Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hành trình chống ‘kế hoạch đào thải non sản phẩm’

Quang Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kế hoạch đào thải non sản phẩm, hay đào thải non sản phẩm có kế hoạch (planned obsolescence), là chiến lược rút ngắn vòng đời của sản phẩm nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua mới. Người ta càng sớm vứt đồ, càng sớm mua mới, công ty càng bán chạy và càng sản xuất nhiều, kinh tế càng tăng trưởng mạnh.

Khái niệm đào thải non sản phẩm

Khái niệm này xuất hiện năm 1932 trong quyển sách The New Prosperity của Bernard London, một nhà đầu tư bất động sản tại Mỹ, nhưng phải chờ đến năm 2010, khi một bộ phim tư liệu cùng tên(1) được công chiếu trên đài truyền hình Arté của châu Âu thì nó mới dấy động ý thức của người dân về một xã hội tiêu thụ vô độ, tàn phá môi sinh.

Qua bộ phim trên, nhiều thành phần trong xã hội, kể cả các chính trị gia, nghị viên, bỗng chốc “khám phá” ra khái niệm “đào thải non sản phẩm”. Họ đã đi từ biết hay cảm nhận một cách mơ hồ đến nhìn ra rõ ràng sự việc, từ đó đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong những chính sách bảo vệ môi trường mới của các quốc gia phát triển.

Ảnh trong ngày hội sửa chữa tại Argentina... Nguồn: Club de Reparadores
và Úc năm 2023.

Nước Pháp được ghi nhận là quốc gia đầu tiên ra nghị định cấm các doanh nghiệp lên kế hoạch đào thải non sản phẩm, vào năm 2015. Đào thải non được định nghĩa và trở thành tội danh(2) như sau: đưa ra thị trường sản phẩm mà khâu sản xuất cố tình sử dụng những kỹ thuật để rút ngắn thời hạn sử dụng, nhằm tăng tỷ lệ thay mới. Hình phạt tùy mức độ nghiêm trọng, có thể là chịu phạt hai năm tù, phạt 300.000 euro, 5% doanh thu, cấm hành nghề!

Một trường hợp thưa kiện nổi bật, là năm 2017, hội HOP (Halte à l’Obsolescence Programmée - hãy chấm dứt kế hoạch đào thải non sản phẩm) của Pháp thưa Apple Pháp vì iPhones 6, 6S, SE và 7 bị trục trặc hoặc chậm lại khi người sử dụng cập nhật hệ điều hành.

Theo hội HOP, Apple đã khuyến khích người tiêu dùng cập nhật hệ điều hành dù biết trước kết quả là máy sẽ bị chậm. Hiện tượng máy bị chậm lại này rơi vào thời điểm Apple cho ra mắt iPhone 8, khiến nhiều người đi mua iPhone mới. HOP đã phải mất hai năm để điều tra với gần 15.000 người sử dụng làm chứng.

Ba năm sau, vào năm 2020 tòa án ra quyết định phạt Apple Pháp 25 triệu euro, nhưng phạt vì hành vi thương mại lừa dối do thiếu sót - thiếu sót ở đây là “quên” báo cho người tiêu dùng biết - chứ không phải vì cố tình đào thải non sản phẩm!

Như vậy, luật năm 2015 không hữu hiệu vì rất khó đưa ra bằng chứng, người khiếu kiện gần như không thể chứng minh là công ty cố tình rút ngắn thời gian sử dụng từ khâu sản xuất để tăng tỷ lệ thay mới.

Từ chống kế hoạch đào thải non sản phẩm đến chống “đào thải non”

Cuộc chiến bằng pháp luật không dừng lại. Ngày 15-11-2021, luật liên quan đến việc giảm tác hại lên môi trường của ngành điện số cho phép thay đổi hai điểm trong định nghĩa tội danh của luật 2015 kể trên.

Từ nay, cố tình sử dụng kỹ thuật, kể cả phần mềm, nhằm làm giảm thời hạn sử dụng của máy cũng bị liệt vào tội có kế hoạch đào thải non sản phẩm. Ngoài ra, định nghĩa mới cũng bỏ đi câu “với mục tiêu tăng tỷ lệ mua mới” trong luật năm 2015. Thế nhưng, gom bao nhiêu dữ liệu để chứng minh và thưa kiện các công ty vẫn là con đường dài và tốn kém, nên cho đến nay vẫn chưa có vụ xử phạt nào liên quan đến tội danh này.

Song song việc định nghĩa tội danh còn có luật về “quyền được sửa chữa máy điện tử hư”. Năm 2019, Cộng đồng chung châu Âu biểu quyết buộc các nhà sản xuất phải đảm bảo cung cấp phụ tùng thay thế cho các công ty sửa chữa độc lập trong 10 năm kể từ khi đưa sản phẩm điện tử gia dụng ra thị trường.

Canada gần đây cũng thiết lập quyền được sửa chữa, bắt buộc nhà sản xuất phải thiết kế sao cho có các bộ phận bị hư có thể thay thế bằng dụng cụ thông thường. Mức phạt có thể lên đến 125.000 đô la Canada đối với công ty vi phạm.

Cũng trong giai đoạn này, châu Âu đưa ra chương trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, dẫn đến luật năm 2020 về chống lãng phí. Như vậy, chống kế hoạch đào thải non sản phẩm dần chuyển sang chống “đào thải non”, bất kể là “có kế hoạch” hay không. Luật năm 2020 buộc các nhà sản xuất và thương mại phải thông báo “chỉ số khả năng hay mức độ có thể sửa chữa” (indice de réparabilité) của các sản phẩm điện và điện tử.

Chỉ số này có điểm từ 1 (khả năng sửa chữa kém) đến 10 (khả năng sửa chữa cao) nhằm cảnh báo và nâng cao ý thức trách nhiệm người tiêu dùng về sản phẩm họ muốn mua. Đến năm 2024, chỉ số khả năng sửa chữa sẽ trở thành chỉ số bền vững (indice de durabilité), với những thông tin được bổ sung như độ cứng cáp và đáng tin cậy của sản phẩm(3).

Việc chống “(kế hoạch) đào thải non sản phẩm” trở thành một trong những chiến lược trụ cột của kinh tế tuần hoàn là một bước tiến quan trọng. Nó đã mở ra cánh cửa rộng cho những tham dự cấp quốc gia và cả châu Âu, để nhà nước vào cuộc một cách quy mô và chính đáng, từ đó làm nở rộ những hoạt động muôn màu sắc, phong phú, đến từ mọi thành phần, mọi cấp độ trong xã hội.

Ở cấp quốc gia, ngày 15-12-2022 Chính phủ Pháp quyết định đưa ra một ngân sách 410 triệu euro trong năm năm (2022-2027) để giúp người dân sửa chữa đồ dùng điện tử bị hỏng. Chính sách này được áp dụng với các điều khoản rất chi tiết, với danh sách các tiệm sửa chữa được nhà nước chứng nhận, với tiền hỗ trợ gọi là “bonus” dao động từ 10-45 euro tùy theo từng loại máy. Hiện tại, nước Pháp đã có 4.700 điểm sửa chữa đồ dùng điện tử, trong đó 2.600 điểm là di động để có thể tiếp cận nhiều người có nhu cầu hơn.

Còn đó những thách thức

Thế nhưng sau một năm khởi động, kết quả không như chờ đợi. Số lượng máy được mang đi sửa chữa còn quá ít, chỉ mới dùng đến 165.000 euro thay vì 500.000 euro như chờ đợi (cho một năm). Dường như đối với đại đa số người dân thì mua mới vẫn nhanh hơn, thích hơn! Thói quen tiêu dùng đã in sâu vào đời sống hiện đại, rất khó thay đổi. Nhiều tổ chức môi trường đánh giá chính sách hỗ trợ sửa chữa chưa hiệu quả.

Để cải thiện tình hình, năm 2024, nhà nước Pháp mở rộng danh sách sản phẩm được hưởng bonus, và tăng số tiền bonus lên gấp đôi đối với các loại máy như máy giặt, máy rửa chén, máy hút bụi, ti vi. Chúng ta chờ báo cáo kết quả vào đầu năm 2025.

Tuy nhiên, dẫu việc chống lại (kế hoạch) đào thải non sản phẩm còn gian nan, ở góc độ dân sự, các hoạt động xã hội đã và đang rất năng động.

Nhiều trang web cá nhân và hội đoàn được mở ra để chỉ dẫn người dân sửa máy bị hỏng thay vì mua mới. Những trang web kỹ thuật cho đủ mọi kiểu máy, mọi lĩnh vực, như reparer.com có hơn 600.000 lượt xem một tháng.

Thế giới còn có ngày hội Quốc tế Sửa chữa(4), tổ chức hàng năm ở khắp nơi trên thế giới, với những chủ đề phong phú và cách thức rất sư phạm và sáng tạo, vui nhộn. ADEME (The French Agency for Ecological Transition)(5) ước tính rằng tái chế tạo ra công ăn việc làm gấp 20 lần so với việc đổ rác ra bãi. Sửa chữa, cũng như sử dụng lại đồ cũ cũng là những hoạt động tạo nhiều công ăn việc làm và gắn kết xã hội.

Chống (kế hoạch) đào thải non sản phẩm để đi đến kinh tế tuần hoàn là con đường dài, nếu so với hơn một phần hai thế kỷ phát triển xã hội tiêu thụ, thì các quốc gia phương Tây có lẽ chỉ mới bắt đầu bước đi được vài bước. Chắc chắn sẽ có nhiều gập ghềnh, nhiều điều chỉnh, nhưng trước hiện trạng tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ô nhiễm môi sinh và biến đổi khí hậu thì đó là con đường bắt buộc.

(1) https://www.youtube.com/watch?v=aYC8Qj3T-VY

(2) https://www.halteobsolescence.org/la-nouvelle-definition-du-delit-dobsolescence-programmee-vers-une-plus-grande-effectivite-de-linterdiction/

(3) https://www.ecologie.gouv.fr/indice-reparabilite

(4) https://openrepair.org/international-repair-day/2023-events/

(5) https://www.ademe.fr/

1 BÌNH LUẬN

  1. Năm 1995, tôi mua đôi dép của một thương hiệu VN nổi tiếng sử dụng đến năm 2000, đến khi vứt bỏ đôi dép mòn đế đến nỗi bạn tôi kêu lấy dép để cạo râu, nhưng quai dép vẫn còn nguyên không đứt. Sau đó rất nhiều năm, tôi mua đôi dép cũng của thương hiệu đó , chưa tới một năm là quai dép bị đứt phải vứt bỏ.
    Bạn tôi mua điện thoại của một thương hiệu nổi tiếng được lắp ráp ở VN giá ba mươi mấy triệu, sử dụng được mười tháng hư màn hình, đem ra bảo hành sửa chữa, vài tháng sau vẫn chưa sửa được vì chưa có phụ tùng thay thế.
    Nên có qui định thời gian bảo hành dài cho các sản phẩm được công nhận hàng VN chất lượng cao và qui định về thời gian phải hoàn thành sửa chữa cho sản phẩm trong thời gian bảo hành v.v. Nếu có các qui định nghiêm ngặt về bảo hành, thì lượng sản phẩm bị vứt bỏ sẽ giảm rất nhiều, nhất là rác thải điện tử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới