Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hòa Bình mời gọi đầu tư vào bất động sản du lịch

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hòa Bình đang kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến tỉnh này khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” do Reatimes và VIRES tổ chức vào chiều ngày 5-1.

Tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” do Reatimes và VIRES tổ chức vào chiều ngày 5-1, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho hay, sở này rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đến Hòa Bình để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, doanh nghiệp và tỉnh Hòa Bình.

Ông Trường cho biết, với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi, giá trị của bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên đẹp và môi trường trong lành, tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch.

“Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch,” ông Trường nói.

Được biết Hòa Bình đang muốn phát huy tối đa các lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến an toàn, điểm đến xanh, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vẫn theo ông Trường, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, tỉnh Hoà Bình đang huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp khách du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến  nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Ông Trường cho biết trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 héc ta. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Với những lợi thế sẵn có, Hòa Bình là lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình...

“Hiện Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư”, ông Trường cho hay.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô cho rằng Hòa Bình là địa bàn tiềm năng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Đó là lý do mà dù dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh nhưng năm 2021, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vẫn trở thành điểm sáng trên thị trường. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã thổi bùng nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô với dòng sản phẩm ngôi nhà thứ hai, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Và Hòa Bình hội tụ đầy đủ các lợi thế để đón đầu xu hướng này.

“Có thể ví von rằng, mức tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình như một cơn áp thấp nhiệt đới đang tiến vào biển, dịch Covid-19 đã khiến cơn áp thấp đó trở thành cơn bão lớn. Nhu cầu đầu tư tăng rất nhanh khi 8 triệu người dân Hà Nội đã ý thức trong đầu rằng, họ cần một nơi để nghỉ dưỡng khi Thủ đô đã quá ngột ngạt,” ông Trung nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, trước áp lực về môi trường, công việc và cuộc sống, xu hướng du lịch, nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên, gắn với chăm sóc sức khỏe đang được người dân Thủ đô lựa chọn nhiều nhất. Với lợi thế cận kề Hà Nội và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng, Hòa Bình đang có cơ hội bứt phá trở thành vùng trũng của bất động sản nghỉ dưỡng miền Bắc, chắc chắn những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược không thể bỏ qua.

Dự án bất động sản nghỉ dưỡng Sakana Hòa Bình. Ảnh: DNCC

Hoà Bình cần làm gì để phát triển bất động sản du lịch

Ông Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Hòa Bình đang có cơ hội trỗi dậy trong phát triển thị trường bất động sản. Muốn nắm bắt được các cơ hội bứt phá, cơ quan quản lý của tỉnh Hòa Bình cần có một văn bản có tính pháp lý cao về quan điểm, chủ trương, định hướng về nắm bắt cơ hội này để định hướng cho các chủ thể thực hiện, hành động.

Bên cạnh đó, theo ông Chung, có hai phân mảng bất động sản du lịch Hòa Bình cần chú trọng, nắm bắt và hiện thực. Thứ nhất là bất động sản du lịch tập trung. Cần xây dựng thương hiệu du lịch du lịch Hòa Bình thông qua một, một vài dự án tập trung, quy mô, mang dấu ấn đặc trưng của Hòa Bình. Có thể là văn hóa Mường; có thể là du lịch lòng hồ thủy điện sông Đà và các cảnh quan liên quan; có thể khai thác đặc sản nước khoáng nóng và ẩm thực Hòa Bình… Thứ hai, mở rộng phát triển du lịch phi tập trung trên địa bàn Hòa Bình. Khai thác các lợi thế làng bản… để tạo lập thương hiệu du lịch nhân dân, xã hội Hòa Bình.

“Để phát huy được những lợi thế cảnh quan thiên nhiên, địa lý, khí hậu và giao thông mang lại, tạo ra lực hấp dẫn mới trong phát triển thị trường bất động sản tỉnh Hòa Bình trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa đồng bộ các giải pháp chính sách hiện nay. Từ đó tháo gỡ các nút thắt, tạo điểm sáng, sinh lực mới cho thị trường và thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh”, ông Chung nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Thành Trung thì cho rằng doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô hiện nay đang hướng đến đảm bảo các giá trị bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững phụ thuộc rất nhiều vào tầm vóc của chủ đầu tư và đơn vị phát triển, vận hành dự án để có thể đáp ứng được hệ thống các quy chuẩn khắt khe, đồng thời đưa dịch vụ lưu trú trong nước hướng tới một giá trị bền vững và chuyên nghiệp.

Thời gian gần đây, Hòa Bình có sự xuất hiện của Best Western - Top 10 tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới quản lý dự án bất động sản nghỉ dưỡng Sakana Hoa Binh. Là một trong những dự án tiên phong khi phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô gắn với giá trị bền vững, Sakana Hòa Bình là một khu nghỉ dưỡng 5 sao mang đậm dấu ấn Việt với nhà Tổ chim, biệt thự nhà Nón, biệt thự nhà Nơm, biệt thự nhà Rông...

Các chuyên gia cho rằng Hoà Bình cần quan tâm đến câu chuyện quy hoạch theo hướng ổn định, dài hạn, đảm bảo tính kết nối vùng, bảo vệ lợi ích của người dân bản địa, của du khách và quan tâm đến yếu tố môi trường, gắn với giữ gìn bản sắc.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân thủ đô và xa hơn là du khách quốc tế, thì chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể, để vừa trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, vừa cân bằng với việc bảo tồn thiên nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới