Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hãy học những “điều nhỏ” từ người Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy học những “điều nhỏ” từ người Nhật

Oanh Trần

(TBKTSG) - Lần đầu tiên đến Nhật, tôi như một học sinh vỡ lòng học được những điều nhỏ nhất từ con người và đất nước Nhật Bản. Đây là chuyến Famtrip đặc biệt, do Công ty Du lịch quốc tế Dana tổ chức cùng với sự tài trợ của Công ty Japan Holiday, dành cho cấp quản lý của các công ty du lịch. Ngoài mục đích đi khảo sát để xây dựng tour, còn có phần trải nghiệm về văn hóa của người Nhật nên tôi có cơ hội để học hỏi.

Hãy học những “điều nhỏ” từ người Nhật
Chùa Katsuo-ji. Nguồn: katsuo-ji-temple.or

Trải nghiệm văn hóa giao thông

Một chiều Chủ nhật vào trung tuần tháng 11-2019, trên đường đến tham quan chùa Katsuo-ji tại Osaka, đoàn du khách Việt Nam trên chiếc xe buýt chợt chú ý đến đôi nam nữ trên một chiếc mô tô phân khối lớn đang di chuyển ở phía trước. Thông tin từ nhà chùa cho biết, cây cối cây nơi đây đã chuyển sang lá đỏ, rất đẹp, và vì là ngày cuối tuần, nên nhiều gia đình Nhật cũng đưa người thân lên đó để thưởng ngoạn. Một dãy dài xe cộ đi lên núi phải xếp hàng và nhích từng chút một, chiếc mô tô là một trong số đó. Ở chiều lưu thông ngược lại, ngăn cách với chiều đi lên chỉ là một vạch sơn được kẻ liền mạch, đường trống trơn, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe chạy xuống.

Những du khách trong đoàn Việt Nam nói với nhau rằng, để xem đôi nam nữ này có tách ra, lấn làn để vượt lên không? Mười phút, hai mươi phút rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, chiếc mô tô vẫn kiên trì “xếp hàng” nhích từng chút lên núi.

Trong chúng ta chẳng mấy ai mà chưa từng nghe hay thấy trên ti vi về văn hóa xếp hàng của người Nhật. Nhưng với những người có mặt trên xe buýt hôm ấy, vốn đã quá quen với văn hóa giao thông luồn lách ở Việt Nam, thì việc một “tay mô tô” vốn ưa tốc độ lại bỏ qua sự “cám dỗ” của phần đường trống trơn bên cạnh để kiên nhẫn “xếp hàng” vẫn là chuyện lạ.

Những điều tôi thấy, chắc hẳn các bạn, những người từng đặt chân đến nước Nhật, cũng đã thấy. Xin hãy làm những cánh én cho mùa Xuân về trên đất nước mình!

Anh Nhan Phương, điều phối viên của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), nói có hai đặc điểm nổi tiếng ở Nhật là văn hóa xếp hàng và đúng giờ, được thể hiện trong mọi đời sống và sinh hoạt. “Tài xế chỉ được phép lấn tuyến khi có hiệu lệnh của người hướng dẫn giao thông”, anh nói.

Thật không uổng công cả tiếng đồng hồ kẹt xe trong trật tự để chiêm ngưỡng cảnh chùa Katsuo-ji, được mệnh danh là chùa may mắn. Cảnh vật nơi đây đẹp như tranh vẽ, ngập tràn lá đỏ, vàng khiến cho phong cảnh càng thêm lãng mạn. Càng không uổng công hơn khi được cảm nhận văn hóa đúng giờ và xếp hàng của người Nhật.

Văn hóa giao thông ở Nhật Bản không chỉ được thể hiện qua sự tuân thủ của người điều khiển phương tiện. Khi đi thang cuốn, mọi người không đứng dàn hàng ngang, mà đứng một bên (bên trái hoặc phải tùy theo quy định của từng vùng) để dành bên còn lại cho người có việc gấp có thể di chuyển nhanh.

Xả rác được xem là thiếu văn minh

Người Việt Nam vốn có thói quen, đi đến đâu, lúc rời đi thì bỏ rác lại. Ngay cả trên xe khách. Đến ngày thứ ba, ban tổ chức phải lưu ý đoàn rằng bác tài có đặt sẵn túi nylon sau lưng ghế, trước mặt từng người, ai có rác thì phải bỏ vào túi và đem theo khi rời khỏi xe để bỏ vào thùng rác. Đạo lý thật đơn giản, tài xế chỉ được trả công để chở khách chứ không được thuê để dọn rác cho khách. Chị Trương Bích Dung, Giám đốc Công ty Dananiter Travel, nói thêm: “đề nghị các anh, chị về tập huấn hướng dẫn viên nên nhắc nhở khách điều này và nếu khách không làm, thì đó nhiệm vụ của hướng dẫn viên nhé”.

Đến Nhật chắc hẳn mọi người đều có ấn tượng về đường phố vô cùng sạch đẹp. Đó chính là thành quả của việc tuân thủ nghiêm việc phân loại rác và hành động xả rác bừa bãi được xem là thiếu văn minh ở Nhật Bản. Chúng ta chẳng còn lạ gì chuyện người Nhật khi tham dự một sự kiện thể thao hay văn hóa ở nước ngoài, khi họ rời đi khu vực họ ngồi được thu dọn sạch sẽ. Vì đó là “văn minh”.

Người Nhật xem công việc là đạo sống, lấy tấm lòng đãi tấm lòng!

Đó là chia sẻ của anh Phương khi đoàn rời khỏi Vương đường Phật giáo tại Hyogo trong sự ấn tượng của mọi người về vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, cùng với những công trình kiến trúc lập kỷ lục thế giới và đặc biệt là sự đón tiếp chu đáo và chuyên nghiệp của những con người tại đây.

Vương đường Phật giáo hiện được xem là Trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Tháng 11-2008, tại đây đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 5.

Dù chỉ là những du khách đến tham quan, nhưng chúng tôi vẫn được đón tiếp như những đại biểu đến dự hội nghị, tất cả được sắp xếp bài bản từ khâu đón tiếp cho đến nghi thức tiễn đoàn bằng tách trà ấm cùng món bánh truyền thống.

Đón đoàn là một sư thầy và một vài người phụ việc. Khác với hình dung trong tôi về nhà sư, thầy với dáng dấp nhanh nhẹn, niềm nở và thân thiện, vừa đi thầy vừa giải thích về ý nghĩa của từng công trình kiến trúc. Hành trình tham quan kéo dài hơn ba tiếng với quãng đường đi bộ hơn 2 ki lô mét, thầy vẫn luôn nở nụ cười hiền trên môi. Nhưng đôi khi, thầy cũng không giấu sự không hài lòng khi nhiều lần phải nhắc các thành viên đi tập trung và nhanh, nếu không sẽ rất mất thời gian cho đoàn và không đi hết những nơi đẹp nhất mà thầy muốn giới thiệu.

Rời khỏi Vương đường Phật giáo, tôi nhớ mãi hình ảnh những nhân viên chăm chỉ đẩy máy hút lá rơi đầy sân, không hề xao nhãng công việc khi có đoàn người đi qua; các bác (đa số người phục vụ ở Nhật lớn tuổi) lặng lẽ đi sau người cuối đoàn để đảm bảo không ai bị lạc bước. Có vài anh, chị mải mê chụp hình, họ vẫn âm thầm đứng đợi!

Quả thật, người Nhật xem công việc là đạo sống, làm với trách nhiệm cá nhân cao và luôn lấy tấm lòng đãi tấm lòng, nên du khách đã đến Nhật thì sẽ không thể không trở lại.

Chợt nghĩ về Việt Nam

Không ít người Việt Nam cho rằng, người Nhật tuân thủ quy tắc đến “mù quáng”. Nhận định này, trong một số tình huống cụ thể, có lẽ không quá đáng. Nhưng với tôi, chính ý thức tuân thủ, đôi khi đến mức nghiêm khắc đó, lại là ưu điểm và đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để nước Nhật trở nên giàu có và văn minh như ngày nay.

Trước hết, tuân thủ quy tắc có nghĩa là trật tự và trái ngược với trật tự chính là sự hỗn loạn mà đã là hỗn loạn thì không thể có văn minh và phát triển. Hãy thử nhìn lại mình mà xem. Giao thông trên đường phố tại các đô thị, trên đường quốc lộ... chẳng phải đang rất hỗn loạn hay sao. Đó là ngoài xã hội.

Còn trong bộ máy chính quyền, chuyện “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”, diễn giải luật lệ thì mỗi nơi một kiểu... thì không thể gọi là có trật tự được.

Ở khía cạnh kinh tế, tuân thủ quy tắc chính là năng suất và hiệu quả. Hãy thử tưởng tượng, nếu tất cả người tham gia giao thông ở Việt Nam cũng tuân thủ luật lệ giao thông như người Nhật, thì Nhà nước sẽ chẳng cần phải chi ra những số tiền lớn để dựng lên những dải phân cách cứng, cũng không cần phải duy trì đội ngũ rất đông cảnh sát giao thông để duy trì trật tự và xã hội không bị lãng phí rất nhiều thời gian mà các nhà kinh tế đã lượng hóa thành hàng tỉ đô la Mỹ, vì ách tắc giao thông.

Đồng thời, nếu tất cả công chức trong bộ máy công quyền và mọi doanh nghiệp đều tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc, thì Nhà nước cũng không phải chi ra hàng đống tiền để cải cách hành chính, nạn tham nhũng sẽ không hoành hành và người dân cũng bớt tốn kém thời gian và tiền bạc cho các thủ tục hành chính

Vậy, để chúng ta cũng có trật tự như người Nhật Bản thì phải làm gì? Câu trả lời vẫn là hãy học người Nhật. Họ bắt đầu từ giáo dục, nên chúng ta cũng hãy bắt đầu từ giáo dục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới