Chủ Nhật, 25/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hồ trữ nước ngọt ở Bến Tre, bị nhiễm mặn vẫn được đánh giá hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồ trữ nước ngọt ở Bến Tre, bị nhiễm mặn vẫn được đánh giá hiệu quả

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Hồ chứa nước ngọt kênh Lấp ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị nhiễm mặn ngay sau khi được đưa vào khai thác ở mùa khô 2019-2020 vừa qua. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương vẫn khẳng định, dự án hiệu quả.

Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn

Hồ trữ nước ngọt ở Bến Tre, bị nhiễm mặn vẫn được đánh giá hiệu quả
Phối cảnh hồ nước ngọt Lạc Địa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: VN Express.

Phát biểu tại buổi họp báo “Thông tin chủ trương đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri” diễn ra hôm nay, 22-9, ở tỉnh Bến Tre, ông Cao Quang Liêm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tổng mức đầu tư dự án hồ chứa nước ngọt kênh Lấp (huyện Ba Tri) được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt là 85,9 tỉ đồng.

Theo ông Liêm, dự án hồ chứa nước ngọt kênh Lấp đã thực hiện đạt 77 tỉ đồng, trong đó, ngoài thực hiện giải phóng mặt bằng 15 tỉ đồng, thì đầu tư vào các hạng mục chính, bao gồm nạo vét đắp bờ bao xung quanh hồ, san lấp khoảng 2 héc ta, xây cống lấy và thoát nước, làm hệ thống gần 10 km đường giao thông, hệ thống hàng rào, cây xanh, hệ thống chiếu sáng… “Thực hiện một khối lượng công việc như vậy, thì tổng mức đầu tư đạt được 77 tỉ đồng, trong đó, riêng phần hồ chứa nước ngọt khoảng 28 tỉ đồng”, ông Liêm cho biết.

Như vậy, tổng mức đầu tư đã thực hiện thấp hơn so với tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt là 8,9 tỉ đồng hay nói cách khác đã tiết kiệm được 8,9 tỉ đồng.

Theo ông Liêm, dự án có tổng dung tích thiết kế là 811.000 m3 và được đưa vào vận hành từ tháng 11-2019.

Sau khi dự án được đưa vào vận hành, thì ngay mùa khô 2019-2020 vừa qua, hồ trữ nước ngọt này đã bị nước mặn tấn công, tức không đạt mục tiêu như kỳ vọng ban đầu khi đề xuất đầu tư dự án này.

Tuy nhiên, trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, thời gian gần đây, có một số thông tin cho rằng dự án không hiệu quả là không chính xác.

Theo ông Lập, bản thân ông cũng như các vị lãnh đạo khác của địa phương đã trực tiếp kiểm tra độ mặn của hồ kênh Lấp nhiều lần, thì nông độ mặn trong hồ chỉ 1,5 phần ngàn và ở gần khu vực cửa (xã Tân  Xuân), thì độ mặn cũng chỉ 2 phần ngàn, trong khi nồng độ mặn bên ngoài hồ lên đến 4-5 phần ngàn. “Tôi khẳng định hồ chứa nước kênh Lấp là thành công”, ông Lập nhấn mạnh.

Ông Liêm thì cho rằng, nồng độ mặn trong hồ kênh Lấp chỉ 1,4-1,6 phần ngàn, trong khi nông độ mặn bên ngoài lên đến 7-8 phần ngàn, không thể bổ cấp nguồn nước cho hồ, cho nên, sau 6 tháng sử dụng liên tục (từ tháng 11-2019 đến tháng 4-2020) hồ bị cạn nước là bình thường.

Theo ông Liêm, với 400.000 m3 được khai thác trong 6 tháng mùa khô 2019-2020, nếu lấy bình quân giá 50.000 đồng/m3 (mùa khô 2019-2020 ở TP Bến Tre giá nước ngọt lên 160.000 đồng/m3), thì hồ đã đóng góp 20 tỉ đồng. “Đó là tài sản nằm ở hồ nước ngọt”, ông Liêm nhấn mạnh và cho rằng đây là điều “tốt đẹp” minh chứng được hiệu quả đầu tư của hồ chứa nước ngọt kênh Lấp.

Đề xuất làm thêm hồ quy mô lớn hơn

Thông tin tại buổi họp báo, ông Liêm cho biết, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt đầu tư xây dựng dự án hồ trữ nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với tổng vốn đầu tư trên 352 tỉ đồng.

Theo đó, nguồn vốn đầu cho dự án nêu trên dự kiến từ ngồn ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Theo báo cáo đề xuất, dự án thuộc nhóm B do UBND tỉnh Bến Tre cấp quyết định chủ trương/quyết định đầu tư dự án. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, có thời gian thực hiện từ năm 2021-2025.

Mục tiêu chính của việc đầu tư dự án nêu trên được xác định là nhằm tạo nguồn trữ ngọt hỗ trợ cho các đối tượng trong vùng dự án khai thác bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất trong suốt mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm) trước nguy cơ hạn mặn ngày càng cao.

Mặt khác, việc đầu tư dự án cũng nhằm tạo hồ để trữ ngọt, đáp ứng yêu cầu nước tối thiểu phục vụ đời sống cho người dân, nước uống cho gia súc, nước sinh hoạt cho trụ sở, văn phòng, trường học, trạm xá và hoạt động sản xuất của các cơ sở dịch vụ kinh tế, tiểu thủ công nghiệp trong huyện ngay trong mùa khô và trong tình hình hệ thống thủy lợi ngăn mặn của tỉnh chưa hoàn chỉnh…

Được biết, tổng dung tích hữu ích của hồ (ứng với mực nước chết âm 1,5 mét) là 1,3 triệu m³ và điều này được xác định dựa trên nhu cầu nước sinh hoạt, ăn uống của 59.545 dân trong huyện Ba Tri; nước uống cho 149.714 gia súc; nước hoạt động cho 340 cơ sở kinh tế, tiểu thủ công nghiệp; nước cho 255 phòng trạm xá, trường học, trụ sở cơ quan và lượng thất thoát do thấm, bốc hơi bằng 20% tổng nhu cầu sử dụng nước.

Từ nhu cầu nói trên, báo cáo đề xuất đưa ra ba phương án quy hoạch sử dụng đất khu Lạc Địa để đầu tư dự án và phương án 1 được ưu tiên lựa chọn.

Theo đó, với phương này, tổng diện tích khu đất là 121,16 héc ta, bao gồm khu dân cư tập trung 10 héc ta; khu di tích lịch sử- văn hóa 13,5 héc ta và hồ nước ngọt là 97,66 héc ta (gồm hỗ trữ ngọt 56,7 héc ta, đất giao thông 10,56 héc ta và còn lại là đất cây canh, khu du lịch sinh thái).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới