Hiến kế để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Đỗ Lan
(TBKTSG Online) - "Về kinh tế, TPHCM phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò đầu tàu phát triển của vùng và cả nước; tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố phải được duy trì ở mức cao hơn khoảng 1,5 lần bình quân toàn quốc như từng có trước đây".
![]() |
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tại sự kiện ngày 17-7. Ảnh: BTC cung cấp. |
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Trần Du lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về việc phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong hội thảo cùng chủ đề trên tại thành phố ngày 17-7.
Từ năm 2002, Nghị quyết 20/BCT của Bộ chính trị về thành phố đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Nội dung này được tái khẳng định tại NQ 16/BCT về thành phố năm 2012. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực vẫn chưa thể thực hiện.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan điểm về đề án trên.
Tiến sĩ Trần Du lịch đã đưa ra các điều kiện để TPHCM, xác lập vai trò của một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới của khu vực.
Thứ nhất, về kinh tế, TPHCM phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò đầu tàu phát triển của vùng và cả nước; tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố phải được duy trì ở mức cao hơn khoảng 1,5 lần bình quân của cả nước như từng có trước đây; hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước…
Thứ hai, TPHCM phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn. Cụ thể, thành phố là nơi quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung - cầu sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực và quốc tế…
Thứ ba, TPHCM phải thể hiện chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ trung ương. Cụ thể định hướng quốc gia về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế như một quyết tâm chính trị của trung ương.
Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng đề án nói trên đã được khởi động cách đây gần 20 năm nhưng chưa trở thành hiện thực bởi vì “khi nói đến TPHCM, chúng ta vẫn còn cô đọng lại ở thành phố thôi mà chưa nói đến nguồn lực quốc gia”
Theo ông Peter Hồng, nếu trung tâm tài chính mà chỉ cô đọng lại ở TPHCM thì sẽ gặp vướng mắc. “Nên chăng là xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam, trong đó có TPHCM. Nếu không, chúng ta sẽ bị vướng nữa. 20 năm rồi, chúng ta không làm được”, ông Peter Hồng nói.
Vị doanh nhân này lý giải rằng, TPHCM cũng phục vụ quốc gia và quốc gia cũng phục vụ TPHCM. Mặc dù thành phố có được cơ chế đặc thù nhưng vẫn khó thành công. Vậy nên, mở rộng một chút nữa thì có thể sẽ phát triển được. Theo ông, đề án nên thêm vai trò của chính phủ, chứ không thì TPHCM cứ loay hoay trong việc đệ trình đề án thì sẽ rất khó khăn.
Một điều nữa mà ông Peter Hồng nhắc đến, đó là Việt Nam đang ở giai đoạn "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", có sự phát triển mạnh mẽ và có yếu tố con người đang sẵn sàng để phát triển thành phố, cả về phía lãnh đạo, người dân và kiều bào.
“Hôm trước Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong có mời tôi phát biểu về kinh tế tài chính TPHCM. Ngay sau đó, hiệp hội đã có văn bản tập trung hơn 470 ý kiến của bà con kiều bào đóng góp về vấn đề tài chính, kinh tế cho thành phố. Họ mong được tham gia vào một chương trình nhỏ bé nào đó của thành phố. Bà con Kiều bà chúng ta không thiếu, tri thức không thiếu mà đang thiếu cơ chế”, ông Peter Hồng nói. Ông cũng thông tin hiệp hội hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp kiều bào, riêng tại TPHCM có hơn 1.200 doanh nghiệp kiều bào là thành viên. Trong năm 2018, chỉ riêng các thành viên hiệp hội đã chiếm 15,9 tỉ đô la trong tổng số 18,9 tỉ đô la tiền ngoại hối của kiều bào chuyển về nước, riêng mức kiều hối chuyển về TPHCM là 5,4 tỉ đô la.
Tiến sĩ Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Quỹ đầu tư TGM (Úc), kể lại câu chuyện khi được mời đóng góp cho đề án, ý nghĩ đầu tiên trong ông là dự án không khả thi vì thị trường tài chính Úc cũng đang sụt giảm trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó, theo đề nghị của trường Đại học Fulbright, ông suy nghĩ về cách để Việt Nam có thể “chen chân” trong thị trường tài chính quốc tế. Và ông thấy, xu hướng tương lai của tài chính thế giới sẽ là tài chính công nghệ (Fintech).
Theo tiến sĩ Hồng Giang, giới hạn về tài chính ngày càng bị xóa mờ. Cụ thể, một công ty tài chính ở TPHCM có thể phục vụ khắp thế giới. Kế tiếp, đầu vào của tài chính không chỉ là tiền mà là số liệu, và Việt Nam có thể có dữ liệu riêng và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với thế giới. Ngoài ra, với việc phát triển fintech, khả năng từ một thị trường nhỏ có thể bung ra phát triển trên thế giới là rất có thể.
Ông đưa ra ví dụ về Flappy Birds, trò chơi do người Việt sáng lập lên, đã nổi tiếng thế giới nhờ công nghệ. Và một ví dụ khác, đó là Trusting Social, một công ty fintech đánh giá rủi ro tín dụng tại các ngân hàng, hiện chiếm 80% thị phần về đánh giá rủi ro tín dụng ở Việt Nam. Hiện startup này đã sang Ấn Độ, Indonesia và Philippines và đã tiến hành khoảng 300 triệu hồ sơ tín dụng. Mục tiêu của startup này và vươn tới con số 1 tỉ hồ sơ.
“Khi tìm hiểu những điều trên, tôi thấy thay đổi quan điểm ban đầu và rất ủng hộ cho đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính”, tiến sĩ Hồng Giang bày tỏ.
Mời đọc thêm:
Câu chuyện thành công của ngành tài chính Singapore
Hình dung tương lai trung tâm tài chính