Thứ tư, 5/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạt lúa Duy Tân

Trương Điện Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG XUÂN) - Từ khi hai hợp tác xã Tiền Phong (Điện Thọ 3) và Quyết Thắng (Điện Thọ 1) thành lập từ năm 1979 đến nay, nông thôn Quảng Nam đã có nhiều thay đổi. Xã Điện Thọ thị xã Điện Bàn (gồm hai hợp tác xã kể trên) vừa được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024 càng có nhiều thay đổi.

Chẳng có gì ngạc nhiên, bởi với tài thao lược của cụ Cử nhân Phan Thúc Duyện từ những năm đầu thế kỷ 20, địa phương này đã vang danh khắp nước với một nông hội, thương hội và những cải cách từ phong trào Duy Tân năm 1908. Đó được coi như một truyền thống…

1. Tôi về Điện Thọ lần đầu tiên năm 1980, lúc đó địa phương này đã có hai trong số chín hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là Tiền Phong và Quyết Thắng (Điện Thọ 3 và Điện Thọ 1). Điện Thọ 1 do anh bạn trẻ hơn tôi vài tuổi Nguyễn Phước Thiện làm chủ nhiệm. Tôi ở lại đây nhiều ngày, gặp nhiều người và làm được bài thơ dài có tên “Những ngọn gió qua đường 100” in trên tạp chí văn học nghệ thuật của tỉnh. Nay con đường đó được đổi là DT609 nối thị trấn Vĩnh Điện thuộc thị xã Điện Bàn với Ái Nghĩa thuộc huyện Đại Lộc và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bài thơ đã quá lâu, tôi chỉ còn nhớ câu “Cả cái tên cũng nhắc nhớ ruộng vườn…”. Lúc đó, tên những người nông dân giỏi vừa bước ra khỏi chiến tranh là các anh chị Mít, Mận, Cam, Xoài và cả Lúa nữa! Ruộng vườn và canh tân luôn là huyết mạch của người dân quê tôi, có lần Thiện nói với tôi…

Mấy năm sau, Thiện được điều về huyện và được bầu làm đại biểu Quốc hội, lại làm giám đốc Trung tâm Khuyến nông của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Và quả đất xoay tròn, khi anh nghỉ hưu về quê ở thì chúng tôi gặp lại nhau, cũng chính trên cánh đồng lúa quê anh. “Bọn mình đi đâu cũng không khỏi những gốc lúa này, giống như số phận!”, tôi nói và Thiện gật đầu tán đồng. Từ một trong những chủ nhiệm hợp tác xã xuất sắc tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng ngày xưa, bây giờ Thiện là Giám đốc Công ty tư nhân Giống nông nghiệp Điện Bàn, một công ty, ngoài các hoạt động truyền thống lại đang khởi nghiệp với hơn 20 héc ta ruộng trồng lúa theo phương pháp hữu cơ, cung cấp gạo sạch cho thị trường hơn bốn năm qua, lấy tên Gạo quê Phong Thử với slogan: “Ăn gạo sạch, nói không với bệnh tật!”.

Phong Thử có tên cũ là làng Hoa Thử, là một trong 66 làng cổ đã được xây dựng từ giữa thế kỷ 16: “Gió Hoa Thử thơm tho bánh trái”. Vì trùng húy tên bà Trần Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng và mẹ vua Thiệu Trị, nên Hoa Thử được gọi thành Phong Thử dưới thời nhà Nguyễn.

Phong Thử từ đầu thế kỷ 20 còn được gọi là “làng Duy Tân” với tên tuổi lừng lẫy của cụ Cử Phan Thúc Duyện (hay Diện) cùng các bậc danh sĩ bấy giờ như Mai Dị, Trần Quý Cáp, Phan Thành Tài… lập ra các hội buôn và trường học theo phái Duy Tân (Hợp thương Diên Phong và Nghĩa Thục Diên Phong).

Cụ Cử Duyện do không chịu ra làm quan mà gắn bó với quê nhà, với sự nghiệp Duy Tân nên sau chính biến chống sưu thuế năm 1908, cụ bị bắt cùng các chí sĩ Phan Thành Tài, Mai Dị, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Sau khi bị tù ở Côn Sơn rồi an trí ở Lệ Thủy (Quảng Bình) cộng dồn thành 20 năm, cụ Cử Duyện về lại làng Phong Thử từ năm 1933, tiếp tục xây dựng chợ, củng cố nông hội, mở trường hát, sân đá banh và quy hoạch làng Phong Thử như một thị tứ hiện đại từ năm 1940. Cũng cần nhắc lại, trong 10 năm biệt cư ở Lệ Thủy Quảng Bình, cụ Cử Duyện đã xây dựng và quy hoạch một “vùng đất Quảng Nam” trù phú với đủ các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, thương mại với hàng trăm công nhân đưa từ quê nhà ra, mà sau năm 1975 đã trở thành nông trường cao su Lệ Ninh có tiếng.

Phong Thử trong phong trào Duy Tân là một thương cuộc bậc nhất Quảng Nam, do chính các xã viên và những người danh tiếng đóng góp vốn lẫn công sức, một vùng đất trù phú nhờ sa bồi hàng năm của hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia của đất Quảng. Cụ Cử Duyện còn mở thêm trường học cho cả nam nữ theo học theo lối học mới, có cả các môn tiếng Pháp, toán và cách trí. Ngoài học chữ, trường Duy Tân Phong Thử còn mời nhiều người theo Tây học về tổ chức diễn thuyết để cổ súy cho Tân học…

Đồng đất Phong Thử tốt nên sản phẩm dưới truyền thống thâm canh và tay nghề của người dân đã tạo ra sự khác biệt cho đời sống kinh tế ở đây. Một cửa sông Bến Hục nối với sông Thu Bồn được cụ Cử Duyện cho đào rộng làm nơi ra vào của tàu thuyền khắp nơi đến giao nhận hàng hóa, bán cho Hội An, Huế và các tỉnh.

Sau hòa bình đến nay, hệ thống giao thông gồm đường sắt và đường bộ (cả đường cao tốc) đi qua Phong Thử như những ô bàn cờ, càng giúp cho vùng này phát triển…

Các thế hệ người dân Phong Thử luôn đi đầu trong mọi việc làm ăn. Cả cái làng Đông Hòa giờ ngoài làm nông còn là “Làng nấu đám” gồm hơn 60 nhóm phụ nữ, phục vụ các tiệc tùng cưới hỏi trên khắp Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông chủ nhiệm trẻ giỏi làm lúa năm nào, giờ về hưu lại tiếp tục xuống ruộng làm lúa hữu cơ. Khi anh Thiện nghỉ bệnh, anh Nguyễn Minh Vũ, bạn anh lại tiếp tục công việc này. (Tôi đau buồn đã mất một người bạn trong đại dịch Covid-19 năm 2021).

2. Hôm gặt lúa hữu cơ vụ đông xuân 2019 trên cánh đồng thôn Đông Hòa, tôi cùng lội ruộng bằng chân không với Giám đốc Nguyễn Phước Thiện và Nguyễn Minh Vũ. Máy cấy lúa tự động, máy liên hợp gặt đập, vô bao để chuyển về nhà máy sấy, máy xay và đóng gói hút chân không… nổ giòn tan khắp nơi. Mọi cảm xúc của tôi lúc về Đông Hòa lội ruộng đang dồn dưới bàn chân. Lúa cấy bằng máy tự động nên để lại những khoảng trống đều đặn dưới chân. Giữa cái nắng 34 độ C vào trung tuần tháng Tư mà tôi nghe như hơi mát đang tỏa lên từ dưới chân mình. Trong khoảng đất giữa những chân rạ giữa ruộng tôi không tìm thấy cây cỏ nào. “Các anh không dùng hóa chất diệt cỏ mà sao không thấy cỏ?”, tôi hỏi. “Có diệt cỏ, trừ sâu rầy nhưng đều bằng hỗn hợp chế phẩm hữu cơ từ thảo mộc, sắp tới chúng tôi sẽ nhập thêm giống sầu đông (thầu đâu) từ Ấn Độ về để chế biến nữa… Dùng hóa chất trừ cỏ, trừ sâu và cả phân hóa học sẽ để lại dư lượng trong cả đất và sản phẩm thu hoạch, thì còn chi là hữu cơ nữa!”, các bạn tôi giải thích.

Bên kia đường bê tông chạy giữa cánh đồng Đông Hòa, cạn khu trồng lúa hữu cơ là những đám lúa giống 13/2, lúa thơm đang chín của nông dân cá thể, đã thấy màu lúa không đều và những vạt lúa ngã đổ sau trận mưa tiểu mãn. Thiện giải thích: “Đó là hậu quả của phân hóa học bón không đều và cây lúa lên cao, bông đã chín nhưng lá vẫn còn xanh, bông lúa cũng dài hơn nên có hạt đã chín, hạt còn xanh. Tỷ lệ hạt chắc sẽ thấp và chất lượng gạo sẽ kém đi!”.

Theo lời Nguyễn Phước Thiện, canh tác lúa hữu cơ nhờ gieo mạ trên khay, cấy gặt đều tự động bằng máy Yanmar nhập về từ Nhật Bản, do vậy ít tốn công mà cây lúa phát triển đều. Dùng phân hữu cơ toàn phần cũng không lo lúa ngã đổ nhờ thân cứng đều, thu hoạch thuận lợi. Năng suất lúa tươi so với canh tác truyền thống lâu nay có thể giảm đi chút ít vì mật độ cây/bông lúa trên mỗi mét vuông không dày như gieo sạ, nhưng trọng lượng hạt và tỷ lệ gạo cũng cao hơn… Ngưng một lúc, Vũ và Thiện nói tiếp: “Mà quan trọng là người tiêu dùng sẽ an tâm. Bây giờ có hộ canh tác quanh đây cũng bắt chước theo chúng tôi vì họ làm lúa để ăn quanh năm cho an toàn!”.

Thiện lại kể, cái tập quán của một thời làm nông nghiệp chỉ chạy theo năng suất mù quáng thời bao cấp khó thay đổi lắm! Những bọn tôi đang cố gắng thay đổi từng bước bằng thực tế. Mọi thay đổi của người nông dân cần được thấy bằng chính mắt họ.

Các anh nông dân giao đất công ty của Thiện để làm lúa hữu cơ trước đây được công ty mua lại với giá thị trường và theo năng suất ổn định từ các mùa trước, nay đã được thay đổi: họ nhận tiền cho thuê ruộng mỗi sào 1,5 triệu đồng (tương đương 250 ký lúa tươi) và nhận tiền công lao động mỗi ngày 180.000 đồng. Một người nói với tôi: Như vậy vừa có đồng tiền chi tiêu ngay trong ngày mùa và cũng đủ tiền mua gạo ăn cho cả gia đình, yên tâm lắm! Lại không lo rủi ro về thời tiết! Tôi nhẩm tính, 180.000 đồng tương đương với 30 ký lúa, nghĩa là gấp 10 lần ngày công thời làm hợp tác xã ở những cánh đồng thuộc loại năng suất cao ở Quảng Nam…

Như vậy, người nông dân dù góp cổ phần vào công ty hay cho thuê đất rồi làm “công nhân nông nghiệp” để sản xuất lúa hữu cơ như cách làm ở Phong Thử hiện nay, đều có thể an tâm. “Nhiều người dân đang muốn cho chúng tôi thuê thêm đất ở Đông Hòa này, nhưng chắc các vụ tới mới tính được khi thị trường gạo quê Phong Thử phát triển hơn”, Nguyễn Minh Vũ nói.

3. Công ty giống nông nghiệp Điện Bàn hiện thuê đất trên 60 héc ta ở các xã Điện Thọ, Điện Hồng và Điện Hòa để vừa sản xuất gạo thương phẩm cung cấp nguyên liệu cho các ngành chế biến thực phẩm đa dạng, vừa dành hàng chục héc ta sản xuất thí điểm lúa sạch theo phương pháp hữu cơ, trong đó có giống mới ST25 mới mua về.

Tôi ngồi tính với một người quản lý của họ: các anh nhập khẩu dây chuyền gieo cấy tự động, máy sấy hạt, máy xay, đóng gói và hút chân không cho sản phẩm gạo quê Phong Thử đã lên đến cả chục tỉ đồng. Cái đó phải khấu hao đưa vào giá thành. Rồi lại chi phí thực hiện quá trình giám sát chất lượng theo tiêu chuẩn GAP. Rồi vận chuyển đến người tiêu dùng, lương nhân viên gián tiếp phải hạch toán vào chi phí sản xuất… Tóm lại giá bán lẻ 25.000 đồng/ký hiện nay so với giá thành là chưa có lãi, hay còn phải chịu lỗ. Tuy là cao hơn các loại gạo trên thị trường. Vậy lấy đâu ra lãi để phát triển?

Người quản lý nói thật: “Phải lấy lãi từ gạo thương phẩm bán cho các nhà máy chế biến như kể trên kia bù qua anh ạ! Chúng tôi cùng tâm huyết làm cho ra hạt gạo sạch, không dư lượng thuốc và hóa chất để phục vụ người dân nên quyết tâm làm, lấy lãi bên này bù cho bên kia trong giai đoạn trước mắt. Chứ nếu lấy lãi từ gạo nguyên liệu rồi lại đi làm từ thiện, cứu giúp những người bệnh tật thì chưa chắc đã ổn thỏa, đã yên tâm đâu anh!”…

Thì ra, Gạo quê Phong Thử đang bán trên vài thị trường, có các đại lý ở Đà Nẵng, TPHCM và tham dự vài hội chợ nông sản sạch mà tôi thấy lâu nay là vậy. Nó đang trong quá trình “hoài thai” của một ý tưởng mới hướng tới bảo vệ mâm cơm cho người dân. Làm nông sản sạch, làm lúa hữu cơ quả thật không dễ, là vậy!

Từ cách làm này, tôi có cảm tưởng như tinh thần Duy Tân của cụ Phan Thúc Duyện năm xửa năm xưa vẫn còn chảy trong mạch máu của người dân Phong Thử, nên dù khó mấy họ vẫn có thể vượt qua…

Phan Thúc Duyện là con thứ 10 trong gia đình, lại có thiên hướng văn chương và giàu tư tưởng canh tân. Ông trở thành một trong những cử nhân nổi tiếng của đất Điện Bàn, đỗ cử nhân năm Canh Tý 1900.

Sau khi đỗ cử nhân, Phan Thúc Duyện không ra làm quan mà ở nhà, giao du cùng các bạn học, nhất là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh trong phong trào Duy Tân với chủ trương mở mang kinh tế, lập thương hội, nông hội làm tiền đề dân sinh và “không để dân giàu thì không có con đường nào đạt đến mục đích tự trị được”. Phan Thúc Duyện đã trở thành một trong những người vận động mở hội buôn, lập trường học, dạy chữ quốc ngữ, lập nông hội, kêu gọi hớt tóc ngắn, mặc đồ âu phục, dùng vải nội hóa... ngay tại quê nhà...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới