Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hậu quả từ cuộc khủng hoảng lao động tại Samsung

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Samsung Electronics đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng lao động, có thể ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng và khiến hãng tụt lại so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn.

Samsung đối mặt làn sóng đình công mạnh mẽ

Hồi đầu tháng này, Samsung Electronics - gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc từng làm hài lòng các nhà đầu tư, khi cho biết kỳ vọng lợi nhuận hoạt động trong quí 2 sẽ tăng gần 1.500% so với cùng kỳ năm ngoái khi thị trường chip nhớ toàn cầu dần phục hồi sau thời kỳ suy thoái kéo dài.

Tuy nhiên, những sự hài lòng đó đã nhanh chóng phải nhường chỗ cho những lo lắng khi Samsung phải vật lộn với cuộc khủng hoảng lao động, do các đợt đình công của người lao động.

Hôm thứ Tư tuần trước (10-7), người lao động thuộc Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) - liên đoàn lao động lớn nhất của công ty, đã tuyên bố tổng đình công vô thời hạn để yêu cầu ban lãnh đạo hãng tăng lương. Các yêu cầu của liên đoàn bao gồm tăng 3,5% lương cơ bản cho tất cả các thành viên, cải tiến cơ cấu thanh toán tiền thưởng và thêm một ngày nghỉ phép để đánh dấu ngày thành lập công đoàn.

Đại diện của NSEU cho biết, quyết định đình công vô thời hạn được đưa ra sau khi ban lãnh đạo Samsung không tham gia đối thoại với họ trong cuộc đình công kéo dài ba ngày của khoảng 6.500 thành viên NSEU.

Tình hình sau đó đã dần ổn định hơn khi số lượng người tham gia các cuộc đình công ngày càng giảm. Tuy nhiên, NSEU đã thay đổi chiến lược bằng cách kêu gọi nhân viên tại một trong những nhà máy sản xuất chip nhớ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của Samsung nghỉ làm. Vài trăm nhân viên đã tham gia biểu tình vào ngày 11 và 12-7 trước cơ sở sản xuất bộ nhớ băng thông cao (HBM) của Samsung tại Pyeongtaek, phía Nam Seoul.

Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng ngàn người đã tham gia cuộc đình công trước đó, nhưng các nhà lãnh đạo NSEU cho hay họ hiện đang nhắm vào một khu phức hợp nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược của Samsung với hy vọng gia tăng áp lực.

Cơ sở Pyeongtaek được coi là “trung tâm thần kinh” trong những nỗ lực của Samsung nhằm chiếm lĩnh một phần thị trường chip AI quan trọng. Nhà sản xuất chip này đang trong quá trình cố gắng thuyết phục “ông lớn” bán dẫn Nvidia sử dụng HBM của mình. Đây được xem là một điều kiện tiên quyết để Samsung bắt kịp đối thủ SK Hynix trong lĩnh vực AI đang bùng nổ mạnh mẽ.

Đáp lại những động thái từ phía người lao động, ban lãnh đạo hãng cho biết, Samsung Electronics vẫn cam kết tham gia đàm phán thiện chí với công đoàn, đồng thời nói thêm rằng họ hy vọng sẽ sớm nối lại đàm phán. “Hiện tại, công ty đang sản xuất theo kế hoạch và không gặp bất kỳ vấn đề nào trong việc đáp ứng hoặc phản hồi nhu cầu của khách hàng”, đại diện của Samsung Electronics nêu rõ.

Những lo ngại về sự ổn định chuỗi cung ứng

Hiện không rõ sẽ còn có bao nhiêu công nhân tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của liên đoàn, nhưng điều đáng lo ngại là hành động leo thang này có thể gây hậu quả nghiêm trọng và gây tổn hại đến tập đoàn nổi tiếng nhất Hàn Quốc, hoặc gây ra những phản ứng tương tự trên toàn ngành công nghệ và bán dẫn.

Ông Son Woo-mok, người đứng đầu NSEU, ngày 11-7 cho hay ông đã nhận được báo cáo về sự gián đoạn đáng kể tại các nhà máy sau khi nhân viên ngừng làm việc. Nhưng ông không ước tính có bao nhiêu công nhân có thể tham gia một cuộc tổng đình công.

Trước đó, liên đoàn lao động cho biết họ sẽ nhắm mục tiêu vào các dây chuyền sản xuất sử dụng tấm bán dẫn silicon 8 inch, vốn dựa nhiều hơn vào sức lao động của con người. Các dây chuyền sản xuất thế hệ đầu như vậy vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng bán dẫn của Samsung.

Phần lớn hoạt động sản xuất của công ty đều được tự động hóa, mặc dù vậy, vẫn sẽ có những rủi ro từ các đợt đình công.

Dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết Samsung đang chiếm 45,5% thị trường chip DRAM toàn cầu và 36,6% thị trường bộ nhớ NAND Flash. Do vậy tác động sẽ là không nhỏ.

Theo báo cáo của Chosun Ilbo, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động của Samsung đều có thể gây ra phản ứng dây chuyền. Sự thiếu hụt nguồn cung các linh kiện quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, ô tô, mà còn có thể ảnh hưởng đến thị trường doanh nghiệp, bao gồm điện toán đám mây và lưu trữ dữ liệu.

Các hãng truyền thông Hàn Quốc nhận xét cuộc đình công có thể chưa gây ra mối đe dọa lớn cho hoạt động kinh doanh của Samsung, nhưng đây chắc chắn không phải là tin tức tích cực cho công ty.

Samsung đối mặt nguy cơ tụt hậu hơn nữa

Theo Financial Times, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt trên thị trường chip, cuộc đình công tại Samsung Electronics có thể cản trở những nỗ lực của hãng nhằm khôi phục niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư.

Samsung hiện đang tụt lại phía sau so với SK Hynix và nhà sản xuất chip Micron của Mỹ trong việc phát triển chip HBM, một thành phần quan trọng của hệ thống AI. Ngoài ra, hãng vẫn chưa vượt qua các bài kiểm tra cần thiết để đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp HBM cho công ty dẫn đầu trong ngành là Nvidia.

Myron Xie, nhà phân tích tại Công ty tư vấn chip SemiAnalysis, cho biết: “Điều này cực kỳ đáng lo ngại đối với một công ty từng là nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu. HBM là sản phẩm có lợi nhuận rất cao nên Samsung đang bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng lớn”.

Bên cạnh đó, Samsung cũng đã thất bại trong việc lật đổ sự thống trị của TSMC trong lĩnh vực đúc chip. Chuyên gia Xie cho biết: “Mặc dù khách hàng muốn có giải pháp thay thế TSMC, nhưng ưu tiên số một của khách hàng là chất lượng công nghệ và khả năng có nguồn cung cấp ổn định, điều mà xưởng đúc Samsung chưa cung cấp được”.

Những hạn chế này đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng giá cổ phiếu của công ty. Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Samsung chỉ tăng khoảng 7,5%, so với mức tăng 65% của đối thủ nội địa có quy mô nhỏ hơn - SK Hynix.

Hồi tháng 5, Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã bổ nhiệm một chuyên gia kỳ cựu vào vị trí đứng đầu bộ phận chip của Samsung Electronics để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, một kỹ sư chip giấu tên của Samsung đã nói với Financial Times rằng họ “không thấy nhiều thay đổi ngay cả sau khi có sự thay thế lãnh đạo”. Kỹ sư này cho biết: “Bầu không khí nội bộ rất tiêu cực khi chúng tôi đang tụt lại phía sau SK Hynix về HBM và không thể bắt kịp TSMC trong lĩnh vực đúc chip”.

Các nhân viên cũng nói thêm rằng: “Mọi người đang cảm thấy không hài lòng về mức lương nói chung vì họ nghĩ rằng họ được đãi ngộ kém hơn so với các đồng nghiệp tại SK Hynix. Nhiều người đã nghĩ đến việc rời công ty để gia nhập đối thủ cạnh tranh”.

Một nhà nghiên cứu giấu tên tại bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung cũng cho biết: “Tinh thần của người lao động đang xuống thấp, không được khuyến khích bởi những phần thưởng tài chính. Họ cảm thấy rất chán chường vì hoạt động quản lý dường như không có phương hướng rõ ràng”.

Theo một nhà đầu tư của Samsung, các đối thủ của hãng hiện đang cạnh tranh khốc liệt để giành lấy nguồn cung nhân tài kỹ thuật người Hàn Quốc. Và bầu không khí bi quan tại công ty, cùng với các cuộc đình công đang diễn ra không ngớt, có thể khiến các nỗ lực thu hút nhân sự chất lượng cao để tăng cường năng lực công nghệ của Samsung trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Chuyên gia Xie từ SemiAnalysis khuyến cáo: “Trong bối cảnh Samsung đã chứng kiến khả năng công nghệ của mình bị xói mòn trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, có vẻ như có những vấn đề xuất phát từ sự lãnh đạo và văn hóa của công ty. Việc thiết lập lại văn hóa có thể mất nhiều thời gian và cả những nỗi đau, nhưng nó có thể là điều tốt nhất cho công ty về lâu dài”.

Nguồn: Financial Times, Chosun Daily, Wobidobi, Forbes

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới