Hệ thống cảng trên sông Hậu vẫn trông chờ luồng tàu
Đá Bàn
Tàu thuyền cập cảng Cần Thơ. Ảnh: TL TBKTSG Online. |
(TBKTSG Online) - Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) cho biết sẽ hoàn thành việc nạo vét luồng Định An - Cần Thơ vào ngày 20-8-2013 tới. Tuy nhiên, để tàu biển trọng tải lớn vào cảng Cần Thơ và các cảng trên sông Hậu thuận lợi thì luồng tuyến này cần phải được nạo vét quy mô lớn và thường xuyên.
Thông luồng Định An, nhưng…
Theo ông Phạm Đình Vận, Tổng giám đốc VMS-South, cuối tháng 8 này công ty sẽ nạo vét xong luồng Định An. Như vậy, tới đây, tàu có trọng tải 5.000 tấn có thể ra vào cảng Cần Thơ thuận lợi hơn.
Tuyến luồng tàu thuyền qua cửa Định An vào cảng Cần Thơ dài khoảng 121,5km có độ sâu thiết kế - 4,2m cho tàu 3.000DWT đầy tải và 5.000 tấn, theo ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ. Tuy nhiên, luồng tàu này có những đoạn (từ phao số 0 đến phao số 14) thường xuyên thay đổi độ sâu do bồi lắng nên hàng năm đều phải nạo vét duy tu và liên tục phải thay đổi phao chỉ dẫn luồng chạy tàu.
Theo ông Trần Đức Trung, Vụ kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, để tàu ra vào các cảng trên sông Hậu thuận lợi, hàng năm ngân sách phải chi khoảng 25-30 tỉ đồng để nạo vét duy tu tuyến luồng. Nhưng vì điều kiện tự nhiên và thời tiết khu vực, độ sâu thiết kế được nạo vét chỉ duy trì được vài tháng, sau đó bị bồi lấp lại đến độ sâu tự nhiên -2,0÷-2,5m.
Nhưng ông Kháng cho rằng, luồng Định An cần phải nạo vét và duy trì độ sâu khoảng -5m (đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu có tải trọng lớn hơn giảm tải ra vào được các cảng biển trên sông Hậu), thì mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu vực ĐBSCL.
Thực tế, theo ông Kháng, hiện hàng hóa qua khu vực chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu, 70% lượng hàng hóa còn lại phải trung chuyển lên các cảng khu vực khác như cảng biển TPHCM. Nhưng để duy trì độ sâu của luồn như ông Kháng mong muốn thì dự kiến phải đầu tư khoàng 2.7000 tỉ đồng (trong 5 năm).
Dù ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận luồng Định An là cửa ngõ quan trọng cho tàu biển ra vào các cảng trên sông Hậu hiện nay nhưng do việc nạo vét và duy trì quá tốn kém nên nó chỉ được nạo vét “tạm bợ” để chờ dự án đầu tư xây dựng luồng kênh Quan Chánh Bố thay thế.
Kênh Quan Chánh Bố… hụt vốn
Các cảng trên sông Hậu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng tuyến luồng từ Định An dẫn vào cảng Cần Thơ thường xuyên bị bồi cạn nên tàu trọng tải lớn không vào được. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư tuyến luồng tàu biển vào hệ thống cảng trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.
Dự án xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn (10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải) vào sông Hậu được Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Trà Vinh khởi công cuối tháng 12-2009. Toàn bộ luồng tàu tính từ sông Hậu ra đến cửa biển dài khoảng 40km, trong đó, đoạn luồng sông dài 6km, đoạn qua kênh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn kênh tắt qua đất liền dài 9km và đoạn luồng biển dài 6km.
Dự kiến thời gian thi công của dự án này trong vòng 3 năm nhưng, theo công văn trả lời đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội 9/13 tỉnh, thành Tây Nam bộ về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng mới đây thì dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ đến sau năm 2015.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang đề xuất vốn bổ sung phát hành trái phiếu Chính phủ tăng thêm cuối năm 2013 hoặc nguồn ngân sách khác để tiếp tục triển khai dự án. Cũng theo bộ này, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 3.200 tỉ đồng, đã triển khai thi công gần 1.000 tỉ đồng, nhưng theo khảo sát, đánh giá của Cục Hàng hải thì đến thời điểm này dự án đã đội giá lên hơn 10.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, 15 bến cảng tại ĐBSCL chỉ mới khai thác từ 20% đến dưới 50% công suất, nhiều bến cảng hoạt động cầm chừng, lượng hàng hóa qua cảng trọng điểm như Trà Nóc và Cái Cui (Cần Thơ) sụt giảm từ 1,4 triệu tấn năm 2011 xuống còn 773.000 tấn năm 2012. Nguyên nhân chính là do luồng “mắc cạn”.