Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hóa giải ‘ma trận’ sở hữu chéo ngân hàng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Muốn xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo ngân hàng, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm quản lý dòng tiền luân chuyển trong hệ thống và nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Yếu tố này giúp xác định rõ cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối và ảnh hưởng đến việc ra quyết định tại mỗi ngân hàng.

Vẫn khó ứng phó với sở hữu chéo

Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, các ngân hàng phải công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên từ ngày 1-8-2024. Đối chiếu danh sách này, có không ít doanh nghiệp trên tuổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Việc kiểm soát dòng tiền luân chuyển trong hệ thống và nguồn tiền góp vốn sẽ giúp cơ quan quản lý ứng phó tốt hơn với rủi ro sở hữu chéo ngân hàng. Ảnh: LÊ VŨ

Chẳng hạn, tại MSB, một số đơn vị liên quan tới ROX Group (trước đây là TNG Holdings - PV) như ROX Key Holdings, ROX Cons lần lượt nắm 2,43%, 1,87% vốn điều lệ ngân hàng.

Tại ABBank, cổ đông tổ chức là Tập đoàn Geleximco và những người có liên quan lần lượt nắm giữ 12,78% và 4,65% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Glexhomes, một đơn vị do Geleximco thành lập, nắm giữ 4,43% cổ phần.

Đáng chú ý, tại Eximbank, cổ đông tổ chức là Công ty cổ phần tập đoàn GELEX chủ động tăng tỷ lệ vốn nắm giữ từ 4,9% lên 10%, qua việc mua thêm 89 triệu cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán trong ngày 7 và 8-8. Công ty chứng khoán VIX, một cổ đông của GELEX cũng nắm giữ 3,58% vốn tại ngân hàng.

Bình luận về động thái trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc quy định ngân hàng phải công bố danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ là cần thiết. Với quy mô vốn khoảng 24.000-80.000 tỉ đồng và không ngừng gia tăng sau mỗi năm thì 1% vốn cũng có giá trị khoảng hàng trăm tỉ đồng. Việc minh bạch nhóm “cổ đông quyền lực” sẽ góp phần hỗ trợ việc giám sát, phòng ngừa tình trạng đứng tên hộ, đầu tư “núp bóng”.

“Việc này góp phần hạn chế tình trạng sở hữu chéo và cao hơn là nguy cơ thao túng ngân hàng”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý việc kiểm soát sở hữu tại các ngân hàng là điều không dễ dàng bởi các ông/bà chủ nắm quyền chi phối có thể “ẩn mình” bằng cách nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần. Điển hình là trương hợp xảy ra tại SCB - Vạn Thịnh Phát.

“Những khe hở hữu hình đã được bịt bằng quy định giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, công khai cổ đông sở hữu từ 1% trở lên và mở rộng đối tượng là người có liên quan. Thế nhưng những khe hở vô hình chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, nhất là những người chủ thực sự của ngân hàng”, ông Đức nói.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng từng chỉ rõ tình trạng ông/bà chủ thực sự của ngân hàng thông qua nhiều người quen biết, lập hàng trăm công ty con để nắm cổ phần chi phối, vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Theo ông, tại các quốc gia phát triển, một tập đoàn lớn chỉ sở hữu một số công ty con nhưng tại Việt Nam, một doanh nghiệp có thể sở hữu/chi phối có hàng trăm công ty con/liên kết, thậm chí công ty cháu, chắt.

Dẫn chứng vụ việc xảy ra tại SCB - Vạn Thịnh Phát, với 762 doanh nghiệp liên quan, ông Cường đánh giá, đây là con số quá lớn, đủ sức lũng đoạn ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản. Do đó, cơ quan soạn thảo luật và quản lý cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định pháp luật hay trong chính tổ chức thực thi.

“Tỷ lệ sở hữu thực tại các ngân hàng được che dấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt”, ông nói và nêu thực trạng chưa có quy định để kiểm soát các tập đoàn có mối liên hệ mất thiết với ngân hàng.

Trước đó, tại một toạ đàm, Tiến sĩ Lê Đạt Chí dẫn chứng, một công ty có vốn 5 tỉ đồng đã mua cổ phần từ một ông chủ - là người sáng lập một ngân hàng với giá trị hàng nghìn đồng mà không cần vốn. Thủ thuật được áp dụng là lấy khoản tiền vay từ ngân hàng khác thông qua một tổ chức, sau đó thế chấp bằng chính cổ phần ngân hàng đã mua.

“Họ trở thành cổ đông lớn của ngân hàng mà không cần vốn. Thậm chí, có tài sản đem đi thế chấp 5 năm nhưng quyền sở hữu nó vẫn còn trong khi vốn thật sự ở trong ngân hàng không còn”, ông Chí phân tích.

Cần hợp tác nhiều bên để xử lý

Đánh giá tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thì không khó nhưng để chỉ mặt, đặt tên từng trường hợp thì rất khó. Do đó, nhiều đại biểu và chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp của nhiều bên để giải quyết hiệu quả vấn đề.

Sự việc tại SCB đã gây làm ảnh hưởng không nhỏ tới lòng tin của ngành ngân hàng và thị trường vốn. Ảnh: Lê Vũ

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế) cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo Mỹ trong việc thành lập Hội đồng Giám sát ổn định Tài chính (FSOC), có chức năng giám sát độc lập với các cơ quan thuộc Chính phủ thay vì trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và chính các tổ chức tín dụng, cụ thể là với các thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban giám đốc, ban điều hành và ban kiểm soát.

“Thành viên ban kiểm soát phải có năng lực, phải độc lập. Đây là chốt chặn cuối cùng nhưng thời gian qua chốt chặn cuối cùng này chưa được hiệu quả lắm”, đại biểu Nam đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, tăng cường thanh tra và giám sát là cần thiết. Các cơ quan này phải vào cuộc khi có hiện tượng, biểu hiện bất thường.

Tuy nhiên, không thể quá đặt nặng khâu này mà cần phát huy vai trò của Ban kiểm soát và tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập tại các tổ chức tín dụng. “Vai trò của ban này rất quan trọng, phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời với hội đồng quản trị, thậm chí báo cáo Ngân hàng Nhà nước về các vi phạm của hội đồng”, ông Hùng nói.

Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị, cần công khai tất cả danh sách cổ đông thay vì tỷ lệ sở hữu 1% mới công bố thông tin vì chỉ có công khai minh bạch thì mới thực sự giám sát được. Các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã khá rõ ràng và chặt chẽ nên có thể khắc phục được phần nào tình trạng thao túng hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng luôn được khống chế rất chặt nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để các vụ án thao túng.

Do đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường để bảo đảm quy định được thực thi đúng.

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới