Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hãy tháo dỡ các “lô cốt” thủ tục!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hãy tháo dỡ các “lô cốt” thủ tục!

(TBKTSG) – Đề cập đến việc Chính phủ dự kiến chi nhiều tỉ đô la Mỹ nhằm cứu vãn nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành đưa ra một đề nghị mà theo ông vừa không cần đến tiền, vừa lại rất hữu hiệu. Đó là “hãy tháo dỡ các “lô cốt” thủ tục” đã và đang trở thành những “thiên la địa võng”, ngăn trở các nhà đầu tư.

Để chứng minh điều mình nói, ông Đực dẫn ngay trường hợp của doanh nghiệp mình. Một dự án địa ốc quy mô không lớn nhưng nhà đầu tư đã phải trải qua vô số thủ tục phiền hà, rối rắm. Tháng 10-2006, Công ty Đất Lành lập thủ tục xin đầu tư dự án xây dựng chung cư căn hộ nhỏ (30-40 mét vuông) cho người có thu nhập thấp trên diện tích 4 héc ta tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM.

Hơn hai tháng sau khi được UBND quận 12 chấp thuận địa điểm đầu tư, thủ tục tiếp theo là xin cấp thông tin quy hoạch tại Sở Quy hoạch Kiến trúc. Do một phần diện tích đất tiếp giáp với ranh an toàn kênh Tham Lương nên cơ quan này yêu cầu phải lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công đoạn xin cấp thông tin quy hoạch, vì thế, mất tới 8 tháng 24 ngày mới xong.

Tương tự, ở khâu xét duyệt quy hoạch 1/500 sau đó tại UBND quận 12 nhà đầu tư được yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc có đồng ý với chủ trương quy hoạch hay không.

“Chúng tôi lấy ý kiến nhưng dân chả quan tâm gì đến quy hoạch cả. Họ chỉ nhân đó đòi tăng giá đất, lúc đầu giá đền bù chỉ 2-3 triệu đồng/mét vuông, giờ họ đòi tới 10-12 triệu đồng/mét vuông. Hệ quả của việc lấy ý kiến về quy hoạch là diện tích đất được đưa vào sử dụng bị thu hẹp lại vì chúng tôi chỉ bồi thường được 2 héc ta, số còn lại vẫn còn nằm đấy” – ông Đực đau khổ.

Việc đặt ra những “lô cốt” thủ tục trong tình hình khủng hoảng như hiện nay càng chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Hãy vì nhân dân mà mạnh dạn tháo dỡ các “lô cốt” thủ tục không có mục đích rõ ràng và hữu ích.

Rốt cuộc, ở khâu xét duyệt quy hoạch quỹ thời gian của nhà đầu tư bị ngốn mất 7 tháng 19 ngày. Tuy nhiên, thủ tục này vẫn chưa thể chấm dứt vì hồ sơ quy hoạch phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định và phê duyệt. Lại tiếp tục chờ thêm 1 tháng 5 ngày nữa.

Nếu theo quy trình đang thực hiện thì hồ sơ quy hoạch 1/500 sau đấy được chuyển trở về UBND quận là xong. Thế nhưng, lần này thì không phải thế. Hồ sơ sau khi về đến UBND quận thì bị trả lại cho nhà đầu tư, buộc phải thực hiện theo quy trình mới vừa được UBND TPHCM ban hành (Quyết định 19/2008/QĐ-UBND).

“Chuyện này cũng giống như tôi đang theo học chương trình A, đến khi gần xong lại bắt tôi học lại theo chương B mới cho tốt nghiệp. Thật vô lý” – ông Đực nói.

Với quy trình mới, nhà đầu tư phải được Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và công đoạn này ngốn tiếp hơn ba tháng nữa. Hồ sơ sau đó mới chuyển về cho UBND quận để thẩm định phê duyệt quy hoạch 1/500.

Ở đây, nhà đầu tư lại tiếp tục gặp rắc rối. “Cán bộ thẩm định yêu cầu chỉ tiêu phải là 4 người/căn hộ. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Xây dựng chỉ tiêu đối với loại căn hộ diện tích từ 50 mét vuông trở lên chỉ được phép từ 1-2 người thì loại căn hộ nhỏ (30-40 mét vuông) mà chúng tôi dự kiến đầu tư làm sao có thể phá rào chỉ tiêu?” – nhà đầu tư rầu rĩ.

Với yêu cầu khó thực hiện nói trên, thủ tục phê duyệt quy hoạch một lần nữa chưa thể hoàn tất. Như vậy, chỉ riêng lo thủ tục đầu tư, Công ty Đất Lành đã mất hơn 26 tháng trời và điều đáng sợ là tốn chừng đó thời gian nhưng nhà đầu tư vẫn còn mắc kẹt trong “thiên la địa võng” các “lô cốt” thủ tục. Ông Đực cho biết nay để có thể khởi công công trình thì hồ sơ còn phải đi qua vài cái “lô cốt” nữa mặc dù có những “lô cốt” lập ra cho có hình thức.

Chẳng hạn như khâu duyệt dự án đầu tư, theo ông, chỉ là “luận văn dối” vì những thông tin yêu cầu về đầu vào, đầu ra (vốn đầu tư, số lượng căn hộ, giá nhà, giá vật tư…) luôn luôn biến động thì làm sao có thể xác định chính xác. Việc đặt ra những “lô cốt” thủ tục như vậy nhất là trong tình hình khủng hoảng như hiện nay càng chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp. “Hãy vì nhân dân mà mạnh dạn tháo dỡ các “lô cốt” thủ tục không có mục đích rõ ràng và hữu ích”, một lần nữa nhà đầu tư tha thiết đề nghị.

NGUYÊN TẤN

Mức độ hài lòng đối với dịch vụ công bị sút giảm

Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân về tám loại hình dịch vụ công năm 2008 của Viện Nghiên cứu phát triển và Cục Thống kê TPHCM cho thấy, có bảy loại hình dịch vụ bị giảm chỉ số hài lòng và tỷ lệ hài lòng từ phía người dân so với kết quả khảo sát năm 2006.

Cụ thể, cấp phép xây dựng: 57,4% (2006: 74,1%); cấp giấy chủ quyền nhà, đất: 39,2% (59,3%); thu gom rác: 60,2% (84,7%); vận tải hành khách công cộng (xe buýt): 49,5% (78,9%); công chứng: 58,5% (78,2%); thuế kinh doanh: 49,5% (54,5%); y tế: 68,9% (78,2%). Chỉ có giáo dục tiểu học mới được khảo sát trong năm 2008 đạt chỉ số hài lòng khá cao (74,8%).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới