Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế – xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội

(TBKTSG) - Tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về báo cáo giám sát các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Việc Quốc hội giám sát hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là điều cần thiết vì các đơn vị này sử dụng vốn của Nhà nước, tức sử dụng tiền đóng thuế của người dân vào việc kinh doanh.

Tuy nhiên qua những gì báo chí phản ánh từ cuộc thảo luận này, chúng ta có thể thấy các đại biểu Quốc hội mới chỉ dừng lại ở mức độ giám sát hiệu quả tài chính của các tập đoàn và tổng công ty, như mức độ lời lỗ của các doanh nghiệp này, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu, quy mô và hiệu quả sử dụng đồng vốn, hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề chính...

Đây là chuyện doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... phải lo.

Quốc hội trong vai trò đại diện quyền lợi của người dân, cần đánh giá hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Lấy ví dụ, một tập đoàn nhà nước khởi động một dự án đầu tư quy mô lớn vào việc sản xuất một mặt hàng cụ thể nào đó. Từ góc độ doanh nghiệp, họ sẽ phải tính toán lời lỗ, phải tìm thị trường, phải cân nhắc những chỉ tiêu tài chính khác nhau. Và nếu dự án thỏa mãn những tiêu chí do họ đặt ra, doanh nghiệp sẽ quyết định tiến hành.

Nhưng từ góc độ nhà nước, các cơ quan quản lý phải tính đến cả những yếu tố khác như sản phẩm đó có làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường, dự án ảnh hưởng như thế nào đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, nguồn lực dự tính đổ vào dự án có thể sử dụng tốt hơn ở những dự án khác hay không...

Trong bối cảnh vẫn còn tình trạng cơ quan nhà nước đồng thời là cơ quan chủ quản của các tập đoàn và tổng công ty, quan chức nhà nước đồng thời là người điều hành hay đại diện cho vốn sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tính khách quan trong đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

Chính ở đây, vai trò giám sát của Quốc hội cần thiết hơn bao giờ hết. Và ngoài các yếu tố kinh tế như thế, đại biểu Quốc hội còn phải chú ý đánh giá hiệu quả xã hội của dự án. Nó có gây ô nhiễm môi trường không, dù sẽ làm ra lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp, nó có tạo công ăn việc làm mới cho địa phương có dự án không.

Chúng ta thường nói các tập đoàn và tổng công ty, ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ thực hiện các chủ trương lớn của Nhà nước như bình ổn giá cả, tiến hành các hoạt động mang tính xã hội như đưa điện, dịch vụ viễn thông đến các vùng sâu, vùng xa.

Đây chính là điều cần đưa vào báo cáo giám sát bằng những đo lường định lượng chứ không phải những tổng kết định tính chung chung. Từ đó, các đại biểu Quốc hội mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả toàn diện của mô hình tập đoàn và định hình phát triển trong tương lai cho những thí điểm mới.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới