Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ: Cần nhanh và thiết thực cho nhịp phục hồi

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau những thiệt hại do bão số 3 (Yagi), điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất là chính sách hỗ trợ cần nhanh và thiết thực hơn. Ngoài ra, cơ quan quản lý phải hạn chế thủ tục “lòng vòng”, để không bỏ lỡ cơ hội phục hồi.

12.000 khách vay vốn ở Hải Phòng, Quảng Ninh thiệt hại sau bão

Hơn 12.000 khách hàng ở Hải Phòng và Quảng Ninh, với tổng dư nợ 26.000 tỉ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi, theo thống kê của ngành ngân hàng. Các lĩnh vực chịu thiệt hại tập trung vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng khi nhà xưởng, nhà máy bị tốc mái. Còn hệ thống điện hỏng, kéo theo hàng đông lạnh bị ảnh hưởng.

Ước tính sơ bộ tại các địa phương, tổn thất về tài sản của các nhà máy sản xuất ít nhất từ 300-400 triệu đồng. Nhưng cũng có nhà máy thiệt hại 1-2 tỉ đồng, thậm chí gần 100 tỉ đồng.

Quang cảnh tan hoang tại một doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản ở Hải Phòng sau bão số 3.

Bà Ngô Thị Thuý, Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An (Quảng Ninh) cho hay, gia đình đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang. Để có được cơ ngơi này, bà và gia đình phải dành nhiều năm lao động, đồng thời vay thêm 4 tỉ đồng từ Agribank để mở rộng đầu tư.

Nhưng sau một đêm bão quét qua, tài sản còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng. “Giờ chỉ mong được ngân hàng hoãn, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời, thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thuý nói.

Không chỉ những hộ sản xuất như bà Thuý, nhiều doanh nghiệp lớn cũng chịu thiệt hại từ bão Yagi. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, thiết bị máy tính gắn trên các lồng nuôi ở Quảng Ninh đều bị đánh chìm và không hoạt động được.

“Hiện vẫn xác định được định vị của các thiết bị này, nhưng chưa trục vớt được để kiểm tra xem còn hoạt động được không. Chúng tôi cũng mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi”, bà Bình thông tin.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, các doanh nghiệp còn đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn.

Một doanh nghiệp thuỷ sản tại Hải Phòng cho hay, doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Hàn Quốc vào cuối tháng 9. Nhưng khó có thể thực hiện, vì 5 bè nuôi tôm và cá đã bị bão cuốn trôi. "Chúng tôi đã gửi thư cho đối tác để giải thích, nói rõ tình hình dịch bão lũ mong đối tác thông cảm", đại diện doanh nghiệp cho hay.

Vị này cũng hi vọng, đối tác sẽ chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và không yêu cầu đền bù hợp đồng. Tuy vậy, bản thân doanh nghiệp vẫn nỗ lực khôi phục vùng nuôi trồng để đáp ứng những đơn hàng gấp.

“Phải giữ được khách hàng tốt, không để họ bỏ sang thị trường khác”, đại diện doanh nghiệp nói.

Giảm thủ tục và tránh bỏ sót đối tượng hỗ trợ

Trước những thiệt hại của các doanh nghiệp thuỷ sản, VASEP đã kiến nghị Bộ NNPTNT bổ sung doanh nghiệp vào danh mục đối tượng hỗ trợ trong dự thảo Nghị định khôi phục sản xuất nông nghiệp, với vai trò then chốt.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho rằng, việc để doanh nghiệp nằm ngoài danh sách đối tượng hỗ trợ có thể làm gia tăng khó khăn cho cả ngành nông nghiệp và thủy sản, trong bối cảnh thiệt hại do thiên tai chưa được thống kê đầy đủ.

“Các doanh nghiệp này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và sản xuất mà còn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển và hồi phục của ngành”, ông Nam nhấn mạnh.

Khu nhà ương giống cấp 1 của Công ty thuỷ sản Tân An (Quảng Ninh) bị bão phá nát. Ảnh: Đông Bắc.

Ngoài VASEP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Với mỗi ngân hàng thương mại, VietinBank thống kê có 195 khách hàng doanh nghiệp, với dư nợ 18.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại trên toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, sẽ đẩy nhanh đền bù, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó tổng giám đốc Agribank thông tin, cán bộ ngân hàng sẽ gặp trực tiếp để đánh giá mức độ thiệt hại và cơ cấu với dư nợ cho vay, giảm lãi suất... với các khách hàng bị thiệt hại.

Để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả thực tế, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai chính sách từng được triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, giờ có thể triển khai luôn gồm: khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất; miễn, giảm, hoãn các loại thuế. Bên cạnh đó, với các gói hỗ trợ chưa thực hiện được thì có thể tính toán, sử dụng nguồn lực này để hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý các cơ chế hỗ trợ tài chính cần được tính toán về thủ tục để nhanh hơn và hiệu quả hơn.

“Ngoài số người thiệt mạng, còn có tài sản, nguồn lực sản xuất - kinh doanh bị mất trắng. Rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là hoa màu, vật nuôi, thủy sản. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng, kho bãi, hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá”, ông Thành nêu rõ.

Bổ sung TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, để phục hồi sản xuất, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có vốn để xây dựng lại nhà xưởng, mua lại máy móc, thiết bị đã bị hỏng. Nhưng sau bão, chất lượng tài sản và khả năng đảm bảo vay bị giảm nên tiếp cận được nguồn vốn phù hợp lại càng khó khăn.

Ngoài ra, việc xây dựng lại cơ sở vật chất của doanh nghiệp cũng có thể gặp khó khăn do liên quan đến thủ tục, trình tự quy trình xây dựng và quy trình nhập khẩu thiết bị. Do đó, đây là những yếu cố các cơ quan quản lý cần lưu ý khi thẩm định, triển khai hỗ trợ.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cần những giải pháp đồng bộ như giảm chi phí thuê đất, BOT, logistics, bên cạnh chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí và giãn, hoãn khoản vay ngân hàng… để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai, vực dậy sản xuất.

Bên cạnh đó, cần xem xét, sửa đổi một số cơ chế, thủ tục hỗ trợ chưa phù hợp. Chẳng hạn, dự thảo Nghị định về khôi phục sản xuất nông nghiệp mới đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ mà chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Ngoài ra, tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn trên khá lâu, có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới