tuandaiwang được định giá đến 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ đô la) trước khi bị sụp đổ hồi tháng 3-2019 do Bắc Kinh phát động chiến dịch dọn dẹp tình trạng bát nháo trên thị trường cho vay ngang hàng để ngăn chặn rủi ro trong hệ thống tài chính.

Thiếu tiền trả nợ cho hàng ngàn người góp vốn cho vay, hai người sáng lập Tuandaiwang phải ra nộp mình cho công an để chịu khởi tố các tội danh huy động vốn bất hợp pháp.

Thoái trào của chiến lược đầu tư mạo hiểm

Thua lỗ là câu chuyện xa lạ ở các startup của Trung Quốc. Song tính cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cộng với mánh lới sao chép mô hình kinh doanh khiến nhiều nhà sáng lập startup phải chọn cách “đốt tiền” sớm cho chiến dịch khuyến mãi để giành thị phần. Giới phân tích cho biết chi phí thâu tóm khách hàng ở Trung Quốc thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới.

Các chủ nợ chầu chực bên ngoài văn phòng của Taojiji ở Thượng Hải để đòi tiền hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: 36kr

William Bao Bean, đối tác của Công ty SOSV Investments ở Thượng Hải, ước tính chi phí để thuyết phục một người dùng tải ứng dụng của các startup dao động từ 10-100 đô la.

Ông cho biết hiện nay, hoạt động huy động vốn trở nên cực kỳ khó khăn đối với những startup theo đuổi mô hình kinh doanh trợ giá dịch vụ và sản phẩm để thu hút khách hàng.

Các startup giao thực phẩm và đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc đã nhận được dòng vốn khổng lồ từ giới đầu tư mạo hiểm trong những năm gần đây, cho phép họ đua nhau vung tiền trợ giá các  món ăn và mặt hàng như trái cây, rau quả để giành khách. Nhưng rốt cuộc, phần lớn họ đều thua lỗ.

Giới đầu tư mạo hiểm từng cho phép các startup đang thua lỗ có thời gian để xoay chuyển tình hình kinh doanh. Meituan Dianping, một startup khổng lồ trong lĩnh vực giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu khác ở Trung Quốc, đã huy động được 4 tỉ đô la. Trước khi startup này niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông vào năm 2018, phần lớn số tiền này đã bị nướng sạch cho các chiến dịch trợ giá khuyến mãi và trợ giá.

Năm ngoái, Meituan Dianping bắt đầu có lợi nhuận, giúp giá cổ phiếu tăng vọt, đưa Meituan Dianping trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn thứ ba của Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, giới đầu tư rất cẩn trọng trong việc lựa chọn startup ở Trung Quốc để góp vốn, dẫn đến tình trạng ảm đạm trên thị trường gọi vốn mạo hiểm ở Trung Quốc. Theo dữ liệu của Preqin, số lượng thương vụ đầu tư vốn mạo hiểm ở Trung Quốc giảm 36% vào năm ngoái, với tổng trị giá đầu tư rơi về mức 51 tỉ đô la so với mức 112 tỉ đô la vào năm 2018.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới