Hiệp hội Kinh doanh Vàng kiến nghị giữ thuế xuất khẩu 0%
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) - Các nhà kinh doanh vàng lo ngại việc tăng thuế suất từ 0% lên 2% đối với các sản phẩm có hàm lượng vàng dưới 95% sẽ khiến cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn vì chi phí sản xuất vàng hiện đang rất cao, đồng thời còn gia tăng việc xuất khẩu lậu.
Hình minh họa: TTXVN. |
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam vừa có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 ngày 25-5-2020 của Chính phủ, về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ (thuộc các nhóm 7113.19.10.10; 7113.19.90.10) là 2%. Cụ thể, mức thuế suất xuất khẩu tăng lên từ 0% lên 2% đối với với các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% và gộp dòng, không chia cụ thể như trước để đơn giản hóa biểu thuế.
Theo đánh giá của Hiệp hội, với mức thuế suất này thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng khó có thể xuất khẩu được các mặt hàng này. Nếu xuất khẩu chính ngạch không có, xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh và rất khó kiểm soát, đồng thời gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
“Nếu quy định mức 2% như Bộ tài chính dự kiến “chỉ để đơn giản hóa Biểu thuế” và thuận lợi cho công tác Hải quan thì có thế khẳng định các doanh nghiệp kinh doanh vàng không thể thực hiện xuất khẩu được với mức thuế này”, văn bản của Hiệp hội có đoạn.
Trong ngắn hạn, Hiệp hội kiến nghị nếu Bộ tài chính thấy cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên, thì có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành tại Nghị định số 122/2016 của Chính phủ. Theo đó, giữ thuế suất 0% đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 95% trở xuống, và mức thuế suất 2% đối với sản phẩm có hàm lượng vàng từ 95% trở lên.
Để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vàng ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19, Hiệp hội cũng đề xuất quy định thuế xuất khẩu vàng trang sức kỹ nghệ bằng 0% (không phần trăm), để doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tăng cường xuất khẩu.
Theo đó, nếu vẫn xuất khẩu được thì doanh nghiệp vẫn nộp ngân sách những khoản tiền lớn thông qua các loại thuế khác như Thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế VAT,… Còn nếu nâng thuế suất thì không xuất khẩu được, dẫn đến nguồn thu ngoại tệ không có, nguồn thu ngân sách thông qua thuế xuất khẩu cũng có thể sẽ bằng 0.
Hiệp hội đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế hiện nay rất yếu, do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 6-8 triệu đồng/lượng.
Với chi phí đầu tư công nghệ cao mà chỉ một vài doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh vàng nước ngoài nếu chưa có sự hỗ trợ thỏa đáng về mặt chính sách. Ngược lại, chính sách vĩ mô của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore,… ổn định và khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý.
Dù vậy, Hiệp hội cũng đánh giá ngành kinh doanh vàng Việt Nam đã có sự thay đổi quan trọng và đáng kể trong giai đoạn qua, đặc biệt từ khi có Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định 122/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi,...
Hiệp hội dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan, cho biết năm 2019 các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 231,2% so với cùng kỳ. Còn năm 2020 đã xuất khẩu được 2,6 tỉ đô la. Đáng chú ý là Doji đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng, kim hoàn, kỹ nghệ, thu về 2,5 tỉ đô la trong giai đoạn 2016-2020.
"Nếu ngành vàng bạc đá quý Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tốt từ chính sách của Chính phủ thì chắc chắn trong tương lai gần ngành công nghiệp chế tác này cũng sẽ trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế", Hiệp hội đánh giá.