Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hiệu trưởng thế nào, dạy học trực tuyến thế ấy!

Nguyễn Hoàng Chương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - 1. Hiện tại, việc dạy học trực tuyến đang gây trăn trở, làm đau đầu cho cả giáo viên, nhà trường, học sinh lẫn phụ huynh.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 23-9-2021 có bài viết “Thách thức học online”. Tôi tâm đắc với ý kiến: “Người thầy phải luôn nhận thức và ghi nhớ rằng học sinh của mình, chứ không phải công nghệ, là trọng tâm của mọi sáng kiến dạy và học”. Báo Thanh Niên, ở bài viết “Chưa biết khi nào học sinh nội thành Hà Nội đi học lại” (ngày 2-11-2021), dẫn ý kiến của một trưởng phòng giáo dục và đào tạo: “Việc dạy học trực tuyến khiến thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đều vất vả nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, đặc biệt với học sinh lứa tuổi lớp 1, lớp 2 ở cấp tiểu học”.

Báo Tuổi Trẻ trong bài “Kiệt sức với dạy online” (ngày 1-11-2021) cho biết giáo viên dạy trực tuyến phải làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya, có người chấm khoảng 1.000 bài tập/tuần. Hay bài viết “Nói vậy mà không phải vậy!” (ngày 3-11-2021) nêu bức xúc của một phụ huynh có con học lớp 10: “Cứ tưởng học trực tuyến thì chương trình sẽ được giảm tải, học sinh học hành nhẹ nhàng hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại, con tôi “ôm” máy tính học suốt từ sáng đến tối mà nhiều hôm vẫn chưa hoàn thành hết bài thầy cô giao”.

Tôi chạnh lòng nghĩ, không biết các thầy cô phải qua bao nhiêu “kiếp nạn” mới “thỉnh được chân kinh dạy học trực tuyến”?

2. Ngồi cà phê với một thầy giáo đã có hơn 10 năm đứng lớp. Thầy bày tỏ suy nghĩ: “Mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường cần đến một hiệu trưởng có thể truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, để mọi người vượt qua khó khăn mà có thể dạy tốt, học tốt”.

Tôi trầm ngâm nghĩ, đúng hiện nay hiệu trưởng phải là “tổng đạo diễn” trong việc dạy học trực tuyến cùng với cốt cách và những phương pháp đổi mới. Hiệu trưởng không truyền lửa cho giáo viên thì họ khó có thể sáng tạo làm gọn chương trình, linh hoạt kiểm tra, thổi hồn vào bài giảng trực tuyến. Và tại sao phải là hiệu trưởng? Bởi ông/bà ấy là linh hồn của một ngôi trường, được qua nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước. Không ít người tiếp tục đi học sau đại học. Trình độ chính trị, chuyên môn, kiến thức quản lý có đủ, trải nghiệm phong phú, dồi dào, bản lĩnh dày dặn.

Chính trong giai đoạn dạy học trực tuyến khó khăn này, người hiệu trưởng cần phát huy vai trò nhà tư vấn, người bồi dưỡng chuyên môn, theo dõi sâu sát, trợ giúp có trọng tâm… thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho những giáo viên đang cảm thấy chông chênh, giúp đội ngũ giáo viên của nhà trường có khả năng huy động và triển khai những giờ học trực tuyến chất lượng, thu hút được cả những học sinh chưa ngoan. Ngoài ra, hiệu trưởng có thể thêm cả việc thăm hỏi phụ huynh và học sinh để biết thầy trò dạy và học trực tuyến như thế nào.

Hiện tại, các kênh thông tin truyền thông chia sẻ khá nhiều nội dung, kinh nghiệm bổ ích về dạy và học trực tuyến. Hiệu trưởng có thể tìm đọc, gạn lọc, rồi chia sẻ để các đồng nghiệp biết, hiểu, vận dụng. Thiết nghĩ ở thời buổi thay đổi nhanh chóng này, luôn cần có sự quyết đoán, nhưng phải có tình, có lý.

3. Lâu nay, cách thức giáo dục trong nhà trường thường tham kiến thức, nặng nề chuyện điểm số, luôn loay hoay với thi cử. Những thứ này vốn đã tạo áp lực lớn trong giáo dục trực tiếp, nay với giáo dục trực tuyến, có lẽ sẽ càng… vượt hạn!

Nên chăng hiệu trưởng cùng các tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên cốt cán xây dựng một kế hoạch giáo dục tinh gọn, vừa sức, ở đó khuyến khích sự tự học - làm việc nhóm - sáng tạo. Cần mạnh dạn đầu tư, thử sức thời gian đầu, tin rằng khi những trắc trở qua đi, việc đã quen rồi thì chuyện dạy và học trực tuyến sẽ tốt lên.

Có một sự thật thường thấy trong các nhà trường là sự đứt gãy mối quan hệ giữa hiệu trưởng với các hiệu phó. Với việc tin tưởng giao việc, định hướng rõ ràng của hiệu trưởng dành cho các hiệu phó, tiếp đó là khéo léo động viên, chân tình theo dõi, chắc chắn, các phó hiệu trưởng sẽ là những trợ thủ đắc lực. Một ban giám hiệu nồng ấm là tiền đề quan trọng để có một trường học hạnh phúc.

“Cái bóng” của hiệu trưởng trong nhà trường lớn lắm. Người ta nói hiệu trưởng thế nào thì nhà trường thế ấy. Tôi cũng suy ra một hệ quả lúc này: “Hiệu trưởng thế nào, dạy học trực tuyến thế ấy!”.

------------------

(*)Nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Lộc Phát (Bảo Lộc - Lâm Đồng)

1 BÌNH LUẬN

  1. Với trẻ mầm non và cấp 1 thì không nên dạy trực tuyến. Covid cũng không ảnh hưởng nhiều với những lứa tuổi này trừ trường hợp bệnh nền nặng. Việc dạy học trực tuyến là điều tất yếu, nó giống như xu hướng của các hãng xe công nghệ vậy. Chống lại xu hướng thì sẽ đào thải. Ngoài trừ các ngành kỹ thuật, bác sỹ, cần phải thực hành các ngành xã hội hoàn toàn có thể giảng dạy trực tuyến. Thậm chí một số môn học kỹ thuật cũng có thể dạy trực tuyến được. Thầy tôi từng nói “học ở đại học là học cách tự học”. Hơn nữa việc học trực tuyến cũng làm giảm chi phí xã hội : sinh viên không cần lên thành phố để ở trọ học, họ hoàn toàn có thể học ở nhà, phụ giúp bố mẹ, vừa tiết kiệm chi phí. Các trường đại học lớn trên thế giới cũng đã hình thành các chương trình học mở… xu hướng này là không thể thay đổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới