Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồ Ngọc Đại và “bạn Marx”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ Ngọc Đại và “bạn Marx”

Châu Diên

Tiến sĩ tâm lý giáo dục Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

(TBKTSG) – LTS: Sáng 24-3-2010, lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009 đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong số bốn giải thưởng về giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu và Việt Nam học, giải thưởng giáo dục được trao cho Tiến sĩ tâm lý giáo dục Hồ Ngọc Đại, người đã đưa ra chủ trương giáo dục lấy năng lực tự học của trẻ làm mục tiêu. Nhân dịp này, TBKTSG xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về ông.

Giữa những năm 1970, Hà Nội rầm rầm dư luận về một diễn giả không biết sợ hãi, cũng chẳng biết nể nang, sau mỗi buổi diễn giảng đều để lại những câu nói hoàn toàn khác lạ với cách suy nghĩ và nói năng đương thời. Người ta đang quen thi đua, “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, ấy thế mà diễn giả này lại nói “thi đua là kiễng chân ăn gian để mình cao hơn bạn một tý”.

Người ta đang hô to khẩu hiệu “thầy giáo là gương sáng cho học sinh noi theo”, thì diễn giả này lại bảo “mỗi người tự lấy mình làm chuẩn và tự mình vươn lên hết cỡ, không ai noi gương ai, không ai cản trở ai”.

Phải nói luôn là, hồi đó, nghe được những dư luận như thế, bản thân tôi cũng thấy ghê răng. Đó là vào đầu năm 1978, tôi cùng một bạn vẫn đang ở tỉnh Hà Tuyên nghiên cứu dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Một hôm tôi bảo anh bạn: “Mấy quyển sách bọn mình mới in, anh đem về biếu anh Hồ Ngọc Đại. Đó là cái cớ để ngồi nói chuyện chừng mười lăm phút rồi lên kể lại nguyên văn cho tôi nghe…”.

Một tuần sau, bạn tôi trở lại, và anh đã không thực hiện lời tôi dặn. “Hay lắm, con người hay lắm…”. “Không bình luận mà! Hai người trò chuyện gì, anh kể lại đi”. “Tôi chẳng nhớ gì hết, chỉ thấy thích, vậy thôi”…

* * *

Tôi cũng không ngờ, chỉ ít ngày sau đó, tôi đã gặp con người ấy tại Hà Nội, và cũng từ đó bắt đầu những ngày tôi được hòa mình vào toàn bộ đề tài và tư tưởng giáo dục của Hồ Ngọc Đại.

Bắt đầu là một buổi tối rét mướt sau Tết. Tôi đi bộ từ nhà ở đầu phố Thụy Khuê sang nhà anh giữa phố Nguyễn Biểu. Anh đưa tôi lên căn gác nhỏ. Câu chào thật đặc biệt: “Nom anh buồn quá! Như muốn tự tử đến nơi rồi!”. Tôi bật cười. “Anh biết nhiều quá… Anh muốn làm nhiều thứ quá…”. Sau đó là những điều trò chuyện cóc nhẩy. Khi nói tới các thầy người Nga… “chất phác, chân thành… đặc sệt chất Nga…”. Khi nói tới các cô gái Nga “xinh… đẹp… tự tin…”. Nhưng quanh đi quẩn lại, vẫn trở về đề tài giáo dục.

Tôi hỏi anh: “Đường lối giáo dục của anh là gì?”. (Hồi này vẫn chưa sính dùng chữ “triết lý giáo dục”). “Phải làm theo ý tưởng của Marx”. Tôi phá lên cười. Và lần này cười hơi lâu. Nhưng Hồ Ngọc Đại vẫn kiên nhẫn. “Tôi biết vì sao anh cười. Anh toàn đọc những thứ bảo là Marx nhưng không phải chính cống là Marx.”. “Thế Marx của anh là như thế nào?”. “Marx không phải là lưỡi lê và máu me như người ta vẫn diễn đạt… Marx không phải là lật đổ…”. “Marx là gì vậy?”. “Đây, trong cuốn Tư bản, Marx là luận điểm này,… các hình thái xã hội khác nhau không phải ở chỗ chúng làm ra cái gì mà ở chỗ chúng làm ra theo cách gì. Marx đấy!”.

Tôi thấy thực sự bất ngờ. Hóa ra Marx không phải là bạo lực! Marx là một định hướng về cách lao động, cách sống trong xã hội. Marx lý giải và hô hào con người tìm ra một cách làm phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, cái thời đại được Marx chứng kiến và đưa ra những tổng kết riêng của ông.

Có thể nói là Hồ Ngọc Đại yêu Marx. Cũng lại là một cách yêu khác với cung cách thông thường. Đại làm lộ rõ những sự thật về Marx, tránh cho Marx bị thần thánh hóa. Người ta nói đến Marx “cao lớn lồng lộng”, Đại nói rõ Marx chỉ cao vỏn vẹn 153 cen ti mét thôi. Đại còn nói rõ: đó là con số đo trong hồ sơ cảnh sát.

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh các công trình có giá trị cao trong các lĩnh vực giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu và Việt Nam học do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) bình chọn.

Giải thưởng năm 2009 về giáo dục được trao cho Tiến sĩ tâm lý giáo dục Hồ Ngọc Đại. Giải thưởng dịch thuật được trao cho dịch giả Phạm Vĩnh Cự (Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Triết học đạo đức, Siêu lý tình yêu…) và dịch giả Lê Anh Minh (dịch và chú giải bộ 2 tập Lịch sử triết học Trung Quốc). Giải thưởng nghiên cứu thuộc về nhà nghiên cứu Inrasara Phú Trạm, người đã có những công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa Chăm. Giải thưởng Việt Nam học thuộc về nhà dân tộc học Georges Condominas, người đã có những công trình nghiên cứu có giá trị về Tây Nguyên và Việt Nam.

Người ta muốn Marx được nhìn như một ông thánh, thì Đại viết sách gọi bằng “bạn Marx”, và theo anh đó là một cách gọi thân thiết xứng đáng nhất có thể có đối với Marx…

Hệt như cách Đại cư xử với học sinh trường thực nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Tại ngôi trường này, lần đầu tiên Đại trương lên khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc – Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thay cho “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Năm 1980 thì phải, tôi viết một bài đầu tiên về hệ thống trường học kiểu Hồ Ngọc Đại đăng trên báo Người giáo viên nhân dân có tiêu đề là Hạnh phúc ngay ngày hôm nay; Đại cầm tờ báo, nhìn tôi đầy tình cảm và hình như anh đã nói thế này: “Anh hiểu công việc đấy”.

“Hiểu công việc”, mấy chữ đó trải dài vài ba chục năm mỗi lúc mỗi thêm nội dung. Bởi lẽ, chỉ nguyên một việc thay đổi nguyên lý, nguyên một việc chuyển từ cái nhà trường của giảng giải nhồi nhét và nhai lại, sang cái nhà trường lấy năng lực tự học của trẻ em làm mục tiêu, sự thay đổi từ gốc rễ đó mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm lại đã kéo theo biết bao nhiêu tình tiết.

Trên kia, đã nói tới tình yêu của Hồ Ngọc Đại với Karl Marx là một tình yêu vì học được quan niệm về cách làm thì trong sự nghiệp giáo dục phổ thông cho con em, đó là quan điểm về sự tôn trọng cách học của con trẻ, và là quan điểm về sự nương theo cái cách học của người học mà tổ chức cách dạy học.

Theo Hồ Ngọc Đại, tập trung vào tổ chức cách học của con em chính là sự trung thành với định hướng của Marx.

Bởi lẽ, trẻ em của dân tộc Việt Nam đứng trước thách thức hiện đại hóa thông qua con đường công nghiệp hóa – không có con đường khác. Muốn thành công trước thách thức đó, thì phải thay đổi cách làm ăn của toàn xã hội, và sự thay đổi đó muốn cho đạt tới chỗ căn bản nhất thì tất yếu phải diễn ra trong từng em bé – cũng không có con đường khác.

Bởi lẽ, trẻ em của dân tộc Việt Nam muốn hiện đại hóa thông qua con đường công nghiệp hóa, thì đời sống xã hội cũng phải được dân chủ hóa cho đến từng chi tiết – không có con đường khác. Mà dân chủ hóa tức là phải thay thế lối dạy học áp đặt từ Khổng Tử và các đại diện của Khổng Tử trút xuống các em bé đáng yêu và đáng thương. Phải có một cách dạy học khác tôn trọng tính dân chủ của con người – cũng không có con đường khác.

* * *

Hồ Ngọc Đại nhìn thấy rõ con đường cứu nguy dân tộc bằng cách cứu nguy nền giáo dục trì trệ đương thời. Khó khăn chồng chất, nhưng chỉ có một nguyên nhân: cái phẩm tính Khổng Nho dở hơi trong xã hội hiện tại.

Hồ Ngọc Đại nhận thấy rất rõ rằng trong xã hội tiểu nông ngàn đời xưa xay, thì Khổng Tử là bậc anh hùng. Người anh hùng đó có đặc điểm là không bao giờ tư duy nổi bằng khái niệm. Người anh hùng đó chỉ có thể tư duy bằng lập luận nhờ những thí dụ tương đương và mập mờ. Kỳ lạ là những con người đang sống ở thời công nghiệp hóa, vậy mà lại tôn thờ lối tư duy tùy tiện của Khổng Tử; những con người đó phải chống lại Hồ Ngọc Đại – họ chống lại cả “bạn Marx” của Đại mặc dù vẫn trương khẩu hiệu đề cao Marx, một con người cao lừng lững 153 cen ti mét.

Gần đây, trong nhiều dịp, Hồ Ngọc Đại lại phải nói về người bạn thân thiết nhất của mình: “Marx không sai. Sống trong giai đoạn lịch sử của mình, Marx không thể hình dung hết sự phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện đại và hậu hiện đại ngày nay. Thế thôi”.

Thế thôi, thế đấy, lỗi đâu phải ở người thầy giáo có cuộc sống hữu hạn như bất kỳ ai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới