Thứ Sáu, 18/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hãy để sinh viên tốt nghiệp đánh giá các trường đại học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy để sinh viên tốt nghiệp đánh giá các trường đại học

Đức Tâm

Hãy để sinh viên tốt nghiệp đánh giá các trường đại học
Giáo sư Trần Ngọc Anh trình bày tại hội thảo. Ảnh: Đức Tâm

(TBKTSG Online) - Hãy để sinh viên tốt nghiệp đánh giá các trường đại học, qua đó thúc đẩy các trường tự nâng cao chất lượng để tồn tại, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, trường Đại học Indiana.

Ý kiến của TS Anh được trình bày hôm qua 31-7 tại buổi thảo luận về cải cách giáo dục đại học do nhóm Đối thoại giáo dục phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức.

Theo đó, khả năng xin việc thành công và mức độ hài lòng về chất lượng đào tạo của sinh viên sau khi ra trường là hai trong số các tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp hạng một trường Đại học. Việc đánh giá sẽ dựa trên những kết quả điều tra từ chính những sinh viên do trường đó đào tạo.

Cách thực hiện gồm bốn bước cơ bản được TS. Anh đề xuất như sau: Các trường đại học sẽ cung cấp danh sách sinh viên tốt nghiệp kèm theo số điện thoại cho Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT). Bộ GD&ĐT gửi danh sách này kèm theo tiêu chí đánh giá cho Tổ chức kiểm tra đánh giá độc lập. Tổ chức này sẽ khảo sát theo mẫu ngẫu nhiên, sau đó công bố kết quả trên từng tiêu chí đánh giá và căn cứ vào đó để xếp hạng các trường đại học.

Như vậy nhờ vào bảng công khai kết quả đánh giá định kỳ này, học sinh sẽ biết những điều quan trọng nhất như là học trường này ra, có bao nhiêu người xin việc thành công? Có làm công việc đúng ngành nghề đào tạo không? Kiến thức đào tạo đáp ứng công việc như thế nào? …

Qua đó học sinh sẽ có những thông tin cần thiết khi quyết định theo học một trường nào đó, đồng thời các trường đại học bắt buộc phải tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh nếu muốn tồn tại.

Hơn 200 năm trước, nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith từng viết “Không phải nhờ lòng nhân từ của những người bán thịt hay người bán bánh mì mà chúng ta có được bữa tối, mà chính là vì lợi ích riêng của họ”, tương tự như vậy, hãy để các trường đại học tốt lên không phải nhờ lòng tốt của họ mà vì lợi ích riêng của họ bắt buộc họ phải tốt lên, TS. Anh ví von.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, TS. Anh cho biết sau hội thảo sẽ tổng kết hoàn thiện phương án và gửi đề xuất đến Bộ GD&ĐT để thực hiện.

“Nhiều nước, đặc biệt là Hoa Kỳ đã thực hiện phương pháp này từ khá lâu và cho thấy rất hữu ích. Hiện chúng tôi đã có phương án kỹ thuật và vận động được nguồn chi phí hỗ trợ để thực hiện. Do vậy, hy vọng chúng tôi sẽ thuyết phục được bộ cho triển khai sớm”, TS. Anh nói.

Ông Trần Ngọc Anh tốt nghiệp tiến sĩ về chính sách công tại Đại học Harvard, hiện là Phó Giáo sư về chính sách công của Đại học Indiana tại Bloomington và Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard. TS. Anh là thành viên sáng lập nhóm Đối thoại giáo dục được điều hành bởi Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu.

Nhóm Đối thoại giáo dục ra đời vào mùa thu năm 2013, gồm 8 thành viên là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ người Việt, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới mong muốn đổi mới nâng cao giáo dục tại Việt Nam thông qua đối thoại.

Hội thảo giáo dục còn diễn ra đến cuối buổi sáng hôm nay 1-8 để bàn tiếp về các vấn đề nâng cao chất lượng đại học từ tự chủ, quản trị, tài Chính đến vận hành một trường đại học tư thục tại Việt Nam …

Đọc thêm:

>> Đại học tư thục phi lợi nhuận: Vì sao họ làm được còn chúng ta thì chưa?

>> Đại học Fulbright và mong muốn đại diện cho hướng đi mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới