(KTSG Online) - Những vụ việc tiêu cực liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ từ các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây khiến cho thị trường này rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư cần được bổ sung và minh bạch hóa thông tin, giúp họ hiểu rõ thị trường và tránh những rủi ro mang tính hệ thống.
- Làm gì trước các cú sốc gần đây của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- Vòng xoáy rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
Thời gian qua, thông tin tiêu cực liên quan đến loạt thương vụ phát hành riêng lẻ đang tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Diễn biến này lan rộng trên thị trường, tạo làn sóng rút tiền ở nhiều quỹ đầu tư trái phiếu. Theo đó nhiều trái phiếu doanh nghiệp tốt cũng chịu ảnh hưởng liên đới. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhạy cảm quá với các thông tin sẽ khiến nhà đầu tư càng lún sâu vào vòng xoáy rủi ro, thậm chí mất đi thành quả đầu tư dài hạn của mình.
Rút tiền ồ ạt, nhà đầu tư ‘đào sâu khủng hoảng’
Những năm qua, chứng chỉ quỹ mở trái phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bởi việc phù hợp với quy mô vốn đầu tư nhỏ, khác hẳn việc mua trái phiếu từ những thương vụ phát hành riêng lẻ. Người dân dễ dàng mua chứng chỉ quỹ trái phiếu thay vì chứng minh vai trò của một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi tham gia các đợt phát hành theo quy định hiện hành.
Tuy vậy, nhà đầu tư cá nhân với số lượng đông đảo nhưng tâm lý dễ bị tác động thường tạo “hiệu ứng đám đông”, tâm điểm là những sự kiện đặc biệt vừa qua. Những gì đang xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phản ánh rõ nét xu hướng này. Làn sóng rút trước hạn trái phiếu ở nhiều doanh nghiệp lan sang các quỹ đầu tư, quỹ mở trái phiếu.
Ghi nhận từ đầu tháng 10, loạt quỹ mở trái phiếu quy mô lớn trên thị trường bị rút quỹ như TCBF, MBBond, DCBF, SSIBF. Ước tính từ đầu tháng 10, quy mô của 4 quỹ mở này giảm gần 20% với tổng giá trị hơn 5.100 tỉ đồng. Trong hai tuần gần đây, quỹ lớn nhất thị trường là TCBF bị rút ra hàng ngàn tỉ đồng. Từ một thị trường được ưa thích với cơ chế đầu tư linh hoạt, nhà đầu tư chuyển sang rút tiền đột ngột tạo áp lực không hề nhỏ cho công ty quản lý quỹ.
Danh mục đầu tư của các quỹ mở trái phiếu bao gồm các sản phẩm thanh khoản như chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá, trái phiếu doanh nghiệp. Khi khách hàng rút quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện bán ra theo lô, bao gồm các sản phẩm có tỷ trọng được xây dựng trước đó.
Theo dõi danh mục các quỹ mở, tiền phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp niêm yết để đảm bảo tính thanh khoản trong trường hợp rút quỹ. Trên thị trường có một số trái phiếu niêm yết của công ty, tập đoàn lớn như Novaland, Vingroup, Vietjet, Vinhomes, Masan… hay của các ngân hàng.
Tuy vậy, việc rút quỹ bất ngờ của nhà đầu tư trong khi vắng thanh khoản trên thị trường thứ cấp tác động lớn đến các quỹ. Cuối tuần trước các lệnh bán trái phiếu từ các đơn vị lớn lên đến hàng trăm ngàn đơn vị nhưng không có lực cầu đối ứng.
Đáng chú ý, tất cả các lệnh bán kể trên đều thấp hơn so với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, đồng nghĩa rằng các tổ chức đang phải bán cắt lỗ để trả tiền cho nhà đầu tư. Trong kịch bản không mong đợi, công ty quản lý quỹ tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn để có thể khớp lệnh.
Một điểm cũng cần lưu ý khác, các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp không được thể hiện hết chỉ qua một số sàn giao dịch chính thức, mà còn có thể được thực hiện trực tiếp giữa các nhà đầu tư qua các kênh chào giá khác. Mức chiết khấu được chào, có thể còn cao hơn những gì được công bố trên các nguồn thông tin chính thức. Đó có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản giảm sâu, khi mức giá giao dịch không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm đó.
Tới đây, không ai khác, chính nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ chịu thiệt, bởi số tiền rút được xác định bởi giá trị tài sản quỹ mở/chứng chỉ quỹ (NAV/chứng chỉ quỹ) tại thời điểm bán, phản ánh theo giá thị trường như cơ chế nêu trên. Động thái rút quỹ đột ngột của một bộ phận nhà đầu tư vô tình đào sâu thêm khủng hoảng cho suất đầu tư của mình.
Nhà đầu tư thiếu thông tin để hiểu về thị trường
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn vô cùng quan trọng cho nền kinh tế song song với thị trường cổ phiếu và kênh tín dụng. Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP. Do đó, thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên sau những biến cố và bị khủng hoảng niềm tin Việt Nam cần xây dựng như thế nào để phát triển bền vững, đặc biệt là trên khía cạnh pháp lý.
Trong một tọa đàm về thị trường trái phiếu gần đây, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi đánh giá, thị trường trái phiếu có sự phát triển mạnh trong hai năm gần đây. Dù sôi động như vậy, nhưng rủi ro không thể nói được vì không có tiêu chí, cơ sở đánh giá, mà dựa trên những quy định chặt chẽ, đòi hỏi nhiều thứ, nhà đầu tư nhìn vào không biết trông chờ vào đâu.
"Chưa ai mất trên thị trường trái phiếu, nhưng thị trường đang sôi sục vì nhà đầu tư nghĩ mình bị lừa, thông tin chưa chính xác và chưa hiểu vấn đề. Đó là nguy cơ mà không chỉ là niềm tin từ thị trường mà còn do pháp lý không ổn, chưa có lộ trình bài bản, nên đến bây giờ Việt Nam phải chấp nhận xử lý rủi ro và tìm cách tháo gỡ".
Diễn biến thời gian qua cho thấy, có một cuộc khủng hoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường trái phiếu. Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu đầu tư, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, một trong những nguyên nhân rất lớn của việc thiếu niềm tin là do chúng ta rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư.
"Nếu chúng ta biết chúng ta sợ gì thì sẽ bớt sợ, nhưng nỗi sợ rất lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt là với nhà đầu tư cá nhân", ông Huy cho hay.
Hiện tại, Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thị trường vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung. Do đó, nhóm nghiên cứu của Chứng khoán DSC đã đặt lại tất cả những trái phiếu đang có trên thị trường xem trái phiếu nào rủi ro, trái phiếu nào không có rủi ro, sau đó đưa ra những trái phiếu cần lưu ý để định hình rủi ro.
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân, bộ phận đông đảo nắm giữ chứng chỉ quỹ mở trái phiếu đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn vừa qua bởi tác động từ loạt thương vụ phát hành riêng lẻ trên thị trường như nhóm Tân Hoàng Minh, An Đông (Vạn Thịnh Phát). Tâm lý lo sợ cộng hưởng các tin đồn thất thiệt khiến nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tốt chịu “vạ lây”. Kết quả là, các quỹ đầu tư dù không rót tiền vào các lô trái phiếu trên nhưng đã bị ảnh hưởng như đã thấy.
Những yếu tố phân tích trên đều đang ảnh hưởng đến quyết định nắm giữ chứng chỉ quỹ trái phiếu của nhà đầu tư. Song, câu chuyện ở đây là những quyết định đột ngột sẽ tạo hiệu ứng đám đông của thị trường. Áp lực từ các quyết định này sẽ ảnh hưởng đến chính “túi tiền” của nhà đầu tư.
Hơn ai hết chính nhà đầu tư cần phải xét kỹ về tính hiệu quả khi ra quyết định trong bối cảnh này. Tuy nhiên, hạn chế của các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam là khá mù mờ về mặt thông tin và thị trường đang thiếu đi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để định hướng.
Thị trường tài chính nói chung có tính liên thông cao, việc đóng băng của giao dịch tại doanh nghiệp này sẽ lan sang doanh nghiệp khác, tại một phân khúc này sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới các phân khúc khác, thậm chí là các thị trường khác. Nếu phần đông nhà đầu tư thiếu thông tin để phân biệt được chất lượng trái phiếu sẽ làm cho ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền lan rộng với tốc độ nhanh hơn.
Mấu chốt vấn đề là ở chỗ: Nhà đầu tư TPDN của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát liệu có lấy lại được tiền không? Nếu không thì đừng hy vọng sẽ có bất cứ NĐT nào tham gia thị trường nữa. Ai sẽ trả lời cho câu hỏi này?
Vấn đề thì có nhiều, nổi bật nhất là:
– Các lô trái phiếu tiêu cực dính tới các vụ bắt bớ => tác động tâm lý cực mạnh
– Những lô trái phiếu tiêu cực đó được phân phối bán bởi ngân hàng lớn => mất niềm tin vào hệ thống.
– Chưa có những khung pháp lý đủ chặt chẽ và đủ mạnh áp dụng cho phát hành trái phiếu và được lưu hành bởi hệ thống ngân hàng.
– Nâng cao hiểu biết chung cho người dân về tài chính