Hỏa mù
Nguyễn Phán
(KTSG) - Truyện kể rằng thời nhà Tống, có một vị quan mỗi khi nhàn rỗi thường ngồi ở bàn trà để quan sát người qua lại và mọi hoạt động trên phố. Một ngày nọ, ông quan sát thấy có một nhóm người khả nghi đi lại trước cửa tiệm vải. Một trong số đó tiến lại và nói với ông rằng: “Chúng tôi là ăn trộm và chúng tôi tới đây để trộm tiệm vải này. Vì ông nhìn thấy nên chúng tôi muốn ông đừng nói về chuyện này cho ai biết”. “Chuyện này chẳng liên quan tới tôi,” ông quan trả lời. Tên trộm cảm ơn và bỏ đi.
Vị quan này tự nhủ: “Nếu những tên trộm này có thể cuỗm tất cả giữa ban ngày thì quả thực là đạo chích thiên tài”. Thế là ông chú tâm quan sát xem lũ trộm này sẽ làm thế nào. Nhưng những gì ông thấy chỉ là những người đó đi đi lại lại trước cửa tiệm vải. Vị quan này ngồi tới khi mặt trời lặn, khi ông quay về phòng để ăn thì phát hiện ra toàn bộ đồ đạc trong phòng mình đã biến mất...
Tại sao câu chuyện trên lại liên quan tới tài chính?! Trước hết chúng ta sẽ nhìn định nghĩa Modern Monetary Theory (MMT) của Stephanie Kelton, cựu tư vấn kinh tế của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2016, ông B.Sanders. Để dễ dàng hiểu định nghĩa này hãy nhìn vào những tấm hình dưới đây.
Theo như hình 1 thì vòi nước là chính sách công của chính phủ, nước là tiền lưu thông trong xã hội, chốt khóa nước là chính sách thuế. Chính quyền sẽ kiểm soát dòng tiền chảy trong nền kinh tế. Chính quyền cũng sẽ tiêu tiền song song với khối tư nhân vào nền kinh tế bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình phúc lợi xã hội, hoặc thậm chí trợ cấp cho nông nghiệp. Khi dòng tiền bắt đầu chảy như nước ở hình trên, tùy thuộc vào tốc độ của nó, bồn nước sẽ bắt đầu đầy lên và tạo hiệu ứng lạm phát như hình dưới đây.
Khi bồn nước bị tràn, chính quyền có thể sử dụng hai biện pháp để kiềm chế lạm phát: hoặc tăng thuế, hoặc ngắt dòng tiền chảy vào xã hội. Đây là cách giải thích tối giản về cái nhìn chi tiêu công. Nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần và phức tạp hơn những gì được vẽ trong các hình ở trên. Một vấn đề mà hình thức MMT thường ít đề cập tới đó là dòng tiền từ khối tư nhân.
Chính quyền có thể điều khiển dòng tiền mà họ muốn bơm vào nền kinh tế, nhưng chính quyền không thể kiểm soát dòng tiền mà khối tư nhân lưu thông trong nền kinh tế.
Khi khả năng tiêu thụ tín dụng ở Mỹ không tăng như dự kiến, những nhà phân tích kinh tế thường chỉ ra các yếu tố giảm phát 3D: Nợ (Debt), Dân số (Demographic) và Công nghệ (Deflationary technology). 3D làm cho khả năng tạo lạm phát trở nên khó khăn, thậm chí còn làm nền kinh tế đi vào giảm phát. Cả ba yếu tố này làm cho bồn nước ở hình minh họa trên trở nên to hơn, qua đó khó nâng lạm phát hơn. Tuy nhiên, vấn đề dân số có thể nhìn theo góc nhìn của sự giàu có, vì góc nhìn này mang lại lạm phát về lâu dài.
Nếu nhìn vào tài sản của người Mỹ hơn 70 tuổi tính từ năm 1990 trên phần trăm GDP, thì hiện tại họ đang nắm giữ 35.000 tỉ đô la Mỹ. Nếu nhìn rộng ra, người già ở Mỹ sẽ để lại khối tài sản này cho con cháu của họ, tạo động lực lạm phát nếu khối tài sản này được tiêu vào nền kinh tế trong tương lai. Nhưng hiện tại thì chưa.
Nhắc đến thế hệ, hiện tại ở Mỹ đang diễn ra sự đấu tranh của hai ý thức hệ. Một là giữa thế hệ millennials mà nổi tiếng nhất là đại diện đảng Dân chủ thành phố New York, bà Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) và thế hệ boomer, đại diện bởi bộ ba cứu nền kinh tế Mỹ góp mặt trên tờ Times: Alan Greenspan, Robert Rubin, và Larry Summers. Kể cả chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện tại Jerome Powell cũng thuộc thế hệ boomer.
Ngày 14-7-2021, ông J. Powell đã phải điều trần trước quốc hội với sự góp mặt của bà Alexandria Ocasio-Cortez. Khi đại diện New York liên tục đối chất với J. Powell về các quyết định lãi suất mà bà cho rằng đang tạo ra nhiều bất lợi cho người dân Mỹ, thì Chủ tịch Fed bảo vệ luận điểm của mình khi ông nói rằng thâm hụt ngân sách đến từ chính sách MMT sẽ có hệ lụy khôn lường. Hiện tại thị trường đang nhìn thấy một J. Powell rất thân thiện với nhà đầu tư. Ít nhất là tới khi cuộc họp Fed tháng 6 vừa qua.
Hình 3 cho thấy sự thay đổi về ý kiến nâng lãi suất của các thành viên Fed liên bang, với các chấm vàng là thay đổi trong cuộc họp tháng 6 so với các chấm nâu là quyết định trong cuộc họp tháng 3. Trong đó, có gần hai phần ba số thành viên cho rằng Fed phải nâng lãi suất vào đầu năm 2023, tức là sớm hơn dự kiến so với quan điểm vào cuộc họp tháng 3.
Thị trường trái phiếu ngày 17-6 đã có phản ứng. Trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm và 30 năm giảm mạnh, lợi suất trái phiếu hai năm và năm năm bật cao. Khi đường cong lợi suất bị phẳng hoặc có phần đầu (bao gồm trái phiếu ngắn hạn) cao hơn phần đuôi (bao gồm trái phiếu dài hạn), thì tức là thị trường trái phiếu đang báo hiệu suy thoái kinh tế đang đến gần.
Nếu vậy, thị trường đang lên tiếng với J. Powell rằng chính sách dot plot báo hiệu nâng lãi suất của ông sẽ phản tác dụng vì nền kinh tế còn yếu. Nhưng không phải J. Powell không biết rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Nhiệm vụ của Fed bao gồm hạ mức thất nghiệp ở Mỹ xuống thấp nhất có thể và bảo đảm giá cả ổn định. Trong khi chỉ số thất nghiệp ở Mỹ chưa quay lại ngưỡng trước thềm đại dịch, thì chỉ số giá trong vòng sáu tháng ở Mỹ cho thấy lạm phát đang vượt ngưỡng lên cao hơn trong vòng... 20 năm.
Hơn ai hết, những người thuộc thế hệ boomer như J.Powell hiểu được áp lực lạm phát sẽ làm cho cuộc sống người nghèo trở nên cực kỳ khó khăn. Trước áp lực lạm phát, J. Powell đã phải sử dụng tới biểu đồ dot plot để thông báo ý định nâng lãi suất để thị trường hiểu rằng Fed đang theo dõi tình hình lạm phát và sẵn sàng “đạp thắng” lúc cần. Thị trường sau đó đã nhận tín hiệu này và bán tháo tất cả những gì liên quan tới lạm phát: khoáng sản, nguyên vật liệu, và nhất là vàng. Đô la Mỹ mạnh lên, và khối nước ngoài quay lại mua trái phiếu Mỹ.
Bàn về thành công trong việc kiểm soát lạm phát của chính sách dot plot sẽ là vấn đề gây tranh cãi, khi chính Chủ tịch Fed J.Powell điều trần trước Quốc hội ngày 14-7 rằng lạm phát mạnh hơn dự kiến và ông không nghĩ hiện tại là thời điểm để dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE). Đến cả Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, bà Janet Yellen phải công nhận rằng tình trạng lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến...
Nhưng có một điểm mà cả J.Yellen và J.Powell đều không bàn đến, đó là tài khoản của Bộ Ngân khố ở Fed đang bị rút rất nhanh để phục vụ cho việc trả nợ trái phiếu hoặc phục vụ chính sách chi tiêu công. Bộ Ngân khố cần phải ấn hành trái phiếu và đấu giá để gây vốn cho hoạt động tiếp theo của mình.
Nếu lợi suất trái phiếu quá cao, Bộ Ngân khố sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lãi suất. Và hành động tấn công lạm phát của J.Powell làm cho lợi suất giảm là cơ hội để Bộ Ngân khố ấn hành trái phiếu với lãi suất nằm dưới mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Mà điều đó đồng nghĩa với những ai mua trái phiếu dài hạn thời điểm này sẽ nhìn thấy giá trị lãi suất của mình giảm mạnh.
Nếu thay cửa hàng vải trong câu chuyện ở trên là vàng hay khoáng sản, tên trộm là chính sách dot plot, còn nhà đầu tư trái phiếu là vị quan, thì khối tài sản bị mất sẽ không phải là vàng hay khoáng sản khi mọi người chú ý vào chính sách dot plot, mà là những trái phiếu dài hạn hiện tại. J.Powell hiểu về MMT.
Ông cũng biết được lý trí chính trị của những người thuộc thế hệ millennials. Powell nắm rất rõ tình hình thị trường và lạm phát hiện tại. Ông còn biết được Bộ Ngân khố đang cần thêm vốn để tiếp tục chính sách chi tiêu công của mình. Hành động sử dụng dot plot của J. Powell gần như đã đạt được kết quả mỹ mãn khi kiềm chế một phần lạm phát và đánh rớt lãi suất cho Bộ Ngân khố, trong lúc Fed vẫn tiếp tục mua 120 tỉ đô la trái phiếu các loại mỗi tuần để nâng đỡ thị trường.
Nghe có vẻ hoang đường và tất cả như một thuyết âm mưu, nhưng ít ai để ý đến một chi tiết cực kỳ quan trọng nằm ở ngân sách Nhà Trắng. Hãy nhìn vào phần bôi đỏ ở hình 4 và tự hỏi tại sao chi phí trả lãi suất thực lại âm. Vì bây giờ bạn đã hiểu tại sao Nga không còn đô la Mỹ là tài sản dự trữ và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đẩy nhanh tiền ảo của mình. J.Powell không lừa ai cả, chính nhà đầu tư muốn thế. Hãy để họ tự nhận rủi ro.
Mọi câu hỏi xin gửi về: slumdogmarket@outlook.com
Facebook QTMacro: www.facebook.com/SlumdogMarket
Substack: https://qtmacro.substack.com/
(*) Dot plot là biểu đồ gồm các dấu chấm, thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong FOMC về mức lãi suất của Fed tại một mốc thời điểm nào đó. Dựa vào biểu đồ dot plot, thị trường có thể đoán định được các thành viên FOMC đang có cái nhìn thế nào về lãi suất.