(KTSG Online) - Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn nhà nước đầu tư cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu và thực tế các dự án hạ tầng hàng không đều đòi hỏi nguồn vốn lớn, Bộ GTVT đã lấy ý kiến các địa phương về việc huy động mọi nguồn lực để dần xã hội hóa việc đầu tư và quản lý các cảng hàng không địa phương.
Muốn có nhiều hơn mô hình sân bay Vân Đồn
27 địa phương đã và đang đầu tư vào các cảng hàng không/sân bay đã được Bộ GTVT gửi Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không ” lấy ý kiến góp ý để trình Chính phủ. Theo Bộ GTVT, đây là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến quốc phòng, an ninh và định hướng phát triển, hiệu quả
sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - nơi hiện được Chính phủ giao quản lý 21/22 sân bay trên cả nước.
Việc xã hội hóa đầu tư vào các cảng hàng không (sân bay) trên cả nước không phải là chuyện mới vì đã và đang một số cảng thực hiện theo các hình thức khác nhau. Như sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT hay các sân bay Cam Ranh do tập đoàn Liên Thái Bình Dương đầu tư…
Nếu không có đại dịch Covid 19, theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam khoảng 18%; là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á . Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. Trước thực trạng đó đòi hỏi phải có giải pháp định hướng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng các cảng hàng không giai đoạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Ngân sách hiện nay cũng không kham nổi việc nhà nước đầu tư toàn bộ vào hàng không, chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu (304.000/462.000 tỉ đồng) cho giai đoạn 5 năm tới. Còn nguồn vốn của ACV phải dành cho các công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất mở rộng. Trong khi các địa phương muốn xã hội hóa việc đầu tư vào các sân bay tại địa phương như Quảng Trị, Sa Pa…
Bộ GTVT muốn Chính phủ phân cấp, phân quyền việc đầu tư, quản lý hạ tầng các cảng hàng không địa phương hơn nữa qua phương thức góp cổ phần, liên doanh liên kết, doanh nghiệp tư nhân để đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không như logistics hàng không, các công trình phục vụ mặt đất…
Thêm vào đó là đầu tư vào đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa..Đây là các dự án cần có chi phí đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn không cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Trong khi nhà đầu tư chỉ tập trung thực hiện đầu tư tại một số công trình có nguồn thu cao, không áp dụng mô hình toàn cảng như cảng hàng không Vân Đồn.
Có thể giao sân bay Cát Bi cho Hải Phòng quản lý
Bộ GTVT đặt ra mục tiêu: phải xác định được danh mục cảng hàng không và lộ trình phân cấp quản lý. Và đến năm 2023, dự kiến hoàn thành thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng. Đến năm 2026, sẽ hoàn thành thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không bằng phương thức hợp tác công - tư (PPP), phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác và phương thức đầu tư trực tiếp tại các sân bay của Việt Nam từ 20,5% lên 24,9%.
Việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không nêu trên chưa quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng. Lý do là sân bay Cát Bi hiện nay chưa hoạt động có lãi nhưng có tiềm năng phát triển rất tốt. Hải Phòng đã có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn.
Sau đó, sẽ tiến hành chuyển giao quyền quản lý cảng hàng không Cần Thơ cho TP Cần Thơ. Các cảng hàng không trọng điểm, sinh lời như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh vẫn do ACV trực tiếp quản lý, đầu tư và chỉ huy động phần xã hội hóa các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không. Các cảng hàng không mới như Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị thực hiện đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
*Nhóm 1: Các CHKQT quan trọng quốc gia, vùng (gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành): Chính phủ (thông qua Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp- CMSC) tiếp tục sở hữu các CHK và giao cho ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư.
* Nhóm 2: Các CHK đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng (gồm: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa): Chính phủ (thông qua Bộ GTVT, CMSC và Bộ Quốc phòng) tiếp tục sở hữu các CHK và giao cho ACV quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư.
*Nhóm 3 :Các CHK còn lại: Phân cấp cho UBND các tỉnh quản lý các CHK thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các CHK từ cơ quan trung ương cho UBND các tỉnh có CHK trên địa bàn.