Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hãy khuyến khích sự sáng tạo và tạo cơ hội cho người trẻ!

Văn Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ông Michael Koetsier là Phó chủ tịch phụ trách khách hàng của Skyrora UK Ltd., nhà sản xuất thiết bị phóng vào quỹ đạo chuyên phóng các vệ tinh cho khách hàng với chi phí thấp. Ông đã góp phần tổ chức Tuần lễ Không gian Việt Nam (VIETNAM SPACE WEEK) mới diễn ra tại Hậu Giang, TPHCM và Bình Định. Nhà khoa học này cũng đã tham gia sự kiện này cùng với Nhà du hành vũ trụ Michael A. Baker và bác sĩ phụ trách các chuyến bay của NASA Josef Schmid.

Ông đã trao đổi với KTSG về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần khoa học nơi giới trẻ.

Ông Michael Koetsier.

KTSG: Chúng tôi được biết ông đã xúc tiến việc tổ chức Tuần lễ Không gian Việt Nam để nâng cao nhận thức về các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (STEM) nơi giới trẻ nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với lĩnh vực không gian toàn cầu. Ông kỳ vọng gì về kết quả của Tuần lễ Không gian Việt Nam?

- Ông Michael Koetsier: Kết quả mà tôi muốn thấy là nhận thức cao hơn nơi giới trẻ rằng cơ hội nghề nghiệp từ STEM là đa dạng và hấp dẫn - nhưng quan trọng là cơ hội đó mở ra cho tất cả những ai muốn theo đuổi. Tôi hy vọng rằng sau khi nghe những câu chuyện tuyệt vời, nhiều cảm hứng từ nhà du hành Mike thì họ hiểu rằng để đưa một người lên không gian cần sự chung tay của nhiều người - thực sự là cần đến khoảng 25.000 người tham gia làm việc cho mỗi chuyến bay vào vũ trụ! Và tôi hy vọng họ hình dung ra tác động của những chuyến bay này lên cuộc sống hàng ngày, trong rất nhiều lĩnh vực như y khoa, máy tính và kỹ thuật. Ví dụ, liệu họ có nhận ra rằng máy lọc nước được chế tạo vào những năm 1960 xuất phát từ nhu cầu thanh trùng nước trên không gian chăng?

Một số vật dụng khác được phát minh cho ngành không gian bao gồm tai nghe không dây, gối xốp lưu hình thể, nhiệt kế tai, thực phẩm sấy lạnh, điện thoại gắn camera, kính chống trầy, lốp tuổi thọ cao và giày thể thao.

Để truyền cảm hứng cho người trẻ, chúng ta phải tạo cơ hội để họ biết tò mò và phải dạy họ cách giải quyết vấn đề qua một góc nhìn khác. Hãy khuyến khích sự sáng tạo và tạo nhiều cơ hội cho người trẻ để phát triển kỹ năng này.

Và khi nghe bác sĩ Josef, họ hiểu rằng không cần phải lên không gian mà vẫn có thể thực hiện công việc chuyên môn như đảm bảo rằng phi hành đoàn đủ sức khỏe trước khi bay, rằng họ vẫn khỏe mạnh trên không gian và khi trở về trái đất. Thật vậy, các bác sĩ như Josef, dù hết sức quan trọng, cũng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ các công việc chức năng cần thiết - các kỹ sư, chuyên gia máy tính, nhà ngôn ngữ học, nhà hóa học, nhà địa lý, nhiếp ảnh, quay phim, nhà phân tích, chuyên gia điều hành, đầu bếp, huấn luyện viên thể dục, tài xế và nhiều người khác nữa cùng tham gia vào.

KTSG: Ông đã tổ chức Tuần lễ Các trường Không gian Scotland năm 2019 để giới thiệu cơ hội nghề nghiệp STEM, và cũng đã hỗ trợ thành lập một trường không gian ở đó với sự tham gia của nhiều phi hành gia và nhà khoa học. Liệu ông có ý định hỗ trợ Việt Nam với một dự án tương tự, nếu có, trong lĩnh vực khoa học không gian?

- Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức Tuần lễ Không gian Việt Nam 2023, nhưng tham vọng là mở rộng sự kiện này hàng năm với số người tham gia nhiều hơn. Trường Không gian Scotland xuất phát từ ý tưởng như thế, và được thành lập bởi Hyang Lloyd, một cựu nhân viên NASA và hiện vẫn còn duy trì mối quan hệ với cơ quan này. Ngôi trường đã hoạt động gần 20 năm và được đánh giá cao do nhận thức và nhu cầu ngày càng cao về nghề nghiệp liên quan đến STEM ở quê hương tôi.

Tôi đã may mắn được hỗ trợ bà Hyang Lloyd liên quan đến sự kiện này trong nhiều năm, và động thái với Việt Nam được thúc đẩy sau khi tôi lần đầu đến đất nước xinh đẹp này vào năm ngoái và may mắn có cuộc gặp gỡ với ông Hà Duy Bình - Giám đốc Trung tâm STEAMZone. Ông Bình có được sự hỗ trợ trong nước và Tuần lễ Không gian Việt Nam ngày 5-6 có sự góp sức tích cực của nhiều người. Sẽ rất tốt đẹp nếu có thể mở rộng sự kiện này với sự tham gia của nhiều học viện để đảm bảo rằng sinh viên có thể nhìn thấy rõ ràng con đường của họ.

KTSG: Ông có nghĩ rằng khoa học không gian là rất cần thiết với một nước đang phát triển như Việt Nam?

- Tôi nghĩ rằng các cơ hội nghề nghiệp từ STEM là hết sức cần thiết và có giá trị với bất cứ nước nào, cho phép người ta có một công việc hết sức mãn nguyện và thu nhập xứng đáng.

Nếu bạn nhìn ra thế giới, bạn sẽ thấy hầu hết mọi nước đều nhấn mạnh đến khoảng trống về kỹ năng trong những lĩnh vực này và mong muốn thu hút người trẻ cân nhắc các nghề nghiệp đó. Điều thật sự cần thiết là giúp những người đang tìm kiếm hiểu cần được đào tạo thế nào và chọn con đường nghề nghiệp nào.

Thế giới vẫn đang khát công nghệ và nếu Việt Nam có lượng người có kỹ năng chuyên môn thì nhu cầu về các sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng và các công ty Việt Nam sẽ lớn mạnh. Hơn nữa, những kỹ năng đó sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và điều này sẽ tạo ra những công việc có giá trị cao và các cơ hội về chuỗi cung ứng cho nhiều công ty.

KTSG: Một trong những yếu tố then chốt đảm bảo sự phồn vinh lâu dài của một đất nước là nuôi dưỡng một nền văn hóa đề cao khoa học. Theo ông, đâu là những bên tham gia chính yếu trong nền văn hóa đó, chính phủ, cộng đồng kinh doanh hay chính những nhà khoa học? Và làm sao để khuấy động tinh thần đó nơi giới trẻ?

- Tôi đồng ý rằng một yếu tố then chốt để đạt sự phồn vinh dài hạn là nuôi dưỡng tinh thần khoa học và tôi muốn gợi ý rằng điều này phải bắt đầu trước hết bằng việc phát triển người trẻ - giúp họ thấy được các cơ hội và phải giúp họ tiếp cận cơ hội đó. Sẽ có nhiều người trẻ lẽ ra có thể trở thành các Elon Musk trong tương lai nhưng đã không có được cơ hội đó vì họ cảm thấy họ không có đủ điều kiện để theo đuổi cơ hội. Điều rất quan trọng là giúp họ qua việc tài trợ hay học bổng, tạo cơ hội thực tập, khuyến khích tinh thần lập nghiệp nơi trường học và ngoài xã hội.

Vai trò của cha mẹ là nói với con cái rằng: “Con có thể trở thành người con muốn”; vai trò của nhà trường và doanh nghiệp là nhận ra nhu cầu hiện tại và tương lai và cùng bắt tay để tạo lập các kỹ năng để đáp ứng những nhu cầu đó; và vai trò của chính quyền là đảm bảo rằng các ưu tiên của họ là rõ ràng và có thể cung cấp sự hỗ trợ trên phạm vi cả nước để giúp cho người dân ở mọi nơi tiếp cận được các cơ hội này.

Truyền thông cũng đóng một vai trò nhờ khả năng đi vào tận từng nhà để nêu ra câu chuyện. Truyền thông có thể là que diêm bật lên đánh thức khát vọng và nhận thức nơi người trẻ.

KTSG: Việc phát triển STEM đã được chú ý hơn gần đây ở Việt Nam, nơi cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan chính phủ, với STEAMZone Việt Nam ở TPHCM và Tổ hợp Không gian Khoa học ExploraScience Quy Nhơn ở Bình Định là những ví dụ. Là một chuyên gia trong lĩnh vực STEM, ông nghĩ cần làm gì để tạo cảm hứng hơn nữa cho người trẻ và công chúng nói chung trong việc tham gia vào những ngành học này?

- Tôi thích câu hỏi này. Khi về già, hầu hết chúng ta mất đi tính hiếu kỳ và chấp nhận cuộc sống như nó là. Chúng ta cần tạo cảm hứng cho người dân từ khi họ còn rất trẻ để họ biết hiếu kỳ và cách giải quyết vấn đề. Tôi muốn gợi ý rằng thay vì ép người ta tuân theo một quy trình nào đó, hãy khuyến khích họ “tư duy bên ngoài khuôn khổ”. Chúng ta nói “đây là quy trình nhưng bạn có thể xem xét vấn đề này từ một góc độ khác và đưa ra giải pháp nhé”.

Đầu óc người trẻ luôn muốn khám phá và không bị ràng buộc bởi điều họ biết là có thể và không thể. Thật vậy, chẳng phải chúng ta vẫn thường nhận ra rằng những tình huống bất khả thi trước đây bất ngờ lại có giải pháp sao? Cách đây nhiều năm, điện thoại là cố định, nhưng bây giờ chúng ta mang theo điện thoại trong túi.

Thử hình dung bạn bị mắc kẹt trên đảo hoang cách đây 25 năm và giờ được trả về thế giới hiện nay. Chắc chắn bạn sẽ kinh ngạc và rất có thể là lo lắng nữa. Do vậy, để truyền cảm hứng cho người trẻ, chúng ta phải tạo cơ hội để họ biết tò mò và phải dạy họ cách giải quyết vấn đề qua một góc nhìn khác. Hãy khuyến khích sự sáng tạo và tạo nhiều cơ hội cho người trẻ để phát triển kỹ năng này.

KTSG: Đâu là thông điệp chính mà ông muốn đưa ra cho giới trẻ Việt Nam?

- Thông điệp chính mà tôi muốn trình bày với người trẻ là một nghề nghiệp từ STEM có thể mở ra thế giới cho họ, sẽ giúp họ phát triển những kỹ năng có nhu cầu cao ở cả trong nước lẫn quốc tế, và khi có những kỹ năng này, nhiều người sẽ cần đến họ. Họ không chỉ có cơ hội nghề nghiệp tốt với đường thăng tiến rộng mở trong khi họ phát triển kiến thức và năng lực, mà còn có cơ hội có thu nhập cao vì các công ty có nhu cầu cao đối với các kỹ năng này.

KTSG: Ngoài ra còn có điểm gì khác mà ông muốn chia sẻ thêm với độc giả không?

- Tôi nghĩ điều chính yếu là chúng tôi đang làm điều này bởi vì chúng tôi tin vào điều mình làm và muốn truyền tải nội dung đó. Mọi người tự nguyện dành thời gian mà không đòi hỏi chi phí và tôi hy vọng điều đó thể hiện niềm tin mạnh mẽ nơi chúng tôi.

Văn Thắng thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới