Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng trăm tỉ đô la đầu tư vào ngành khí đốt ở châu Á sẽ trở thành ‘tài sản bị mắc kẹt’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước châu Á đang đổ vào ngành công nghiệp khí đốt số vốn khổng lồ như là giải pháp cho nguồn năng lượng thay thế thiết thực và sạch hơn. Nhưng hàng trăm tỉ đô la đầu tư vào các dự án thăm dò và khai thác khí đốt, nhà máy điện khí, kho cảng và đường ống ở châu Á có nguy cơ trở thành loại tài sản bị mắc kẹt.

Bởi khí đốt cuối cùng cũng bị loại bỏ trong 10 năm tới - tương tự như than đá vì là nhiên liệu hóa thạch. Nhà đầu tư và giới tài chính cũng không còn mặn mà với các dự án khí đốt nữa, giống như hiện trạng của các nhà máy nhiệt điện.

Nhưng khí đốt vẫn phải là nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng trong khi chờ các giải pháp giúp nguồn cung năng lượng tái tạo ổn định, rẻ và dồi dào hơn.

Tàu kéo đang lai dắt tàu chở LNG về nhà máy điện khí ở Futtsu tại Nhật Bản. Khí thiên nhiên hóa lỏng đang được xem là giải pháp tạm thời cho nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm hơn than đá. Ảnh: Reuters

Các yếu tố bất ổn

Tháng 12 rồi, ít nhất hai tổ chức đã có các báo cáo nhấn mạnh những yếu tố “bất ổn” của LNG như là nguồn năng lượng mới trong tương lai gần.

Đầu tiên là Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, nói rằng: "62% công suất các kho nhập khẩu LNG và 61% công suất điện chạy bằng khí đốt không có khả năng xây dựng được do các yếu tố ở cấp quốc gia và dự án cơ bản không thuận lợi ở các nước châu Á mới nổi”.

Kế đến tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor ở Mỹ với ý kiến rằng việc chuyển sang sử dụng khí đốt sẽ đe dọa các mục tiêu kinh tế và khí hậu châu Á. Global Energy Monitor cho biết các dự án khí đốt trị giá 358 tỉ đô la đang được chuẩn bị trong khu vực – gồm nhà máy điện khí, kho cảng và đường ống. Số tiền khổng lồ này có nhiều nguy cơ trở thành tài sản mắc kẹt. Bởi "năng lượng tái tạo rẻ hơn và các chính sách năng lượng sạch ngày càng cắt giảm nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch”, báo cáo của Global Energy Monitor viết.

Christine Shearer, một trong những tác giả viết báo cáo của Global Energy Monitor, nói rằng: “Chúng tôi đã nhận thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng ngừng cho vay với các dự án khí đốt, tương tự như các lý do mà các định chế này rút khỏi dự án điện than. Nhiều dự án sẽ không thể vay được vốn, tương tự như than đá”. Bà Shearer cũng nói thêm rằng các nghiên cứu đã chỉ ra "việc sử dụng khí đốt tăng lên thực sự lấn át và ngăn chặn việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thay vì là cầu nối cho quá trình này”.

Cũng có người lập luận rằng khí đốt chỉ thải ra khoảng một nửa lượng khí CO2 tạo ra trên một đơn vị điện năng. Con số này cần được xem là cầu nối cho năng lượng tái tạo. Hàn Quốc gần đây đã đưa LNG vào "lĩnh vực chuyển đổi" trong nền kinh tế xanh. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 2-2 đã đề xuất đưa các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân và khí đốt vào phân loại xanh – tức hệ thống phân loại đặc tính bền vững của các hoạt động kinh tế khác nhau.

Nguồn nhiên liệu trong giai đoạn chuyển tiếp

Nhu cầu về khí đốt sẽ lớn hơn ở các quốc gia mới nổi của châu Á hiện đang thiếu vốn và năng lực công nghệ để triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo. Nhà kinh tế cấp cao Han Phoumin thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á cho biết: "Khí đốt phải là nhiên liệu chuyển tiếp. Bất kỳ sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo mà không sử dụng khí đốt đồng nghĩa với việc châu Á không thể cáng đáng nổi chi phí. Để triển khai hiệu quả các hình thức năng lượng tái tạo, chúng ta cần nguồn lực tài chính cao hơn nhiều so với các nhà máy điện khí và điện than”.

Quan điểm này đang khá phổ biến trong ngành công nghiệp khí đốt. "LNG là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở các nước mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Thay vì chuyển từ than và dầu sang năng lượng tái tạo, thực tế hiện nay lại là chuyển sang dùng LNG có tác động môi trường thấp hơn” – theo lời đại diện của tập đoàn thương mại Mitsubishi Corp, nhà cung cấp LNG lớn nhất ở Nhật Bản.

Nhưng ngành công nghiệp khí đốt đang rúng động bởi các dự án khí đốt có thể gặp rủi ro "không thể vay được vốn" từ các định chế tài chính. Điều này lại đến sớm hơn sau hội nghị biến đổi khí hậu COP26 do Liên hiệp quốc bảo trợ cuối năm rồi khi thế giới nhanh chóng đoạn tuyệt với các loại nhiên liệu hóa thạch.

"Chúng tôi chắc chắn tin rằng khí đốt sẽ đóng vai trò như một loại nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng cho đến giữa những năm 2030. Nhưng sau đó, chúng tôi không thể chắc chắn hoàn toàn rằng người ta sẽ cần LNG và có thể bán khí đốt với giá có lãi. Do đó, việc đề xuất một mô hình kinh doanh cạnh tranh cho các cổ đông, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính đối với bất kỳ dự án khí đốt ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều nước trên thế  giới đang đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không. Tức là cuối cùng, khí đốt - nguồn nhiên liệu hóa thạch - vẫn bị loại bỏ. Ngành công nghiệp LNG đang loay hoay với câu hỏi thế giới sẽ sử dụng khí đốt trong bao lâu”, giám đốc điều hành một hãng dầu khí ở Indonesia cho biết.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu LNG sẽ tăng trong 5 năm tới, nhưng nếu thế giới thúc đẩy đạt mức phát thải carbon ròng bằng zero vào năm 2050, nhu cầu sẽ giảm mạnh sau năm 2025 và giảm xa mức năm 2020 vào năm 2030.

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành khí đốt ở châu Á – nhà máy điện, đường ống và kho cảng. Đơn vị tính bằng tỉ đô la. Nguồn: Global Energy Monitor

Nhà đầu tư và ngành tài chính thoái lui

Sự quan tâm đến các dự án khí đốt đang giảm dần. Điển hình là lô khí Masela có trị giá ước tính gần 20 tỉ đô la ở miền Đông của Indonesia. Hãng dầu khí Royal Dutch Shell vào giữa năm 2020 đã vạch ra kế hoạch thoái vốn khỏi dự án, trong đó Shell nắm giữ 35% lợi ích tham gia. Đến nay, hãng vẫn chưa thể tìm được người mua.

Dwi Soetjipto, chủ tịch cơ quan quản lý thượng nguồn khai thác của hãng khí đốt Indonesia SKK Migas, cho biết trong một cuộc họp báo vào giữa tháng 1: “Việc thoái vốn của Shell ban đầu được nhắm đến vào khoảng cuối năm 2021 vừa rồi, nhưng đã không thực hiện được. Shell sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của hãng trong dự án Masela cho đến khi có thỏa thuận thoái vốn”.

Kế hoạch mua điện của Indonesia cũng vẽ ra tương lai ảm đạm cho nhu cầu khí đốt. Trong kế hoạch mua sắm 10 năm của công ty quốc doanh Perusahaan Listrik Negara được công bố vào tháng 10 năm ngoái, năng lượng tái tạo chiếm ưu thế trong kế hoạch xây các nhà máy điện mới đến năm 2030. Nguồn năng lượng mới chiếm 51,6% trong tổng số 40,6 gigawatt công suất bổ sung theo kế hoạch. Khí đốt chỉ chiếm 14,3%.

Giá khí đốt luôn biến động có thể là vấn đề ảnh hưởng đến khả năng cho vay của ngân hàng đối với các dự án khí mới, bởi lợi nhuận của các dự án khó đoán. Giá chuẩn khí đốt đã tăng 45% từ tháng 1 đến tháng 12 năm ngoái do kinh tế phục hồi nhanh chóng sau Covid-19. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu than. Kết quả là nhu cầu khí đốt toàn cầu tăng mạnh.

Báo cáo của IEEFA chỉ ra rằng ở các quốc gia có trợ giá năng lượng, việc trợ cấp nhiều hơn có thể làm xói mòn uy tín tài khóa của các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án khí đốt, làm tăng rủi ro cho các tổ chức tài chính.

Những người trong ngành công nghiệp khí đốt nói rằng họ chưa thấy bằng chứng cụ thể về việc các nhà đầu tư và nhà cung cấp tài chính đang rời bỏ ngành này. Gaku Takagi, Giám đốc điều hành của bộ phận phát triển kinh doanh của công ty tiện ích JERA của Nhật Bản, phát biểu rằng: “Nhưng chúng tôi đang theo dõi sát sao xu hướng các quốc gia và tổ chức tài chính tuyên bố tránh xa tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch. Ngành tài chính nhanh chóng bỏ chạy khi họ cảm thấy nguy cơ bị mang tiếng”.

Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (JOGMNC), cho biết sự suy giảm đầu tư cho khai thác khí đốt là rủi ro tiềm năng, làm gia tăng mối đe dọa về khủng hoảng năng lượng trong tương lai. Châu Âu biết quá rõ điều này, vì họ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này khi nguồn cung cấp khí đốt trở nên khan hiếm.

Một dự án LNG điển hình là quá trình nỗ lực gần 30 năm - thường có 5 năm từ khi đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng và đi vào hoạt động, với thời gian sản xuất kéo dài khoảng 20 năm. Sự chậm trễ của dự án cũng có thể xảy ra. "Trong thời gian này, không chắc rằng người tiêu dùng có thể chuyển đổi sang nhiên liệu mới. Do đó, các ngân hàng cũng trở nên miễn cưỡng cho vay… Các công ty tư nhân cũng có thể cũng hạn chế đầu tư vào khí tự nhiên. Trong tương lai, nguồn cung cấp năng lượng gặp rủi ro đứt đoạn”, Nogami mói.

Ngay cả khi các quốc gia có thể mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, thì nguồn năng lượng này hiện khó lưu trữ với chi phí thấp và có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dẫn đến nguồn cung không ổn định.

“Cho đến khi chúng ta xây dựng được một hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo thì cách tiếp cận thực tế vẫn là tiếp tục sử dụng khí đốt trong khi vẫn tìm cách nghiên cứu và phát triển cách thức giảm chi phí năng lượng tái tạo”, ông Nogami kết luận.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhìn trên bình diện quốc tế thì chính “năng lượng bẩn” cày để nuôi “năng lượng xanh”, các nước giàu vẫn đang vận hành các nguồn năng lượng bẩn để kiếm tiền rồi áp tiêu chuẩn xanh nhằm ép giá năng lượng bẩn, nếu cho các nước Bắc Âu xây nhà máy thép họ nấu thép bằng gì? Đừng nói là pin mặt trời và gió, sợ họ đốn sạch cây thông tùng cũng chẳng đủ mà đốt lò cao. Bằng chứng là giá dầu vẫn cao ngất, giá than vẫn cao vì họ vẫn dùng điện than để luyện kim, làm…. pin và sạc pin mà!

  2. Giải pháp chiến lược duy nhất của thế giới hiện đại ngày nay vẫn là phải giảm mạnh cầu chứ không phải tăng cung hoặc thay thể cung. Mọi thứ dường như đang trở nên vô độ một cách không thể kiểm soát được, trong đó lòng tham vô độ là thứ đáng sợ nhất, tất yếu sẽ đưa thế giới đi đến chỗ diệt vong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới