(KTSG Online) - Hiện nay, mực nước của hồ thủy điện Trị An đang giảm sâu nhất trong khoảng 13 năm trở lại đây gây khó khăn cho hoạt động nuôi và đánh bắt thủy sản của hàng ngàn hộ dân. Còn ở khu vực miền núi phía Bắc, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, có khoảng 1.100 héc-ta diện tích cây trồng có nguy cơ bị hạn.
- Đồng Nai: còn hơn 10 cơ sở kinh doanh trái phép ở hồ Trị An chưa được xử lý
- Hàng chục hồ thủy điện về mực nước chết, nguy cơ thiếu điện tăng cao
TTXVN thông tin, hồ thủy điện Trị An rộng 32.000 héc-ta, là nguồn sinh sống của hàng ngàn hộ dân làm nghề nuôi và đánh bắt thủy sản, đặc biệt là cá bè. Tuy nhiên, hiện nay, mực nước của hồ đang ở mức thấp, có thời điểm đo ở mức 50,5 m. Như vậy, độ sâu này chỉ cách mực nước chết khoảng 0,5 m.
Theo TTXVN, người dân địa phương cho biết, vì nước hồ rút sâu nên nguồn cá cũng khan hiếm dẫn đến thu nhập người dân khó khăn hoặc không có thu nhập. Có trường hợp người dân thả nhiều lứa cá giống nhưng đều thiệt hại, chủ hộ chuyển sang đi câu, giăng lưới để thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Dự báo, người nuôi cá bè năm nay sẽ lỡ mất một vụ nuôi. Ngoài ra, trong mùa nước cạn này, người dân từ các tỉnh thành đến vui chơi, cắm trại tự phát gây khó khăn trong quản lý của khu bảo tồn này, TTXVN dẫn thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu.
Liên quan đến đời sống, ngành nông nghiệp địa phương, ở khu vực miền núi phía Bắc, thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, có khoảng 1.100 héc-ta diện tích cây trồng của một số địa phương có nguy cơ bị hạn.
Trong đó, nhiều nhất là ở tỉnh Lạng Sơn, với hơn 580 héc-ta diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, tập trung ở thành phố Lạng Sơn, huyện Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình…
Ở tỉnh Cao Bằng, tổng diện tích cây trồng có nguy cơ hạn là hơn 370 héc-ta, tập trung ở các huyện như Hà Quảng, Hòa An, Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc. Còn diện tích không gieo trồng được là 140 héc-ta.
Việc thiếu nước, mặt ruộng khô cạn ở Lào Cai có khả năng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng với khoảng 138 héc-ta.
Tại khu vực Bắc bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi còn 48% dung tích thiết kế. Tại khu vực Bắc Trung bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 55,5% dung tích thiết kế. Dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi ở Nam Trung bộ đạt 71%; khu vực Tây Nguyên đạt 36%.