Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hiệp định về biển giúp tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự kiện Việt Nam ký hiệp định về biển cả sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển; khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển…, theo TTXVN.

Việc ký Hiệp định về biển cả là cơ hội cho Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển. Ảnh: TL

Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, sáng 20-9 (giờ địa phương), đại diện Bộ Ngoại giao đã ký hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (còn gọi là Hiệp định về biển cả), TTXVN đưa tin.

Hiệp định là cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển và được hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc các quốc gia khác có lợi thế lớn hơn về tiềm lực tài chính, khoa học - công nghệ khai thác nguồn gien ở vùng biển khơi.

Hiệp định cũng góp phần khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển. Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán ngay từ đầu sẽ tạo ra những đóng góp thực chất trong các nội dung liên quan đến xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, thành lập các khu bảo tồn biển.

Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi có 60 nước phê chuẩn, phê duyệt. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký hiệp định trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Việc ký hiệp định là một dấu mốc lịch sử của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển. Đây là Hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982.

Theo đó, hiệp định điều chỉnh việc khai thác, chia sẻ lợi ích và bảo tồn nguồn gien biển tại các vùng biển quốc tế. Đây là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào. Nhiều vùng ở đáy đại dương có hệ sinh thái đặc biệt giàu có, đạt giá trị cao cho nghiên cứu khoa học và tiềm năng về kinh tế, đặc biệt là có thể tạo ra thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, sản xuất dược mỹ phẩm…

Hiện nay, hầu như chỉ có các nước phát triển và công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gien biển khơi và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn nguồn lợi này.

Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã tham dự Hội nghị bộ trưởng nhóm 3G năm 2023 được tổ chức bên lề Tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Theo đó, đại diện các nước 3G nhấn mạnh một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới như thúc đẩy các nội dung hợp tác chiến lược như khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao đề xuất bốn trọng tâm đối với hợp tác của nhóm 3G và G20. Những đề xuất này là tận dụng các động lực tăng trưởng mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng; tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững; phát huy vai trò của ASEAN và gắn kết các nội dung nghị sự của G20; phát triển hơn nữa quan hệ đối tác, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới