Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Heineken giảm dự báo lợi nhuận vì nhu cầu ở châu Á suy yếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Heineken, hãng bia lớn thứ hai thế giới, cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2023 do nhu cầu suy yếu ở châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Hãng thừa nhận, chiến lược tăng giá bán để bù đắp chi phí cao hơn đã ảnh hưởng đến nhu cầu. Thông tin này khiến cổ phiếu của Heineken giảm giá hơn 6% trong phiên giao dịch hôm 31-7, xóa gần hết thành quả tăng giá kể từ đầu năm.

Heineken thừa nhận “hiệu ứng tích lũy” của những đợt tăng giá bán và “bối cảnh kinh tế đầy thách thức” đã làm giảm hiệu quả hoạt động của hãng. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh hôm qua, Dolf van den Brink, CEO của Heineken, cho biết trong nửa đầu năm nay, hãng đã tăng giá bán để bù đắp cho chi phí đầu vào và năng lượng gia tăng. Tuy nhiên, hãng buộc phải giảm dự báo lợi nhuận cho cả năm 2023 vì nhu cầu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương “yếu hơn nhiều so với dự báo do tăng trưởng kinh tế ở khu vực này chậm lại và kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng tại thị trường Việt Nam”.

Ông nói: “Chúng tôi đối mặt với tình trạng kinh tế suy yếu khá mạnh tại thị trường trọng điểm là Việt Nam, thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”.

Người đứng đầu Heineken cho biết, dù các loại bia cao cấp như Heineken, Birra Moretti và Beavertown vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức một con số trên bình diện toàn cầu, nhưng doanh số bia cao cấp tại thị trường Việt Nam và Nga sụt giảm đến 6,5%.

Trong sáu tháng đầu năm, Heineken đạt doanh thu thuần tăng 6,6%, lên 14,5 tỉ euro nhờ tăng giá bán ở mức hai con số để bù đắp cho sự sụt giảm 5,4% về sản lượng. Dù vậy, cả hai thước đo này đều kém hơn các mục tiêu mà hãng đặt ra.

Lợi nhuận hoạt động của Heineken trong nửa đầu năm giảm 8,8% xuống còn 1,94 tỉ euro so với dự báo giảm 4,8%. Lợi nhuận không đạt kỳ vọng chủ yếu do tăng trưởng kinh tế suy yếu ở châu Á Thái Bình Dương, khu vực mang lại lợi nhuận cao nhất cho Heineken, và châu Phi.

Ngoài doanh số bán hàng yếu ở Việt Nam, công ty cũng bị ảnh hưởng bởi “bất ổn kinh tế xã hội” ở Nigeria, nơi người dân đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau khi chính phủ chấm dứt trợ cấp nhiên liệu vào cuối tháng 5. Heineken cho biết thị trường Việt Nam và Nigeria chiếm hơn 50% mức giảm sản lượng của hãng trong nửa đầu năm.

Trong cùng kỳ, sản lượng bia của Heineken tiêu thụ ở châu Á-Thái Bình Dương giảm 13,2% và doanh số các loại bia cao cấp thậm chí còn giảm nhiều hơn. Lợi nhuận hoạt động của Heineken ở khu vực này giảm khoảng một phần ba, xuống còn 400 triệu euro.

Hãng cũng cho biết doanh số bia cao cấp sụt giảm ở Nga, thị trường mà hãng đang tìm cách thoát ra sau chiến sự Ukraine.

Heineken vẫn còn duy trì hoạt động 7 nhà máy bia và 1.800 nhân viên ở Nga hơn một năm sau khi công bố kế hoạch rút khỏi thị trường này.

Trao đổi với CNN, Heineken cho biết ngừng bán nhãn hiệu Heineken ở Nga và đã tìm được một người mua tiềm năng cho hoạt động kinh doanh ở Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận tiềm năng đó, đã được đệ trình lên chính quyền Nga hồi tháng 4 này, vẫn đang chờ phê duyệt.

Tăng trưởng doanh thu và cải thiện năng suất không bù đắp đủ chi phí tăng cao và chi tiêu tiếp thị, làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Heineken.

Hãng hạ dự báo lợi nhuận của cả năm 2023 tăng trưởng ở mức từ 0- 5%, thấp hơn so với mức dự báo trước đây là từ 5-9%.

Giống như các đối thủ, Heineken đã sử dụng chiến lược tăng giá thường xuyên trong cuộc khủng hoảng lạm phát để bù đắp cho chi phí đang tăng mạnh. Năn ngoái, Heineken tăng giá bán mạnh nhất trong một thập niên. Hãng thừa nhận “hiệu ứng tích lũy” của những đợt tăng giá đó và “bối cảnh kinh tế đầy thách thức” đã làm giảm hiệu quả hoạt động.

Một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Heineken là nhãn hiệu bia Heineken 0.0, mà CEO Dolf van den Brink gọi là “nhãn hiệu bia không cồn lớn nhất hành tinh”. Sản phẩm này đang tăng trưởng với tốc độ phần trăm ở mức hai con số.

Dolf van den Brink cho biết, bất chấp các thách thức, công ty đang tăng chi tiêu tiếp thị và bán hàng lên 200 triệu euro để duy trì vị thế vững mạnh cho các nhãn hiệu và hỗ trợ đổi mới.

Heineken dự đoán tăng trưởng lợi nhuận hoạt động sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm, với triển vọng được cải thiện ở Việt Nam, nơi Heineken là nhà sản xuất bia lớn nhất, và Nigeria.

Heineken, nhà tài trợ cho Giải đua xe công thức 1 (F1) và đội đua F1 Oracle Red Bull Racing, là nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới sau Anheuser-Busch InBev.

Heineken được thành lập bởi Gerard Adriaan Heineken ở Amsterdam, Hà Lan vào năm 1864. Được biết đến nhiều nhất với nhãn hiệu bia cùng tên, Heineken là ngôi nhà chung của hơn 300 nhãn hiệu, bao gồm bia Tiger, Amstel Lager và rượu táo Strongbow.

Các nhà sản xuất bia trên toàn cầu đang đau đầu với bài toán chuyển chi phí nguyên liệu cao sang người tiêu dùng mà không khiến họ chuyển sang các thương hiệu rẻ hơn. Heineken là nhà sản xuất bia lớn đầu tiên trên thế giới báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và những đánh giá thị trường của Heiniken có thể báo hiệu những khó khăn của các đối thủ Anheuser-Busch InBev và Carlsberg.

Theo Reuters, The Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới