Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua thăm dò vũ trụ tìm kiếm khoáng sản hiếm có thêm Hàn Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xem việc phát triển công nghệ khai thác khoáng sản quí hiếm trên vũ trụ sẽ định dạng lại trật tự nền kinh tế toàn cầu, Hàn Quốc đang tăng tốc phát triển và phóng các tàu thăm dò không gian để chạy đua cùng với một nhóm nhỏ cường quốc khác gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Nga.

Trong cuộc họp báo hôm 6-12, Kwon Hyun-joon, Cục trưởng Cục hạt nhân và không gian thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc (MSIT), nhấn mạnh các vật liệu như titan, bạch kim và khoáng sản đất hiếm nằm trong số những mặt hàng mà Hàn Quốc cần phải khai thác độc lập trong các sứ mệnh không gian do tầm quan trọng của chúng đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Hàn Quốc đang cố gắng bắt kịp cuộc đua vũ trụ toàn cầu sau khi phóng thử nghiệm tên lửa ba tầng Nuri do nước này tự sản xuất cách đây khoảng một năm. Tháng trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc có kế hoạch hạ cánh tàu thăm dò không gian trên Mặt trăng vào năm 2032 trong nỗ lực tìm kiếm khoáng sản trên bề mặt của Mặt trăng. Sau đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa vào năm 2045.

Chương trình không gian của Hàn Quốc đã vấp phải một loạt chậm trễ và khó khăn trong những năm qua, vì vậy nước này vẫn còn chặng đường dài trước khi có thể đạt đến trình độ tiên tiến hơn như hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản.

Quan trọng hơn, Hàn Quốc phải xem liệu có cách nào để tiết kiệm chi phí khai thác tài nguyên trên Mặt trăng hay không. Điều này có thể sẽ yêu cầu phát triển nguồn cung hydro và oxy được sử dụng để cung cấp năng lượng cho tên lửa phóng, một báo cáo nghiên cứu về sản xuất nhiên liệu của tên lửa sử dụng cho các sứ mệnh mặt trăng gần đây ở Hàn Quốc cho hay.

Ông Kwon Hyun-joon ví cuộc chạy đua vào không gian với “Kỷ nguyên khám phá” vào thế kể thứ 15 đến thế kỷ thứ 17 ở châu Âu, mà theo ông đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa các quốc gia, có thể vận chuyển con người và hàng hóa qua đại dương và những quốc gia không thể. Ông cho biết thêm Mỹ sẽ là đối tác chính của Hàn Quốc trong chương trình phát triển không gian.

Ông tiết lộ Hàn Quốc có kế hoạch chi hơn 2 nghìn tỉ won (1,5 tỉ đô la Mỹ) để chế tạo một tên lửa vươn tới mặt trăng và khoảng 680 tỉ won (510 triệu đô la Mỹ) cho một tàu đổ bộ mặt trăng.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Nga là 5 nước chi tiêu lớn nhất cho chương trình nghiên cứu không gian, với Mỹ dẫn đầu (55 tỉ đô la Mỹ), theo số liệu của năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Kwon Hyun-joon nói, chính phủ Hàn Quốc sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy nhu cầu về tàu thăm dò đối với ngành công nghiệp không gian vốn còn ở quy mô nhỏ trong nước. Hàn Quốc ban đầu sẽ tập trung vào thị trường vệ tinh ở quỹ đạo thấp của trái đất. Ông dự báo thị trường này sẽ chiếm thị phần lớn hơn trong toàn bộ ngành công nghiệp không gian toàn cầu, ước tính đạt khoảng 830 tỉ đô la Mỹ vào năm 2040.

Tuần trước, hãng tin Yonhap cũng đưa tin chính phủ Hàn Quốc đã duyệt kế hoạch phát triển tên lửa phóng thế hệ tiếp theo có khả năng chở được khối lượng hàng hóa lớn hơn để phục vụ các sứ mệnh thăm dò Mặt trăng và sao Hỏa.

MSIT cho biết rõ hơn rằng dự án phát triển loại tên lửa phóng hai tầng có gên gọi KSLV-III đã vượt qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào cuối tháng 11.

Tên lửa KSLV-III có năm động cơ đốt trong sử dụng 100 tấn nhiên liệu lỏng, với 90 tấn sử dụng cho tầng đẩy đầu tiên và 10 tấn sử dụng cho tầng đẩy thứ hai. Công nghệ kiểm soát lực đẩy và đánh lửa lại (re-ignition) sẽ được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại tên lửa phóng có thể tái sử dụng, giúp giảm đáng kể chi phí.

KSLV-III sẽ tân tiến hơn và lớn hơn so với phiên bản trước đó của nó là tên lửa phóng ba tầng đẩy Nuri, đã phóng thành công một vệ tinh thử nghiệm nặng 162,5 kg vào quỹ đạo mục tiêu của Trái đất hồi tháng 6-2022.

Tên lửa Nuri được phát triển bởi Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI), có mô hình hoạt động giống như Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA).

KSLV-III sẽ được thiết kế để tạo ra lực đẩy lên tới 10 tấn vào quỹ đạo thấp và 3,7 tấn vào quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh. Trong khi đó, Nuri, còn được gọi là KSLV-II, chỉ có thể đẩy được trọng tải 3,3 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái đất.

Bắt đầu từ giai đoạn thiết kế KSLV-III, các công ty tư nhân sẽ làm việc với các kỹ sư nhà nước như một phần của chương trình “Người tiên phong không gian” do chính phủ Hàn Quốc khởi xướng. Điều này nhằm tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp tự duy trì như SpaceX, một công ty công nghệ hàng không vũ trụ do tỉ phú Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla, sáng lập.

Hồi đầu tháng 8, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại Cape Canaveralm, bang Florida (Mỹ), mang theo tàu thăm dò Mặt trăng Danuri của Hàn Quốc. Tàu Danuri đang tiến tới Mặt trăng theo đường đi chuyển tiếp. Theo đó, nó di chuyển về phía Mặt trời trước khi vòng lại để đến quỹ đạo Mặt Trăng vào giữa tháng 12 tới. Tuyến đường này dài hơn nhiều so với tuyến đường đi thẳng tới Mặt trăng nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn do tàu sử dụng lực hấp dẫn của Mặt trời để di chuyển.

Tàu thăm dò Danuri sẽ hoạt động ở một quỹ đạo ở độ cao 100 km so với bề mặt của Mặt trăng bên cạnh các tàu thăm dò của NASA, Ấn Độ và Trung Quốc. Danuri sẽ nghiên cứu từ trường của Mặt trăng, xác định số lượng các nguyên tố và phân tử như uranium, nước và helium-3 trên Mặt trăng, đồng thời chụp ảnh các hố đen ở hai cực của Mặt trăng, nơi Mặt trời không bao giờ chiếu sáng.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nói rằng “giấc mơ về một cường quốc không gian sẽ không phải là một tương lai xa vời, mà là cơ hội và hy vọng cho trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc”.

Trong khi đó, ông Kwon Hyun-joon cảnh báo Hàn Quốc không thể trụ vững trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về phát triển không gian nếu không có công nghệ tên lửa phóng của riêng mình.

Theo Bloomberg, Yonhap, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới