Thứ Năm, 2/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc trong đà suy giảm kỷ lục của tiền lương

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mức lương trả cho người lao động tại các thành phố lớn của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong gần một thập niên qua. Điều này có thể gây áp lực giảm phát kéo dài và khiến niềm tin của người tiêu dùng suy giảm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hội chợ việc làm ở Đại học Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam,Trung Quốc hồi tháng 9-2023. Ảnh: Getty

Trong quí 4-2023, mức lương trung bình mà các doanh nghiệp đưa ra để tuyển nhân viên mới ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 1,3% so với một năm trước, xuống 10.420 nhân dân tệ/tháng (1.458 đô la Mỹ). Đó là mức giảm lớn nhất kể khi dữ liệu được thống kê vào năm 2016 trên nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.

Đây cũng là quí thứ tư liên tiếp lương tuyển dụng nhân viên mới suy giảm, đánh dấu chuỗi suy giảm dài nhất tính theo quí. Tại Bắc Kinh, tiền lương tuyển dụng nhân viên mới giảm 2,7% so với một năm trước và cũng ghi nhận quí thứ tư giảm liên tiếp. Tiền lương ở thành phố Quảng Châu đã giảm 4,5%…

Đối với Trung Quốc, dữ liệu tiền lương suy yếu báo hiệu rủi ro giảm phát gia tăng trong năm 2024 và đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế. Thị trường việc làm ảm đạm có nghĩa là người dân có thể sẽ cắt giảm chi tiêu, tạo thêm áp lực giảm giá tiêu dùng vốn đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm.

Đó cũng là điềm xấu cho thị trường bất động sản, vốn đang trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử. Với triển vọng thu nhập không chắc chắn, các hộ gia đình có thể tiếp tục trì hoãn mua nhà và tránh vay thế chấp.

Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến làn sóng cắt giảm lương trên diện rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ và tài chính do tác động của chiến dịch thắt chặt quản lý của giới chức trách. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu áp lực do nhu cầu trong và ngoài nước đối với sản phẩm của họ đều suy yếu. Ngay cả lương của công chức cũng suy giảm trong bối cảnh tình trạng tài chính công căng thẳng.

Sau ba năm thực hiện các biện pháp phòng dịch tốn kém, nhiều người sử dụng lao động phải vật lộn khi kinh tế trì trệ, khiến ngân sách vốn đã eo hẹp trở nên căng thẳng. Thách thức  đối với nhiều doanh nghiệp lớn là chiến dịch “thịnh vượng chung” sâu rộng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kiềm chế “sự mở rộng vốn một cách vô trật tự” trong khu vực tư nhân.

Citic Securities, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu của nước này cho biết, ngân hàng đã cắt giảm tới 15% mức lương cơ bản của một số nhân viên. Đối thủ China International Capital cũng cắt giảm hơn 40% thu nhập đối với lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả tiền thưởng.

Eason, giám đốc kinh doanh tại một ngân hàng thương mại ở Thượng Hải tỏ ra thất vọng vì lương của ông giảm 10% vào năm 2022. Đà suy giảm này bất chấp tốc độ tăng trưởng hai con số của tổ chức và thành tích cá nhân tốt. “Một mặt, chính quyền khuyến khích các hộ gia đình tăng cường tiêu dùng, nhưng mặt khác họ lại kêu gọi cắt giảm và giới hạn lương”, ông nói.

Mức lương của những nhân viên chưa có kinh nghiệm cũng giảm trong những lĩnh vực được xem là nền kinh tế mới như xe điện, pin, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát của Business Big Data Co., trong tháng 12, mức lương trung bình trong các lĩnh vực này giảm 2,3% so với một năm trước xuống còn 13.758 nhân dân tệ/tháng.

Hơn 20% thanh niên Trung Quốc trong tình trạng thất nghiệp vào tháng 6-2023. Điều này một phần là do các công ty ngày càng ưu tiên những người lao động có kinh nghiệm. Đây là nhóm người sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn và thời gian làm việc dài hơn vì lo ngại về triển vọng việc làm của họ.

Theo một cuộc khảo sát hồi năm ngoái, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2021 là 5.833 nhân dân tệ (821 đô la Mỹ). Chỉ 6,1% trong số họ kiếm được mức lương khởi điểm hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Thu nhập giảm khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu thận trọng hơn. Báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, tâm lý của người tiêu dùng đang dao động quanh mức thấp lịch sử tính đến tháng 11. Chỉ số niềm tin vẫn chưa được cải thiện nhiều so với mức của năm 2022 khi các lệnh phong tỏa do Covid-19 được áp dụng. Chỉ số này xem xét đánh giá của người dân về thu nhập, việc làm và mức độ sẵn sàng chi tiêu của họ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới