(KTSG) - Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động được hơn một tháng và tưởng chừng như đã có thể khép lại giai đoạn đầy sóng gió của một trong những dự án có quá nhiều tai tiếng này. Thế nhưng, khi các đoàn tàu lăn bánh thì cũng là lúc một vấn đề mới nảy sinh và nó có liên quan đến các con số dùng để đánh giá tính khả thi của dự án trước khi ra quyết định đầu tư.
Sau nửa tháng đầu tiên vận hành thương mại, mỗi đoàn tàu được thiết kế để chở tới 960 hành khách nhưng chỉ “lấp đầy” được chưa tới 80 người, mặc dù giá rẻ gần như cho không - 200.000 đồng/tháng, chỉ tương đương giá một cuốc taxi cho cùng chặng đường 13,05 ki lô mét. Ngay cả khi chạy miễn phí và tâm lý tò mò của người dân đang ở cao trào, mỗi chuyến tàu bình quân cũng đón không tới 150 khách. Câu hỏi đặt ra là đây có phải là con số đã được dự liệu khi tiến hành nghiên cứu để lập báo cáo khả thi cho dự án này hay không?
Năm 2004, báo cáo nghiên cứu khả thi do phía Trung Quốc lập đưa ra dự báo mức khai thác của tuyến đường tàu này sẽ đạt 28.000 khách/giờ cho một chiều vào năm 2020. Báo cáo này sau đó được Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải nghiên cứu lại, và mặc dù con số dự báo về lượng hành khách không được công bố rộng rãi, nhưng chắc chắn là không nhỏ.
Năm 2019, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MVT Đường sắt Hà Nội, nói rằng trong ba năm đầu khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, ước tính mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu khách, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách và có thể đạt 90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Như vậy, tính ra trong ba năm đầu tiên tuyến đường sắt này sẽ có khoảng 100.000 hành khách mỗi ngày, nhưng thực tế đây là con số của gần cả một tuần.
Vấn đề đặt ra là nếu báo cáo nghiên cứu khả thi dự báo số lượng hành khách sẽ đi tàu sát với thực tế hơn, và nếu thời điểm dự án này được các cấp có thẩm quyền thẩm định thì chi phí là 868 triệu đô la Mỹ chứ không phải 553 triệu đô la Mỹ, thì với những con số đó dự án Cát Linh - Hà Đông có được quyết định đầu tư hay không?
Khi xem xét một dự án, các con số được ghi trong báo cáo khả thi có vai trò vô cùng quan trọng, vì nó là cơ sở để các cơ quan thẩm định và đánh giá hiệu quả để đi đến quyết định có đầu tư hay không. Đối với một dự án đường sắt đô thị, chắc chắn dự báo về số lượng hành khách đi tàu là con số quan trọng nhất.
Trong trường hợp dự án Cát Linh - Hà Đông, con số về hành khách đã được dự báo lạc quan đến mức không tưởng, trong khi dự toán về chi phí đầu tư thì ngược lại.
Thời gian qua nhiều dự án đã được quyết định đầu tư dựa trên những con số dự báo ảo, vì vậy hiệu quả của nó cũng không thể là thực. Điều đáng nói, nhiều trường hợp dự án được “vẽ” cho khả thi để được quyết định đầu tư như vậy không phải cá biệt, mà trái lại rất phổ biến ở những công ty được đầu tư bằng vốn nhà nước. 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương, với gánh nặng nợ nần tính đến tháng 10 năm ngoái đã lên đến 63.000 tỉ đồng, là một trong rất nhiều ví dụ. Đây đều là những dự án rất hiệu quả trên giấy.
Hiện nay, Chính phủ đã và đang chi ra hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các dự án đầu tư công để kích thích phục hồi kinh tế. Nếu số tiền khổng lồ này lại tiếp tục được đổ vào những dự án chỉ có hiệu quả trên giấy, thì sẽ là thảm họa.
Hầu hết các dự án đầu tư công ở nước ta đều được quyết từ trên xuống. Người dân là tầng lớp thụ hưởng, nhưng không hề được tham khảo ý kiến, nếu có thì cũng chỉ là hình thức. Vì thế hầu hết các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư bằng vốn vay Trung Quốc thì hầu hết đều thua lỗ, đổ gánh nặng nợ nần lên nền kinh tế.
Phải xúc tiến các dự án áp dụng công nghệ mới do người Việt Nam sáng chế, để tạo ra đòn bẩy cho xã hội và đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia, nên đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tốt và lan tỏa cùng doanh nghiệp để mọi người biết đến
Trả lời tới Nguyễn Viết Chính: Cho hỏi là BT-ST đã tìm ra nguyên nhân rơi gối đỡ dầm cầu chưa vậy các nhà báo online?