Mỗi ngày, các thành viên ở Câu lạc bộ thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương và SCC gom nhặt những yêu thương rồi đem tặng hết cho những ai đang thiếu thốn.
Dấu chân của người SCC
Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của những ngày mùa đông ở vùng cao, các thầy cô và học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn miệt mài thi công hệ thống bếp trấu. Làm xong bếp trấu càng sớm, thầy và trò ở đây càng nhanh có nước nóng sử dụng. Thầy Vũ Xuân Quế, “cha đẻ” của sáng chế này từ Lào Cai sang trực tiếp hướng dẫn thực hiện. Một hệ thống bếp trấu thi công đơn giản, chỉ cần đầu tư tiền, khoảng 35 triệu đồng để lắp hệ thống máy bơm nước, bếp ủ và bình bảo ôn giữ cho 6.000-8.000 lít nước nóng cả ngày. Số tiền để xây bếp, thầy và trò trường Khoen On nhận được từ các mạnh thường quân của Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương ở TPHCM. Tính đến nay đã có chín hệ thống bếp trấu được gọi bằng cái tên “ấm tình bếp trấu yêu thương” được xây dựng tại nhiều trường vùng cao Tây Bắc, từ Hà Giang sang Lào Cai, Lai Châu,... Chương trình dự kiến sẽ làm 20 bếp trấu như thế tại các trường học ở vùng núi cao khó khăn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Dù chỉ mới hoạt động được ba năm nhưng dấu chân của các thành viên CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương đã in khắp các vùng cao, làng quê có những người khó khăn. Đó là vùng đất nắng chát gió Lào Hà Tĩnh, Quảng Trị, nơi những gia đình nạn nhân chất độc màu da cam vẫn chiến đấu với nỗi đau thân xác mỗi ngày, là đất mũi Cà Mau hạn mặn ruộng khô nứt nẻ, người dân khát nước ngọt, là đất Phú Yên vất vả nhưng trẻ em khao khát đi học để ngày mai tươi sáng… Ông Trần Việt Anh, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), doanh nghiệp sáng lập ra CLB chia sẻ, chính ông cũng nể phục các thành viên, đội ngũ của mình về “sự” đi này. Nhưng nhờ đi nhiều, đi vào những vùng sâu, vùng xa mà mọi người mới tận mắt nhìn thấy những vất vả của các gia đình nghèo vì bệnh tật, của các em học sinh vùng cao mùa đông hay ánh mắt sáng rực khi nhìn thấy sách của trẻ em miền Trung… để có đề xuất làm các công trình, các hỗ trợ thiết thực.
Năm 2021, như ông Trần Việt Anh chia sẻ, các thành viên CLB vất vả hơn. Các chương trình đã lên kế hoạch phải tạm dừng lại khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng ngay tại TPHCM, hàng triệu người dân, công nhân, người lao động nghèo mất đi nguồn thu nhập vì nhiều nhà máy đóng cửa, thành phố phong tỏa. CLB phải ngay lập tức thực hiện các chương trình mang tính chất “sự vụ”, huy động tài chính từ mọi người có thể có, từ bạn bè, đối tác, cộng đồng, cán bộ công nhân viên, gia đình của chính các thành viên ban điều hành và cả lợi nhuận của SCC để “làm hết sức có thể”. Gần 35.000 phần cơm, 52 tấn gạo, 5.500 bộ đồ bảo hộ đã được trao trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư. “Chúng tôi làm mà không khống chế ngân sách, thiếu thì tìm cách huy động”, ông Việt Anh nhớ lại những ngày tháng 7, tháng 8, tháng 9-2021. Khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, các thành viên CLB lại cấp tập hoàn thành các chuỗi bếp trấu, chuỗi thư viện thân thiện, khu nhà nội trú, những căn nhà tình nghĩa…
Làm thiện nguyện bền vững
SCC thành lập CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương với mong muốn xây dựng một mô hình CLB thiện nguyện phát triển bền vững, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản để mang đến cho cộng đồng những hỗ trợ thiết thực mang tính lâu dài. Do vậy, CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương hoạt động như một doanh nghiệp.
Ông Việt Anh chia sẻ, vì định hướng như vậy nên phần nhiều các hoạt động của CLB hướng tới trẻ em, học sinh. Sự học của các em được tiếp sức bằng những nhà nội trú kiên cố, những bộ máy tính cũ còn sử dụng tốt, những thư viện ngập sách, những bộ sách giáo khoa, những chậu nước ấm mùa đông hay những cây cầu rút ngắn quãng đường đến lớp… sẽ giúp tri thức đơm hoa và ra quả. Lúc đó, chính các em có thể quay lại giúp đỡ cộng đồng của mình.
Quan điểm của SCC là mỗi doanh nghiệp cũng như một con người, sinh ra và phát triển đều cần có trách nhiệm với cộng đồng, quê hương và đất nước của mình.
Rộng hơn, với những người khó khăn, như nạn nhân da cam, gia đình mắc bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn… CLB không chỉ xây tặng một ngôi nhà mà còn hỗ trợ sinh hoạt phí mỗi tháng, hay dành tặng những công trình nước ngọt, những sổ tiết kiệm. CLB vẫn nhận được những hình ảnh về các công trình đã làm cho các em học sinh, các gia đình, các cộng đồng từ các cộng tác viên hay chính quyền địa phương. Do vậy, dù không có điều kiện để kiểm tra từng dự án sau khi hoàn thành nhưng sự trân quý của những người thụ hưởng giúp CLB càng tin rằng các hoạt động của CLB đã đáp ứng nhu cầu thật, ông Việt Anh cho biết.
Điều lãnh đạo SCC tâm đắc là các hoạt động của CLB đã được hơn 1.500 cán bộ nhân viên các công ty trong tập đoàn hưởng ứng, nhất là các bạn trẻ. Đây là những người đóng góp tiền bạc và trực tiếp tham gia các công việc cho các chương trình, từ thiết kế nhà tình nghĩa đến khuân vác máy tính cho các em học sinh. Các chuyến đi phải ngồi ô tô năm, bảy giờ đồng hồ để đến các vùng sâu, vùng xa, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn như người dân địa phương là những trải nghiệm quý giá với những nhân viên văn phòng ở thành phố, để họ thấy những đóng góp nhỏ của mình đã mang lại ý nghĩa lớn ra sao. Đó cũng là động lực để mỗi người nỗ lực nhiều hơn, không chỉ cho bản thân mà còn góp sức thay đổi cộng đồng.
Linh hoạt để thích ứng
Ông Việt Anh chia sẻ, quan điểm của SCC là mỗi doanh nghiệp cũng như một con người, sinh ra và phát triển đều cần có trách nhiệm với cộng đồng, quê hương và đất nước. Doanh nghiệp chỉ lo cho mình thì cộng đồng không thể thay đổi. Nếu từng doanh nghiệp biết chia sẻ, dù nhỏ, thì sẽ góp từng đốm lửa nhỏ, để thành đám lửa lớn và giúp xã hội tốt đẹp hơn. SCC thông qua CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương trong ba năm qua đã hoạt động bằng nội lực của mình, vận động các công ty thành viên, nhân viên cùng chung sức. Đơn vị làm ăn tốt góp nhiều, đơn vị ít lợi nhuận hơn góp ít. Các cán bộ công nhân viên quyên góp tùy khả năng và làm đại sứ cho CLB với bạn bè. Đặc biệt, chủ nhiệm CLB thì giới thiệu hoạt động của CLB mọi lúc mọi nơi với các đối tác để kêu gọi ủng hộ…
Trong năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của SCC, doanh nghiệp có hơn 50% đến từ doanh thu dịch vụ (cho thuê nhà xưởng, khách sạn lưu trú…), bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc tối thượng là lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng gió, giữ thu nhập cho 1.500 nhân viên. SCC cũng chủ động giảm giá thuê cho các đối tác thuê nhà xưởng với các mức giảm khác nhau trên cơ sở khảo sát thực tế… “Những công ty dệt may, da giày thuê nhà xưởng của chúng tôi ở khu công nghiệp Tân Phú Trung và Tân Đô lúc đó khó khăn vô cùng, không thể sản xuất ba tại chỗ. Họ chưa đề nghị thì chúng tôi đã chủ động giảm trước. Có nhà xưởng toàn công nhân là người khuyết tật, chúng tôi ưu tiên giảm nhiều hơn”, ông Việt Anh kể.
Năm 2022, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn rất nhiều thử thách. Trong bối cảnh hành vi khách hàng thay đổi, cung cầu thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải linh hoạt để thích ứng. Ông Việt Anh kỳ vọng, các chính sách chống dịch và hỗ trợ của Chính phủ sẽ đúng và kịp thời để giúp doanh nghiệp vượt qua và bảo toàn. Với SCC, sự bảo toàn cũng là để duy trì sự hoạt động CLB thiện nguyện Ấm Tình Yêu Thương họ dày công xây dựng.