(KTSG) - Nhượng quyền thương mại là một trong những lựa chọn hình thức kinh doanh được ưu tiên của nhiều cá nhân, tổ chức, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhằm tận dụng những lợi thế của bên nhượng quyền về danh tiếng, nguồn khách hàng, sản phẩm hoàn thiện, quy trình có sẵn… Tuy nhiên, có một vài vấn đề pháp lý mà bên nhận quyền cần lưu ý để mối quan hệ nhượng quyền thương mại được diễn ra thuận lợi.
Luật Thương mại 2005 quy định nhượng quyền thương mại (NQTM) là hoạt động thương mại mà theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ khi đáp ứng được những điều kiện luật định.
Có thể hiểu mối quan hệ giữa hai bên trong NQTM là mối quan hệ song vụ - đôi bên cùng hưởng những lợi ích cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ. Bên nhượng quyền mở rộng kinh doanh, tăng độ nhận diện cho doanh nghiệp mình bằng cách quảng cáo cho mạng lưới NQTM và chịu trách nhiệm đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, cung ứng dịch vụ cho bên nhận quyền. Bên nhận quyền giảm được gánh nặng trong việc xây dựng thương hiệu cũng như thiết lập quy trình vận hành độc lập và thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng cho bên nhượng quyền, cũng như đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất, giữ bí mật kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ.
Hợp đồng NQTM là cơ sở pháp lý phát sinh mối quan hệ NQTM. Cần lưu ý đối tượng của hợp đồng NQTM là quyền thương mại đối với những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải bản thân những sản phẩm, dịch vụ đó. Theo Nghị định 15/VBHN-BCT quy định chi tiết về hoạt động NQTM (NĐ15), quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như chi phí NQTM và các điều kiện liên quan khác được hai bên thỏa thuận nhưng phải đáp ứng quy định của pháp luật về NQTM.
Từ thực tế trên thị trường NQTM hậu Covid-19, chúng tôi thấy cần lưu ý một vài vấn đề pháp lý với bên nhận quyền mà phần lớn hiện là các cá nhân, tổ chức kinh doanh quy mô nhỏ và vừa.
Lựa chọn lĩnh vực và cân nhắc việc áp dụng công nghệ
Những ai chưa nhiều kinh nghiệm và muốn bắt đầu mối quan hệ NQTM có thể ưu tiên xem xét những ngành, nghề đang nổi bật và phù hợp với điều kiện của mình để định hướng hoạt động. Ví dụ, một số ngành nổi bật, như kinh doanh thực phẩm, dụng cụ y tế, các sản phẩm khử khuẩn… vẫn phát triển rất tốt bất chấp đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó lên nền kinh tế.
Việc ứng dụng công nghệ vào quá trình kinh doanh ngày càng cho thấy tầm quan trọng của nó để thích ứng với đời sống xã hội ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ, ứng dụng đặt và giao hàng. Bài học từ Covid-19 cho thấy việc số hóa quy trình làm việc, đa dạng hóa kênh doanh thu vừa là một sự chuẩn bị cần thiết để tránh cho việc kinh doanh bị đóng băng, vừa giúp xúc tiến thương mại, mở rộng khách hàng và nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, trong mối quan hệ NQTM, bên nhận quyền bị ràng buộc về cách thức tổ chức kinh doanh nên cần phải lưu ý nghiên cứu rõ quy trình vận hành cũng như khả năng ứng dụng công nghệ của mình để có những thỏa thuận cụ thể ngay từ đầu với bên nhượng quyền và ghi rõ những thỏa thuận đó vào hợp đồng.
Tìm hiểu kỹ thông tin và tư cách pháp nhân của bên nhượng quyền
Thực tế hiện nay có khá nhiều trường hợp các bên trong mối quan hệ NQTM “ôm tiền bỏ trốn”, như vụ việc nhà đầu tư mất trắng khi đổ tiền vào S.Tix Coffee(1). Thị trường kinh doanh NQTM đương nhiên đối mặt với những rủi ro pháp lý tương tự.
Để tránh rủi ro cho mình, bên nhận quyền cần tìm hiểu và xác định rằng bên nhượng quyền đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định, bao gồm các điều kiện: đã hoạt động được 01 (một) năm, đã đăng ký hoạt động NQTM với cơ quan có thẩm quyền, và hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng của quyền thương mại (theo NĐ15).
Ngoài ra, bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng NQTM mẫu và bản giới thiệu về NQTM của mình cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng NQTM. Bên nhận quyền cần nắm rõ điều này và yêu cầu bên nhượng quyền thực hiện nghĩa vụ nói trên càng sớm càng tốt để có thời gian xác nhận những thông tin được cung cấp.
Lưu ý về “sự kiện bất khả kháng”
Trên thực tế, bên nhận quyền thường dựa vào sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 như một sự kiện bất khả kháng để được giảm bớt gánh nặng khi họ không thể hoặc không muốn thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng nữa.
Bộ luật Dân sự 2015 - Điều 156 quy định một sự kiện là bất khả kháng nếu đáp ứng tất cả các yếu tố sau đây: (i) là sự kiện khách quan; (ii) không thể lường trước; và (iii) không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết.
Như chúng ta đã thấy, dịch bệnh Covid-19 là sự kiện “khách quan” và “không thể lường trước” nhưng có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không thì còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng và vào yếu tố “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết”. Vậy trong những trường hợp nào thì các bên được quyền viện dẫn dịch bệnh Covid-19 như một sự kiện bất khả kháng khi họ không thực hiện đúng nghĩa vụ được giao kết trong hợp đồng?
Trường hợp 1: các bên có thỏa thuận trong hợp đồng rằng dịch bệnh là một trong những sự kiện bất khả kháng.
Dịch bệnh được xem là sự kiện bất khả kháng nếu các bên có thỏa thuận nội dung này trong hợp đồng và chứng minh được việc họ không thể nào thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng do dịch bệnh bằng những tài liệu hoặc con số tổn thất cụ thể. Khi đó, đặc biệt là với bên nhận quyền, rủi ro và gánh nặng sẽ được giảm đi rất nhiều. Lúc này, hai bên có thể thoả thuận “kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng” theo Điều 296 Luật Thương mại 2005. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng của các bên là cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối chiếu để miễn trừ trách nhiệm.
Trường hợp 2: các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng rằng dịch bệnh là một trong những sự kiện bất khả kháng.
Dịch bệnh không nghiễm nhiên được xem là sự kiện bất khả kháng nếu hợp đồng giữa các bên không có thỏa thuận điều này và sự kiện xem xét cũng không thỏa mãn đủ ba yếu tố của một sự kiện bất khả kháng theo luật định. Khi đó, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo đúng những gì đã ký kết trước đó. Trong trường hợp có bất kỳ sự thỏa thuận hiệu chỉnh, bổ sung nào thì các bên thành lập một văn bản thỏa thuận đính kèm theo hợp đồng gốc.
Còn để được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh vẫn có nghĩa vụ chứng minh về trường hợp miễn trách nhiệm của mình (Điều 295 Luật Thương mại 2005), đồng thời, tùy vào hoàn cảnh cụ thể để đánh giá xem dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng làm ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng hay không. Đơn cử như trong bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2021/LĐ-ST(2), dịch bệnh Covid-19 đã không được Tòa án xem như là sự kiện bất khả kháng vì người sử dụng lao động không chứng minh được việc mình đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm số chỗ làm việc.
Trong thực tiễn giao kết hợp đồng NQTM, bên nhận quyền nên đặc biệt lưu ý điều khoản về sự kiện bất khả kháng này. Rất cần những tiên liệu nhất định đối với yếu tố khách quan tương tự như dịch bệnh Covid-19 để từ đó giảm thiểu những phát sinh tranh chấp. Đồng thời, khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, bên nhận quyền cũng cần hiểu rõ các quy định pháp luật về miễn trừ trách nhiệm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(*) Công ty Luật Phuoc & Partners
(1) https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/hotboy-stix-coffee-biet-tam-cung-hang-tram-ty-dong-huy-dong-von-trai-phep_124845.html
(2) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-tranh-chap-don-phuong-cham-dut-hop-dong-so-012021ldst-182323