Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ nhóm dễ tổn thương: Có tiền rồi thì phải làm sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗ trợ nhóm dễ tổn thương: Có tiền rồi thì phải làm sao?

Nguyễn Minh Hòa

(KTSG) – Đại dịch Covid-19 kéo dài quá lâu, hệ quả gây ra rất nghiêm trọng, ai cũng bị ảnh hưởng. Có một nhóm người đông đảo lên đến hàng chục ngàn người ở các thành phố mưu sinh độ nhật, không có ai và không có gì để bấu víu, khi phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội là đồng nghĩa với đứt bữa ăn, là đau ốm. Họ là những người “dễ tổn thương nhất” trong xã hội.

Ở bất kỳ xã hội nào, dù giàu như Mỹ, Nhật Bản, Đan Mạch hay nghèo như Sudan thì luôn có một tầng lớp đáy. Đó là những người nghèo đói, trong số nghèo đói đó thì có một nhóm khó khăn nhất được gọi là nhóm dễ tổn thương.

Nhóm dễ tổn thương bao gồm những người già neo đơn không con cái trợ giúp, người già không có lương hưu, người tật nguyền, bệnh hoạn triền miên, phụ nữ đơn thân đông con, và người lang thang cơ nhỡ, kiếm ăn độ nhật như bán vé số, nhặt ve chai, làm công theo việc gọi là thợ đụng, ăn mày ăn xin,…

Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa về người dễ tổn thương với hình ảnh là một người đứng dưới nước trong tư thế nhón chân, mặt nước ngang lỗ mũi, và như thế mỗi khi có gió nhẹ tạo sóng là họ bị sặc, và có thể bị chìm nghỉm ngay tức thì. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì nhóm người này bị tổn thương nặng nề nhất, do vậy họ phải là nhóm được dành sự quan tâm nhất định từ xã hội để vượt qua khó khăn. Với các nhóm khác, sự trợ giúp từ chính phủ là để phát triển, là để đời sống không thay đổi quá nhiều, thì với nhóm dễ tổn thương sự trợ giúp là để tồn tại theo đúng nghĩa đen.

Trải qua ba đợt dịch, việc trợ giúp cho người khó khăn từ các cá nhân, tổ chức xã hội công dân ở TPHCM được coi là một truyền thống, diễn ra khá sôi nổi, từ ATM gạo cho đến chợ 0 đồng, các bữa ăn miễn phí, tủ bánh mì miễn phí, gần đây nhất là có thêm mô hình “tủ lạnh cộng đồng” chứa rau quả miễn phí.

Nhưng sức dân có hạn, tinh thần không giảm nhưng tiền bạc thì không phải vô tận, cây ATM mở ra nhưng gạo chảy ra không phải là liên tục mà lúc có lúc không, tủ bánh mì thưa dần, các bữa ăn miễn phí cũng không dồi dào nữa, bởi dịch đã kéo dài gần hai năm mà không biết bao giờ kết thúc khiến lòng người mệt mỏi, chán ngán, thậm chí hoang mang.

Có một thực tế xin đừng bao biện là dân Sài Gòn đang cô đơn chống chọi với dịch. Người Sài Gòn đã chi viện người cho khắp các điểm nóng chống dịch trong cả nước từ Đà Nẵng đến Bắc Giang, tiền bạc của cải không tiếc, nhưng lần dịch cao điểm này, có thể nói là cao nhất, nhiều nhất, nóng nhất cả nước, có ngày lên đến gần 700 ca, thì chỉ có Hải Phòng chi viện 10 tỉ đồng, Đà Nẵng 10 tỉ đồng, Quảng Ngãi 1 tỉ đồng, Bình Định 2 tỉ đồng (đến ngày 28-6) và tấm lòng của người dân một số địa phương khi góp công góp sức gửi thực phẩm cho thành phố. Có lẽ mọi nơi nghĩ Sài Gòn giàu quá nên không cần, mà họ đâu có hay trong gian khó thêm một bàn tay chìa ra là quý vô cùng. Buồn thay khi trên mạng nhiều người nói “sao Sài Gòn mình cô đơn thế”.

Trong những lúc có những biến cố xã hội bất thường thì nguồn trông chờ lớn nhất là nhà nước, bởi vì chỉ có nhà nước trung ương và chính quyền địa phương ở các tỉnh thành mới có thể có được các gói hỗ trợ ra tấm ra món và có độ phủ rộng khắp đến các thành phần xã hội.

Tài chính của nhà nước là từ thuế của dân, doanh nghiệp, từ bán tài nguyên khoáng sản, từ dự trữ quốc gia và cả việc vay nợ nước ngoài. Nước Mỹ phải liên tiếp chi ra các gói cứu trợ rất lớn, thời ông Donald Trump làm tổng thống là gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 900 tỉ đô la, mỗi người dân Mỹ có thu nhập hàng năm từ 75.000 đô la/năm trở xuống nhận được khoản trợ cấp 600 đô la. Thời Tổng thống Mỹ Joe Biden chi ra gói hỗ trợ trị giá 1.400 tỉ đô la. Những gói hỗ trợ lớn như thế có ở rất nhiều nước vì chúng được coi là phao cứu sinh cho người sắp chết đuối và đệm hơi cho người rơi tự do từ tầng cao xuống không bị chạm đất tử vong.

Trên tinh thần ấy, Chính phủ Việt Nam và nhiều tỉnh thành đã xuất ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân cầm cự trong cơn đại dịch này.

Sáng 25-6, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã thông qua gói ngân sách hỗ trợ cho những người bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 886 tỉ đồng. Đây là gói hỗ trợ thứ hai, gói thứ nhất năm 2020 là 587 tỉ đồng.

Xem trong tờ trình của UBND TPHCM, gói hỗ trợ lần hai này có chú trọng hơn đến nhóm dễ tổn thương. Theo tính toán, sẽ có 230.000 người được hỗ trợ lần này là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác và phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; làm công tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe phải tạm ngừng hoạt động. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/một ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Số tiền hỗ trợ rất nhỏ 50.000 đồng chỉ đủ một ngày ăn đạm bạc cho một người, còn nếu có 2, 3 người ăn theo thì chỉ đủ cho rau cháo cầm hơi, nhưng như thế là quý lắm, trong khi nguồn ngân sách có hạn.

Nhưng vấn đề là 230.000 người đã là con số đúng chưa hay còn nhiều người hơn nữa? Làm thế nào số tiền đến được tay họ? Và hết số tiền này họ sẽ sống như thế nào?

Thực tế cho thấy những người lang thang cơ nhỡ, những người bán hàng rong, những người sống bên lề xã hội nhiều hơn con số thống kê mà Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra, bởi họ không thuộc nhóm “cư trú hợp pháp”, không thuộc nhóm “chính quyền phường” biết mặt. Trong đợt hỗ trợ trước, số tiền ít ỏi đã không đến được nhiều người mua ve chai, thợ xây dựng, bán hàng rong không có địa chỉ cư trú cố định, và tất nhiên là cả những người ngày đi ăn xin, tối tìm vỉa hè nào rộng ngả lưng.

Có thể lỗi không phải từ người của chính quyền mà có lẽ do cách làm chưa thực tế, còn mang nặng hành chính theo kiểu chuyển giao – ký nhận theo phân cấp. Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố mới đưa ra công thức “5 dễ” để cho gói cứu trợ đạt hiệu quả. Đó là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ triển khai. Rút kinh nghiệm lần thứ nhất, việc phải khai báo, chứng minh thu nhập, xác nhận hoàn cảnh làm cho người “lao động tự do” ngần ngại, làm cho nhân viên thực thi phải đắn đo, cẩn trọng sợ bị kỷ luật vì sợ phân phát sai đối tượng thụ hưởng. Những thủ tục cứng nhắc, rắc rối đó khiến cho nhiều người bị “rơi lại phía sau”.

Đúng là hoàn cảnh ở Việt Nam không dễ dàng triển khai các gói hỗ trợ này như ở Mỹ, chỉ sau vài ngày là tài khoản của người dân Mỹ có ngay số tiền trợ giúp từ chính phủ, nhưng nếu TPHCM vận dụng linh hoạt hơn, chẳng hạn ngoài hệ thống hành chính, mặt trận tổ quốc ra còn có thêm các tổ chức tôn giáo, tổ chức thiện nguyện, lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên tham gia trợ giúp thì độ phủ sẽ rộng hơn. Người của chính quyền khó đi đến gầm cầu, công viên, vỉa hè (nhất là vào ban đêm), các xóm nhà trọ không có số nhà, người lấy xe ba gác làm giường qua đêm,… nhưng các bạn trẻ thiện nguyện sẽ làm được. Cách trợ giúp không chỉ là tiền mặt, ký nhận trên giấy mà có thể là thực phẩm, đồ ăn, có thể là biến thành gạo cho các cây ATM, thành suất ăn 2.000 cho các quán cơm Nụ Cười, quán cơm thiện nguyện, bữa cơm ở chùa, nhà thờ. Sự linh hoạt, cơ động ấy có thể bị sơ suất, nhưng cứ cho là thất thoát một chút mà số người thụ hưởng nhiều hơn, nhanh hơn, kịp thời hơn chắc là tốt hơn kiểu “đúng mà không trúng”.

Cha ông ta có câu “lọt sàng xuống nia”. Họ là ai, dù không có tên trong bất cứ danh sách nào trong hệ thống hành chính của TPHCM thì cũng là con dân nước Việt mà. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới