Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hóa giải ‘năm của thủy thần’

Sơn Tùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong lúc thực hiện hô hấp nhân tạo cứu sống các nạn nhân đuối nước ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sáng Chủ nhật 10-4, chắc chắn trung úy công an Thái Ngô Hiếu không kịp suy nghĩ gì ngoài chuyện phải cố gắng hết sức cứu người trong cơn nguy cấp. Nhưng chỉ vài ngày sau, anh Hiếu trở nên nổi tiếng không khác gì một anh hùng quốc gia khi tin tức và hình ảnh về mình phủ sóng truyền thông.

Anh Hiếu, nay đã được Bộ Công an thăng cấp đại úy, liên tục nhận được khen ngợi từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Công an. Chính phủ cũng đã gửi tờ trình lên Chủ tịch nước nhằm tặng Huân chương Dũng cảm cho anh. Đại úy Thái Ngô Hiếu hoàn toàn xứng đáng với các khen thưởng anh đã nhận.

Nhưng cùng Chủ nhật hôm 10-4, ba học sinh (15, 12 và 10 tuổi) ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk, không may mắn như các nạn nhân được anh Hiếu cứu giúp. Trong khi bắt ốc ở một hồ nước, cả ba không may rơi vào khu vực nước sâu và ra đi vĩnh viễn(1).

Chỉ sáu ngày trước, ngày 4-4, năm học sinh lớp 6 ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, rủ nhau đi tắm sông bị đuối nước cũng không thể trở về với gia đình các em(2).

Trước đó một ngày, ngày 3-4, một nhóm học sinh ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đến hồ thủy lợi chơi đùa. Thêm một lần nữa, thủy thần đã cướp đi sinh mạng của bốn nữ sinh lớp 7. Danh sách các nạn nhân của thủy thần trong ngày hôm đó chưa dừng lại ở con số bốn sau khi thi thể một phụ nữ 36 tuổi bị đuối nước ở Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, được tìm thấy cùng ngày(3).

Một người bạn liên tưởng đến các vụ hỏa hoạn ở chung cư mấy năm trước đây gây tổn thất nhân mạng đáng kể, gọi đó là “năm của hỏa thần”, và rồi bạn ấy tự hỏi phải chăng với một loạt tai nạn đuối nước vừa qua, phải chăng năm nay là “năm của thủy thần”?

Dĩ nhiên, không phải như thế. “Thủy thần”, “hỏa thần” chỉ là những câu chuyện dân gian. Trên thực tế, thủy tai và hỏa tai là những tai nạn khó tránh khỏi hoàn toàn trong cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều tai nạn đuối nước thương tâm liên tục trong những ngày đầu tháng 4 năm nay làm mất mạng nhiều người - trong đó phần lớn là học sinh - là một vấn đề cần được xã hội quan tâm đúng mực.

Trước hết, thủy tai xảy đến cho chín nạn nhân trong số các trường hợp nêu trên có cùng một kịch bản. Các em được nghỉ học bất ngờ, thích thú rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ. Thế là tai nạn ập đến. Dù đối với gia đình các nạn nhân, không gì có thể bù được mất mát kinh khủng đó, cũng khó không có lời trách rằng các em ra đi một phần vì thiếu sự theo dõi cần thiết của người lớn. Vẫn biết, ai cũng quá bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng chỉ cần một sự quan tâm sát sao hơn đúng lúc, biết đâu có thể tránh được tai nạn thương tâm, hối cả đời cũng không nguôi.

Thứ đến là vấn đề trách nhiệm của cộng đồng. Dù chuyện thủy tai đã được nhắc đến nhàm tai, nhưng vấn đề này chưa bao giờ được kiên trì giải quyết rốt ráo. Đó là phổ cập kỹ năng bơi cho học sinh. Bơi lội không chỉ là một môn thể thao mà nên và cần trở thành một kỹ năng sống của mọi công dân Việt Nam. Trước đây, cũng đã từng xảy ra “năm của thủy thần” khi tai nạn đuối nước ở trẻ em tăng cao. Phong trào dạy bơi cũng tăng cao theo, nhưng sau đó lắng xuống, chẳng thấy ai quan tâm gì mấy nữa. Nếu các cố gắng này đã thực sự trôi theo dòng nước, chúng ta sẽ khó có thể hóa giải điều dân gian gọi là “năm của thủy thần”.

Đến đây, xin bàn thêm một chuyện ngoài lề, không liên quan lắm đến “thủy thần”, nhưng cũng không kém phần ý nghĩa.

Chỉ một ngày trước khi đại úy Hiếu làm điều kỳ diệu ở Long Điền, một đồng bào của anh cũng đã làm một việc gần như tương tự. Trên đường đi qua cầu ở Hải Hậu, Nam Định, anh Nguyễn Văn Chính, 28 tuổi, nghe tiếng người đi đường kêu cứu cho một thiếu niên sắp chìm giữa dòng nước. Dù đang ở độ cao 30 mét so với mặt nước và lại là nơi gần cửa biển, anh Chính không ngần ngại lao xuống dòng nước sâu để cứu người. Chỉ khi một đoạn video lan truyền trên mạng về hành động dũng cảm đó, dân mạng và những người khác mới biết về anh Chính, một cựu quân nhân hải quân.

Ở đây chỉ xin lưu ý các cơ quan truyền thông đưa tin về hai vị anh hùng này. Trong hai nỗ lực cứu người như trên, thật khó nói anh Hiếu hay anh Chính, ai “anh hùng” hơn ai. Nhưng liều lượng đưa tin của truyền thông về hai vị anh hùng này khá là khác nhau. Vì sao? Vì anh Hiếu cứu được nhiều người hơn? Vì ngoài việc đưa người vào bờ, anh Hiếu còn thực hiện các thao tác hô hấp nhân tạo, nhờ vậy cứu sống họ?

Chắc cũng không sai. Nhưng cũng nên nhớ rằng, dù đang trong một chuyến đi phép, anh Hiếu vẫn là quân nhân tại ngũ và những gì anh làm không ngoài chuyên môn được huấn luyện cho một cán bộ công an chuyên trách phòng cháy-chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn. Có tờ báo mạng gọi anh là “anh hùng giữa đời thường”. Đúng, anh Hiếu xứng đáng được xem như một anh hùng, nhưng cuộc đời còn có rất nhiều anh hùng giữa đời thường thực sự. Họ rất xứng đáng được công nhận và ca ngợi bởi giới truyền thông theo cách đã làm với anh Hiếu, chứ không phải chỉ với một tin ngắn vài dòng, đọc xong rồi quên.

Chẳng hạn, ngày 30-3, UBND huyên Gio Linh, Quảng Trị, đã tặng giấy khen cho ông Võ Quang Nghĩa, 45 tuổi, vì “đã tích cực cứu người đuối nước”(4). Ông Nghĩa kể với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng ngày 27-3, từ trên bãi cát, ông thấy một nhóm bốn thanh niên đang bơi dưới biển có biểu hiện đuối nước. Hai người trong nhóm bơi được vào bờ, nhưng hai người còn lại chìm dần dưới các đợt sóng. Không kịp mặc áo phao, ông Nghĩa lao xuống biển, cứu được một người vào bãi cát. Khi ông quay trở ra biển với áo phao, người kia đã chìm. Sau đó, cùng với nhiều người khác hỗ trợ, ông Nghĩa cũng mang được nạn nhân lên bờ, nhưng đã quá muộn.

“Sợ thì cũng có sợ. Nhưng thấy chết không thể không cứu”, ông Nghĩa nói với phóng viên(5). Ông không phải là công an cứu hộ-cứu nạn, cũng không phải là cựu lính hải quân, mà là chủ một quán ăn trên bãi biển. Ông nói mình cứu người vì tình người.

Cũng như cách ứng xử nên có của báo chí, về phía chính quyền, những anh hùng giữa đời thường thực sự như ông Nghĩa xứng đáng được tuyên dương mạnh mẽ hơn nữa vì đó không phải là lần đầu tiên ông Nghĩa cứu mạng người. “Nhờ có ông Nghĩa mà nhiều người được cứu khi tắm biển”, lãnh đạo huyện Gio Linh cho biết. Nếu thực sự như thế, ông Nghĩa cũng xứng đáng được biểu dương không kém anh Hiếu, chứ không phải chỉ có bằng khen của ủy ban huyện. Nếu anh Hiếu đã xứng đáng nhận Huân chương Dũng cảm, chắc nhiều người nghĩ ông Nghĩa cũng vậy.

Hàng năm, một số địa phương chọn ra các gương mặt tiêu biểu cho địa phương mình trong năm. Các gương mặt này - phần nhiều là người từ các cơ quan, đoàn thể nhà nước - đều rất xứng đáng. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể dành ra vài chỗ cho những anh hùng giữa đời thường thực sự, nếu có, trong một năm (như anh Chính, ông Nghĩa) để nhiều người biết đến họ hơn và để tấm gương nhân ái - hy sinh của họ có thể lan tỏa rộng hơn, mạnh mẽ hơn trong các cộng đồng tại Việt Nam.

--------------

(1)https://congly.vn/ba-hoc-sinh-duoi-nuoc-thuong-tam-khi-di-bat-oc-205988.html

(2)https://vnexpress.net/nam-nu-sinh-duoi-nuoc-4447568.html

(3)https://vnexpress.net/sau-nguoi-bi-duoi-nuoc-4446974.html

(4),(5)https://tuoitre.vn/chu-quan-hai-san-cuu-nguoi-duoi-nuoc-tren-bien-cua-viet-20220330113611088.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Thái Ngô Hiếu xứng đáng được ghi nhận biểu dương. Lâu nay ta vẫn chứng kiến việc khen thưởng thường xuyên cho các tập thể/ chiến sĩ công an mỗi khi phá án, bắt cướp, trừ gian… Nhưng dù sao đó cũng chỉ là làm đúng vai trò, chức phận bình thường của người công chức nhà nước. Không nên tạo ra tiền lệ. Làm sao để mọi người đều có thể được ghi nhận công lao kịp thời, khen thưởng đúng nơi đúng lúc, đúng công trạng đặc biệt, sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa cao cho cuộc đời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới