(KTSG Online) - Sau hơn một thập niên kiên tâm với triết lý phát triển bất động sản bền vững tại Việt Nam, Gamuda Land đang cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc các giá trị thực chất của một đô thị bền vững. Sự thấu hiểu giúp cho doanh nghiệp trở thành nhà kiến tạo đô thị ấn tượng có cách tiếp cận có trách nhiệm với vấn đề môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.
Mới đây, ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Việt Nam, đã có buổi trò chuyện với KTSG Online để chia sẻ những dấu ấn sau hành trình 15 năm tại Việt Nam cùng những chiến lược mà doanh nghiệp sẽ triển khai trong thời gian tới.
Hơn một thập niên kiên trì với chiến lược phát triển bền vững
PV: Gamuda Land là một nhà phát triển bất động sản có kinh nghiệm ở châu Á. Điều gì ở thị trường bất động sản Việt Nam khiến cho doanh nghiệp quyết định đầu tư ở đây và duy trì hành trình phát triển này trong hơn một thập niên qua?
- Ông Angus Liew: Ngoài những lợi thế về tự nhiên chúng tôi đánh giá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế như tình hình chính trị ổn định, dân số đông với “cơ cấu dân số vàng”… Việt Nam cũng đang tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, nền kinh tế đang có độ mở lớn.
Cụ thể là trong thời gian qua nhiều nhà máy, công xưởng quốc tế đang chuyển đến Việt Nam kéo theo các công ty thương mại tìm hiểu đầu tư ngày một nhiều. Hơn hết, các chỉ số tăng trưởng kinh tế tích cực trong thời gian gần đây tạo cho các doanh nghiệp nước ngoài có niềm tin về quốc gia có môi trường đầu tư lý tưởng.
Điều này tạo ra nhu cầu nhà ở rất cao trong thời gian tới, tạo động lực cho các nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng tăng về việc người dân Việt Nam đòi hỏi môi trường sống tốt hơn đang mở ra cơ hội cụ thể hơn cho Gamuda Land khi tận dụng được những kinh nghiệm của mình tại thị trường này.
Nhìn lại tiến trình phát triển của doanh nghiệp kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, đâu là những thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua để đạt được vị thế thành công như ngày hôm nay?
Thách thức lớn nhất đối với các nhà phát triển nước ngoài trên thị trường bất động sản Việt Nam là thích nghi được các yếu tố pháp lý của thị trường bất động sản. Bởi mỗi quốc gia đều có một dặc thù riêng trong hệ thống pháp lý và doanh nghiệp cũng cần một nhận thức nhất định để hoạt động ổn định và lâu dài.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng gay gắt và sôi động hơn. Tôi nhận thấy các chủ đầu tư nội địa đã có những bước tiến mạnh mẽ so với khi chúng tôi mới thâm nhập thị trường. Nhiều trong số đó đã nâng cao uy tín và vị thế thương hiệu trên thị trường, cũng như hoàn thiện tổ chức của họ với năng lực ngày càng ấn tượng.
Tuy nhiên Gamuda Land có thời gian đủ lâu để hiểu rõ thị trường, nhu cầu tâm lý khách hàng, cũng như văn hóa và quy định pháp luật. Chúng tôi đã tạo dựng được một nền tảng vững chắc, cùng sự hỗ trợ từ tổng công ty nên chúng tôi có lợi thế tốt hơn so với các chủ đầu tư nước ngoài khác, cũng như có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn trong nước.
Một thập niên chưa phải là dài nhưng cũng đủ để doanh nghiệp ghi dấu ấn và định hình được tư duy phát triển trong một thị trường nào đó. Vậy giá trị cốt lõi mà Gamuda Land đã định hình cho mình ở thị trường Việt Nam là gì?
Tại Gamuda Land, chúng tôi thiết lâp hệ 4 giá trị thương hiệu bao gồm: trở thành nhà kiến tạo đô thị có trách nhiệm; tôn trọng thiên nhiên và môi trường; quan tâm đến con người, cộng đồng; và không ngừng thúc đẩy sự cải tiến để tạo ra giá trị. Đây là những triết lý, nguyên tắc nền tảng chi phối mọi mảng miếng kinh doanh của chúng tôi, là cách chúng tôi phát triển các dự án trên toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của Gamuda Land là tạo ra những chốn an cư lý tưởng, nơi cư dân gọi là tổ ấm, luôn muốn là một phần trong đó, để sinh sống và gắn bó cùng nhau. Vậy nên, cụ thể tại đây, mục tiêu cao nhất của chúng tôi là có thể phủ xanh các không gian sống và đồng thời góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân Việt Nam.
Quỹ đất vẫn là yếu tố quan trọng và là để doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển của mình một cách toàn diện nhất, ông có thể chia sẻ về thực trạng và chiến lược phát triển quỹ đất của Gamuda Land trong thời gian tới hay không?
Mở rộng quỹ đất là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Quỹ đất “sạch” đủ lớn và đã đền bù đầy đủ để triển khai dự án là rào cản lớn nhất để phát triển các dự án đô thị tích hợp. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, quỹ đất hiện nay là vô cùng khan hiếm. Để tìm được một mảnh đất lớn như Celadon City rộng 82 ha hay 274 ha như Gamuda City là gần như không thể. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì với chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tổng công ty tại Malaysia đã thông qua kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, sẵn sàng rót nguồn vốn lớn sang để mở rộng quỹ đất bằng nhiều hình thức như M&A, chuyển nhượng, đấu thầu... Hoạt động M&A sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của chúng tôi trong thời gian tới. Đây là một giải pháp chiến lược để mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng tại Việt Nam.
Nếu như kế hoạch M&A đạt trạng thái lý tưởng, doanh nghiệp có chiến lược để mở rộng kinh doanh hay đa dạng hóa sản phẩm để tối ưu giá trị đầu tư của mình hay không?
Chúng tôi thực sự quan tâm đến việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình tại Việt Nam. Những loại sản phẩm như khu phức hợp cao tầng, nhà ở kết hợp thương mại,... Gamuda Land đều có đủ năng lực để triển khai. Nhưng quỹ đất các thành phố lớn ngày một khan hiếm nên chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch của mình một chút.
Gamuda Land nhận thấy rất nhiều tiềm năng ở các khu vực giáp ranh Hà Nội và TPHCM. Các khu vực này sẽ được quy hoạch để trở thành các vùng đô thị, nơi tập trung những người dân sống tại các khu vực ngoại vi đến làm việc và đi về hàng ngày. Điều này là khá phổ biến ở Malaysia.
Thực tế chúng tôi cũng đã bắt đầu xúc tiến các thương vụ với các doanh nghiệp, tập đoàn nội địa để mua lại quỹ đất, tuy nhiên, các thương vụ này vẫn đang trong quá trình thương thảo, chưa thống nhất. Hiện tại, tôi chỉ có thể chia sẻ rằng chúng tôi đang nhắm đến các tỉnh giáp ranh, khu vực vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam và Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ ở phía Bắc.
“Xanh hóa” thị trường BĐS cần được hiểu toàn diện hơn
Kiến tạo hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững là chiến lược cốt lõi của Gamuda Land vậy doanh nghiệp đã kiến tao cho mình một “hệ sinh thái” đối tác nội địa đủ tốt để thực hiện triết lý kinh doanh của mình hay chưa?
Thâm nhập thị trường vào năm 2007, Gamuda Land không thể vươn xa như vậy tại Việt Nam nếu không có sự hỗ trợ của các đối tác kinh doanh, nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp bản địa.
Và chúng tôi vẫn muốn mở rộng mạng lưới của mình hơn nữa. Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác chia sẻ cùng hệ giá trị và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững để hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập.
Trong chiến lược vận dụng M&A của mình, chúng tôi không chỉ là bên mua mà còn là bên cung cấp. Ví dụ như tại Celadon City, chúng tôi có các tiện ích như trường học, văn phòng, địa điểm tổ chức sự kiện, khu thương mại... chào đón các nhà đầu tư thứ cấp tham gia theo phương thức M&A. Trước đây, chúng tôi đã chuyển nhượng trung tâm thương mại cho Aeon Mall khai thác, và tiện ích giáo dục thì hợp tác cùng Trường Quốc tế Á Châu. Nhiều hạng mục khác vẫn còn để chờ các nhà đầu tư tìm đến.
Gamuda Land hoan nghênh tất cả các doanh nghiệp có cùng hệ giá trị và tầm nhìn hướng tới phát triển bền vững tham gia với chúng tôi trong hành trình nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông khái niệm “bền vững” trong doanh nghiệp bất động sản là gì và những giá trị cụ thể mà doanh nghiệp đang hướng đến?
Tôi nhận thấy trong những năm gần đây, không chỉ các chủ đầu tư nước ngoài mà cả các tập đoàn nội địa Việt Nam cũng bàn luận rất nhiều về công trình xanh, phát triển dự án bền vững. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, điều đầu tiên chúng ta cần làm là định nghĩa lại thế nào là “công trình xanh”.
Rất nhiều cái gọi là “dự án xanh” ở Việt Nam gần đây nhấn mạnh đến yếu tố cây xanh. Nhưng cây xanh chỉ là một phần của câu chuyện. Cần nhiều yếu tố khác nữa để tạo ra một dự án xanh và bền vững thực sự, ví dụ như quy hoạch tổng thể, kết cấu kiến trúc, tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, công nghệ xử lý chất thải, vật liệu xây dựng…
Tại Gamuda Land, chúng tôi luôn cân nhắc tính bền vững ngay từ bước đầu tiên nhất - quy hoạch tổng thể. Làm thế nào để tối ưu hóa sự thông gió và ánh sáng tự nhiên cho công trình, nhằm tiết kiệm điện năng tiêu thụ? Chúng tôi đang áp dụng công nghệ quản lý chất thải 6R tiên tiến để giảm thiểu rác thải ra từ các dự án của mình tốt nhất có thể.
Ở cấp độ chiến lược, tại Malaysia, chúng tôi vừa khai trương nhà xưởng IBS (Hệ thống xây dựng công nghiệp hóa) đầu tiên của mình. Đây là công nghệ sản xuất kỹ thuật số các thành phần công trình của chúng tôi nhằm giảm thiểu càng nhiều càng tốt lượng khí thải carbon do các hoạt động xây dựng tạo ra.
Trong những năm tới, chúng tôi sẽ mang đến nhiều sáng kiến công trình xanh mới nữa - trong cách chúng tôi quy hoạch tổng thể các dự án của mình và cách chúng tôi triển khai sáng kiến Gamuda Parks để xây dựng nhiều khu “rừng đô thị” hơn, trồng nhiều cây hơn. Trong tương lai, tất cả các tòa nhà trong dự án của chúng tôi sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh và rất tiết kiệm năng lượng.
Vậy nhìn nhận một cách tổng thể, để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững theo xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế thì đâu là cách tiếp cận tối ưu?
Để theo đuổi sự bền vững, dù đối với một quốc gia hay một tổ chức, đều cần có cách tiếp cận đa hướng. Nhưng nhìn từ lộ trình hướng tới nền kinh tế xanh của Gamuda Land, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng một cách tiếp cận chiến lược. Chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta có thể tạo ra tác động ở đâu. Không một nhóm hay một quốc gia nào có thể làm được mọi thứ. Đó cần là sự nỗ lực chung của cả các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Đây không phải là công việc có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, nhưng hãy bắt đầu theo đuổi nó. Chúng ta có thể thay đổi một chút mỗi ngày với sự kiên trì và tư duy đúng đắn, chắc chắn rồi chúng ta sẽ đạt được mục tiêu.
Xin cảm ơn ông!