Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hành động quyết liệt để đưa Việt Nam ra khỏi ‘Danh sách Xám’ về chống rửa tiền

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc bị đưa vào Danh sách giám sát tăng cường về chống rửa tiền sẽ có những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, sáng 18-10, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tháng 6-2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám).

Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF về thực hiện kế hoạch hành động do FATF chỉ định, gồm 17 hành động, được thực hiện trong hai năm.

Khi bị đưa vào Danh sách giám sát tăng cường, sẽ có những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Vừa qua, Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đã đến Việt Nam làm việc, phối hợp với các cơ quan và Ngân hàng Nhà nước để có động thái tháo gỡ, đưa ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường. Sau khi đoàn làm việc, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch, gửi các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, cho ý kiến.

Theo TTXVN, việc FATF chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường có tác động rất lớn đến ngành ngân hàng. Hàng loạt tác động tiêu cực có thể xảy ra như tăng chi phí các khoản vay, cho vay đối với Việt Nam, chi phí hoạt động đầu tư, thương mại, dẫn đến giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do các nhà đầu tư có tâm lý e ngại, thận trọng.

Việc vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không dễ dàng như trước vì có thể thêm các điều kiện ràng buộc việc chấp hành các quy tắc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Điều này dẫn đến phải chuyển hướng sang các khoản vay thương mại với các điều kiện cao hơn, nhất là về lãi suất.

Theo ước tính của IMF, phần lớn các quốc gia bị giảm vốn đầu tư vào khi nằm trong “Danh sách Xám” của IMF ở mức trung bình 7,6% GDP. Trong đó vốn FDI giảm 3% GDP, vốn qua hệ thống ngân hàng giảm 2% GDP, qua hệ thống tài chính phi ngân hàng giảm 2,4% GDP.

Bên cạnh đó, việc bị xếp vào danh sách này còn làm giảm vị thế chính trị, ảnh hưởng danh tiếng, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến hoạt động đối ngoại, hệ thống tài chính ngân hàng…

Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có rủi ro về rửa tiền cao của EU (Liên minh châu Âu) và có nguy cơ bị đưa vào “Danh sách Đen” nếu không chứng minh được việc hợp tác thực hiện các khuyến nghị của FATF với những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến các doanh nghiệp tăng chi phí kinh doanh hoặc thậm chí ngừng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia (như trường hợp của Myanmar năm 2022).

Nhấn mạnh đây là khuyến cáo, yêu cầu của tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện dự thảo kế hoạch, các cam kết của Việt Nam theo chỉ định của FATF, sớm trình Chính phủ phê duyệt báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, ban hành kế hoạch hành động của quốc gia về giải quyết rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố cho giai đoạn tiếp theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới