Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hết độc quyền ngành khí, được không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hết độc quyền ngành khí, được không?

Giàn khoan khai thác dầu, khí của Petro Vietnam ở mỏ Rồng Đôi. – Ảnh: Triệu Trùng Điệp.

(TBKTSG) – Ngành khí đóng góp khoảng một phần ba trong tổng sản lượng điện hàng năm của Việt Nam nhưng tương tự như ngành điện hiện tại, việc độc quyền toàn bộ trong ngành khí đã đến lúc phải được tính toán lại, nhất là khi việc sử dụng nguồn khí cho sản xuất điện và các mục đích khác sẽ tăng gấp ba lần hiện tại trong vòng hơn 10 năm tới.

Có thể còn thiếu khí

Đầu tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo chính thức đề nghị Bộ Công Thương và các bên liên quan can thiệp với Tập đoàn Dầu khí (PVN) để nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 không bị cắt giảm hay tạm ngừng, nhằm đảm bảo cho lượng điện huy động từ các nhà máy điện chạy khí này đáp ứng 14,3% (mùa khô) và 11,14% trong tổng sản lượng toàn hệ thống cả năm 2009. Nguyên nhân là hai tháng trước đó, lượng khí cấp cho các nhà máy này có thời điểm chưa chạy đủ 30% hoặc 50% công suất phát điện.

Không bàn đến những nguyên nhân khác phía sau những phản ứng này, ở đây có một thực tế phải thừa nhận: việc thiếu khí là có thật và điều này khiến cho nguy cơ thiếu từ một phần ba đến một phần hai nguồn điện khí dự kiến đã và có thể xảy đến trong những tháng tới.

Sự thiếu hụt này nếu xảy ra là không thể xem thường, vì trong tổng công suất đặt các nguồn điện của toàn hệ thống, nguồn điện khí chiếm 26,5% (3.223 MW), đứng thứ hai trong cơ cấu các nguồn điện khác, chỉ sau thủy điện (33,1%).

Roland Priddle, chuyên gia hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong lĩnh vực năng lượng và các cộng sự của mình đã có những nghiên cứu chi tiết về việc xây dựng lộ trình phát triển ngành khí Việt Nam, thực hiện theo đơn đặt hàng của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Trong một buổi rà soát thực trạng và quy hoạch tổng thể ngành khí Việt Nam từ nay đến năm 2025 tại Hà Nội cuối tuần trước, ông Priddle chỉ ra rằng, ở Việt Nam hiện nay không có thị trường mang tính cạnh tranh cho ngành khí hoạt động, từ khí cho sản xuất điện đến các lĩnh vực khác. Hay nói khác đi, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường hiệu quả cho sản phẩm khí thiên nhiên, do PVN thống lĩnh tất cả các lĩnh vực của ngành khí.

Tương tự như cơ chế độc quyền đang tồn tại trong ngành điện hiện tại và đang dần phải dỡ bỏ, ở ngành khí cũng đang vận hành cơ chế nhiều bên bán (là các nhà khai thác hàng đầu thế giới như BP, Chevron, Santos, Talisman) được khai thác hoặc phối hợp khai thác, bán lại cho bên mua duy nhất (đồng thời cũng là nhà phân phối duy nhất) ở Việt Nam là PVN. PVN không chịu sự điều tiết của thị trường mua bán khí có đàm phán giá cạnh tranh mà mua khí khai thác theo giá thỏa thuận tại các đầu giếng, rồi sau đó thiết lập đường ống khí cho từng dự án và phân phối.

Việc đàm phán giá cho từng dự án chỉ qua một đầu mối duy nhất là PVN qua các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), theo phân tích của các chuyên gia năng lượng đến từ WB, thực tế đang kìm hãm sự phát triển của ngành khí vì việc đàm phán giá từng dự án đang diễn ra rất chậm, từ đó kìm hãm sự cải tổ của ngành điện đang ở giai đoạn đầu.

“Việc phát triển ngành điện và ngành khí phải luôn đi đôi với nhau nếu Chính phủ Việt Nam mong muốn đạt được mục tiêu nhanh chóng mở rộng ngành khí”, Roland Priddle nói và phân tích rằng, với việc bắt đầu cải tổ ngành điện, ngành khí không thể giữ nguyên cơ chế vận hành hiện tại: “Muốn đạt được thành công trong thị trường điện năng, các nhà sản xuất điện khí phải được tiếp cận thị trường khí cạnh tranh”.

Hơn nữa, muốn mở rộng hơn cánh cửa thị trường điện khí, cần hạn chế việc độc quyền mua – bán, định giá của PVN do hầu hết các nhà máy điện khí ở Việt Nam hiện tại thuộc quyền sở hữu của PVN. Các nhà đầu tư khác e ngại, nếu đầu tư vào đây, dưới sự kiểm soát của PVN, khi gặp phải tình trạng thiếu khí, thì chuyện PVN ưu tiên cung cấp khí cho các nhà máy thuộc PVN là điều hoàn toàn có thể xảy ra?

Bắc cây cầu cho thị trường khí

Kế hoạch của Chính phủ đề ra cho ngành khí từ nay đến năm 2025 là tăng nguồn cung lên 3 lần, khí được sử dụng ngày càng nhiều hơn cho các mục đích sản xuất điện và ngoài điện. Còn theo số liệu tính toán  năm 2008 của Viện Kinh tế năng lượng  Nhật Bản mà WB dẫn ra, thì cầu năng lượng của Việt Nam sẽ vượt quá cung nội địa vào khoảng năm 2015, do tổng sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm tăng thêm 17% hiện còn chưa đáp ứng được và Việt Nam cũng đang ở giai đoạn cầu năng lượng hàng năm tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế năm. WB tạm tính, trong vòng 16 năm tới, Việt Nam cần phát hiện thêm một trữ lượng khí hơn gấp 2,2 lần trữ lượng hiện tại mới đáp ứng được nhu cầu.

Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu một trữ lượng 200 BCM (tỉ mét khối) và sản lượng khai thác hàng năm hiện tại đạt trên 7 tỉ mét khối. Với một nguồn cung như thế, vị thế độc quyền của PVN trong hoạt động mua và bán khí sẽ không thể và không nên duy trì lâu hơn nữa vì áp lực cải tổ ngành điện đã đến trước. Hơn nữa, khả năng kỹ thuật và tài chính của PVN hiện tại trong việc khai thác các mỏ khí của Việt Nam khó có thể đem so sánh với các nhà khai thác lớn từ nước ngoài. Nên nếu không đẩy nhanh việc hạn chế độc quyền mua, bán, đàm phán giá khí của PVN thì đó sẽ là lực cản cho các nhà đầu tư nước ngoài và có thể ảnh hưởng đến việc cần phải đẩy nhanh tiến độ nguồn cung khí cho thị trường nội địa.

WB đề xuất, muốn cho việc cải cách thị trường khí có hiệu quả như những khởi động bước đầu bên ngành điện, cần thành lập Cục Dầu khí giữ vai trò quản lý và điều tiết thượng nguồn tương tự như Cục Điều tiết điện lực hiện nay và đưa PVN trở thành một kênh trung gian giúp thu mua khí và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác cho bên bán và bên mua khí. Tương lai, các công ty khai thác khí có thể trực tiếp bán khí cho các nhà máy phát điện dùng khí theo giá cạnh tranh, dựa trên khung giá chung được xác định theo cơ chế thị trường hoặc dựa trên một cách tính theo phương pháp “định giá theo giá trị”, từ sự cạnh tranh giữa các loại nhiên liệu trong thị trường sản xuất điện.

Trước mắt, để dòng khí không hoàn toàn thuộc độc quyền kiểm soát và phân phối của PVN, cần có một khung chính sách tạm thời hoặc nói khác đi là một giai đoạn quá độ. Trong giai đoạn đó, PVN có thể vẫn là bên mua duy nhất các nguồn khí và đại diện Chính phủ ký các PSC nhưng việc định giá khí không thỏa thuận cho từng dự án mà được định giá chung tại đầu giếng với mọi dự án, công thức định giá này dựa trên giá trị nhiên liệu. Ở các khâu tiếp theo tại trung nguồn và hạ nguồn, Bộ Công Thương sẽ phê duyệt chi phí cộng cho các nhà đầu tư.

Đây là bước chuẩn bị cho một khung phát triển dài hạn thị trường khí bán sỉ cạnh tranh, có các bên bán và các bên mua, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các nhà khai thác và cung cấp dịch vụ.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới