Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoài Ân – làng nghề ‘ăn cơm đứng’ thời nay

Thu Dịu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần 10 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định hồi sinh. Nghề cũ “sống lại” không những giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà đã góp phần phục hồi một làng nghề truyền thống, tưởng chừng đã mai một.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân từng bước khôi phục, hướng tới xây dựng và phát triển làng nghề. Ảnh: Thu Dịu

“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” - câu tục ngữ ấy phần nào gói ghém những khó khăn, vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nuôi tằm theo kiểu cũ, người dân phải trải qua đầy đủ các công đoạn từ lúc ấp tằm trứng cho tới lúc tằm lớn và thu kén trong thời gian 21 ngày. Với kiểu nuôi này, cứ cách 1-2 giờ đồng hồ lại làm vệ sinh thay tằm sang nong khác; cách 3 giờ đồng hồ sẽ cho tằm ăn một lượt. Riêng việc hái lá dâu đã “ngốn” gần 2-3 công lao động trong nhiều giờ mới đủ cho tằm ăn… Tất bật hối hả là vậy, khoảng thời gian từ năm 2000-2005, nghề trồng dâu nuôi tằm gần như biến mất khỏi vùng trung du này.

Áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới

Đầu tháng 3, đi về những bãi bồi dọc sông An Lão chạy qua các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín của huyện Hoài Ân đã thấy những nương dâu xanh chạy dài tít tắp, uốn lượn cùng sông. Gió chiều mát rượi thổi từ sông len qua các bãi dâu. Tôi theo chân vợ chồng anh Tống Thái Nghiệp (43 tuổi) và chị Đỗ Thị Phượng (37 tuổi) ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân - một trong những gia đình có nghề nuôi tằm trên ba đời và quy mô nuôi thuộc hàng lớn nhất nhì ở địa phương cùng làm cùng ở với nghề “ăn cơm đứng” thời nay.

Với diện tích 2,5 héc ta đất ven sông, gia đình anh Nghiệp đầu tư trồng các giống dâu mới, các giống dâu lai, các ruộng dâu trồng xen canh gối vụ dùng cho việc nuôi tằm từ tháng 1 đến tháng 10 hàng năm. Nhờ có nguồn dâu tươi ổn định, trung bình mỗi tháng gia đình anh nuôi hai hộp kén, sản lượng khoảng 45-50 ki lô gam/1 hộp trứng.

Nhận thấy nhu cầu kén tăng lên, năm 2020, gia đình anh Nghiệp - chị Phượng chủ động đăng ký tham gia mô hình trồng giống dâu mới và áp dụng kỹ thuật nuôi tằm hai giai đoạn. Đây là mô hình do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân chuyển giao kỹ thuật.

Theo lời chị Phượng, nhờ quy trình nuôi tằm hai giai đoạn này, gia đình chị tiết kiệm được tối đa chi phí, hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình nuôi. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, cùng với đó là đầu tư các giống dâu mới năng suất cao mà mỗi tháng gia đình chị nuôi được hai hộp trứng, sản lượng gần 100 ki lô gam kén/tháng; giá bán trung bình từ 130.000-150.000 đồng/ki lô gam, thu được 20-25 triệu đồng/tháng.

“Không có nghề gì, nuôi con gì mà lợi nhuận cao như con tằm ở vùng đất này. Một năm nuôi 10 tháng, bình quân giá kén ở mức trên 100.000 đồng/ki lô gam thì nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ giúp bà con chúng tôi thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”, chị Phượng nói.

Năm 2015, gia đình anh Nghiệp - chị Phượng lúc ấy thuộc diện hộ cận nghèo, được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hoài Ân. Họ đã đầu tư cả vào tằm, chăm chỉ trồng dâu nuôi tằm với sự trợ giúp về chuyên môn ở dự án khôi phục và phát triển nghề. Nhờ vậy mà cuộc sống ổn định dần.

Làng nghề hồi sinh

Ông Nguyễn Trung Phong, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông, khẳng định cuộc hồi sinh của nghề trồng dâu nuôi tằm trên quê hương là “cuộc cách mạng khoa học công nghệ” giúp vực dậy nghề cũ tưởng chừng đã mai một. Toàn bộ quá trình nuôi tằm hiện nay đều có sự tham gia của máy móc, công nghệ.

Nhờ kỹ thuật mới, người dân nơi đây chuyển sang áp dụng nuôi tằm 2 giai đoạn, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh. Trong ảnh: Chị Đỗ Thị Phượng kiểm tra những nong tằm sau khi cho ăn. Ảnh: Thu Dịu

Trước đây nuôi tằm một giai đoạn, người dân phải chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là giai đoạn ấp trứng tằm 1-3 tuổi - giai đoạn này tằm mẫn cảm với thời tiết, dễ bị bệnh. Nay thì với kỹ thuật nuôi hai giai đoạn, hầu hết người nuôi lấy trứng 3-5 tuổi về nuôi lấy kén. Đến kỳ thu hoạch, máy dập kén giúp bà con rút ngắn thời gian, đóng kén đẹp, hao hụt ít hơn so với trước. Đó là nói về nuôi tằm, còn với cây dâu, nhờ các giống mới, dâu lai cho năng suất gấp ba lần các giống cũ, sản lượng cao giúp người nuôi tăng gấp hai số lượng so với cách nuôi cũ.

Năm 2016, huyện trung du Hoài Ân đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực, cây trồng thế mạnh. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với cây trồng thế mạnh giai đoạn 2016-2020 là một bước ngoặt để hồi sinh nghề cũ. Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, cho biết: Đề án đã chọn các giống cây chủ lực, cây thế mạnh gồm trà, bưởi, tiêu, dâu tằm… để phát triển. Huyện dồn sức đầu tư cho các mô hình thí điểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ. Đến năm 2020, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có hơn 500 héc ta dâu dọc bãi bồi ven sông An Lão, riêng xã Ân Hảo Đông - cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm xưa kia - đã phục hồi và phát triển hơn 200 héc ta dâu. Toàn xã Ân Hảo Đông hiện có 120 hộ dân theo nghề.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng (56 tuổi) ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn và quan trọng là giá kén tằm những năm nay ở mức cao giúp bà con ổn định với nghề. Theo nghề gần 30 năm, những thăng trầm của nghề trồng dâu nuôi tằm gia đình ông đều kinh qua. Đỉnh điểm là khi giá kén rớt xuống vài chục ngàn đồng/ki lô gam, hàng chục gia đình trong xã Ân Hảo Đông trong đó có ông Hùng chặt bỏ những nương dâu, tìm cây trồng thay mới như đậu phộng, bắp…

“Năm 2015 đổ về trước, vùng dâu này xơ xác lắm, những nong kén xếp đầy trên sân, không còn những tiếng gọi nhau mỗi chiều trên bãi bồi hái dâu. Giá kén thấp, nuôi tằm kiểu cũ nhiều bệnh, giống dâu ta chăm sóc khó, lấy công làm lãi mà không bù được, nên nhiều gia đình như nhà tôi phải bỏ ruộng. Từ năm 2016 đến nay, nghề trồng dâu nuôi tằm có những khởi sắc, nhờ vậy mà bà con theo nghề trở lại. Nghề của cha ông được hồi sinh, lòng mình cũng nhen lên niềm vui, sự phấn chấn lạ thường”, ông Hùng tâm sự.

Giá kén tằm ở mức ổn định (130.000-150.000 đồng/ki lô gam) là yếu tố quan trọng để người dân duy trì nghề truyền thống. Nói như Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông Nguyễn Trung Phong, giá cả thị trường là yếu tố biến đổi bất thường, chúng ta không can thiệp được, song có thể hỗ trợ để người dân giảm tối đa chi phí, giảm rủi ro thiệt hại. Và trong công cuộc khôi phục nghề truyền thống, chính quyền đồng hành với người dân bằng việc đưa tới những giải pháp mới trong sản xuất dâu và chăm sóc dâu tằm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết, những năm qua, trung tâm thường xuyên mở các lớp học ngắn hạn, các lớp tập huấn chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, như kỹ thuật trồng dâu, kỹ thuật nuôi tằm hai giai đoạn. Đặc biệt, trong năm 2020-2022, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án khuyến nông “Xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật mới nhằm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại các tỉnh miền Trung” trên địa bàn xã Ân Hảo Đông, tổ chức chuyển giao kỹ thuật giúp bà con nhân dân tiếp cận các giống dâu mới, áp dụng những kỹ thuật mới trong nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng dâu và kén tằm tăng cao hơn so với trước.

Trăn trở bài toán giữ nghề

Cuối năm 2022, UBND xã Ân Hảo Đông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân xây dựng hồ sơ xét công nhận làng nghề theo Quyết định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho nghề trồng dâu nuôi tằm.

Đây là bước đi tiếp theo trong kế hoạch phục hồi, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống ở khu vực nông thôn. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân đã từng thịnh vượng, người dân nơi đây sản xuất khép kính: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Sau năm 1975, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh, khi ấy HTX Dâu tằm tơ Hoài Ân hình thành và có hàng trăm lao động làm việc. Trước những biến động của thị trường, nghề này có lúc phải dừng lại, tưởng chừng sẽ biến mất hoàn toàn. Từ năm 2016 đến nay, nhờ giá kén tằm tăng cao, người dân bắt đầu nhen nhóm hy vọng khôi phục nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Trung Phong, trong chuỗi sản xuất hiện nay thiếu các tổ hợp tác, các HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, dù có tín hiệu vui, song chính quyền cũng như người dân trăn trở với việc duy trì và phát triển nghề.

Ông Võ Duy Tín cho biết, trước mắt, trong năm 2023 huyện quy hoạch vùng trồng dâu và tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật trồng các giống dâu mới; đầu tư máy móc cho bà con trong chăm sóc tằm, đóng kén…

“Hiện tại nông dân thu kén bán cho thương lái trên địa bàn tỉnh và xuất đi các nơi. Giá kén đang ổn định nhưng với sự thay đổi của thị trường, các rủi ro tiềm ẩn vẫn còn. Để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng bền vững, ngoài việc đề nghị xem xét công nhận làng nghề, định hướng của huyện xúc tiến kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giúp bà con ổn định. Trong năm nay, huyện lên kế hoạch xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực (dự kiến quí 4-2023), trong đó giới thiệu mặt hàng kén tằm của Hoài Ân. Cùng với đó, một hướng mới nữa là kết hợp các mô hình khai thác du lịch nông nghiệp từ nghề trồng dâu nuôi tằm,giúp bà con yên tâm sản xuất”, ông Võ Duy Tín, nói thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới