Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để tháo ngòi ‘bom trái phiếu’ – góc nhìn từ Trung Quốc

Nguyễn Ngọc Phương Hồng - Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt giải pháp để tránh tình trạng vỡ nợ trái phiếu mang tính hệ thống của các doanh nghiệp phát hành. Trong số đó, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu được xem là một giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

“Bom nợ trái phiếu” trực chờ nổ

Tính đến tháng 11-2021, tổng số dư nợ trái phiếu của các công ty Trung Quốc đã tăng lên đến 8.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương với 44% GDP của nước này. Theo số liệu thống kê của Asia Development Bank tính đến tháng 9-2022, khoảng 1,35% doanh nghiệp phát hành không thể thu xếp nguồn tiền để thanh toán tiền gốc và lãi khi đến hạn.

Trong số đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đối mặt với nguy cơ vỡ nợ thuộc hàng cao nhất. Theo thống kê đã có ít nhất 11 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu kể từ khi những lo ngại Evergrande vỡ nợ bắt đầu gia tăng hồi tháng 6-2021.

Đầu tháng 12-2021, Công ty bất động sản Sunshine 100 China Holdings Ltd của Trung Quốc đã tuyên bố vỡ nợ một lô trái phiếu trị giá 179 triệu đô la Mỹ tiền gốc và hơn 8,9 triệu đô la Mỹ tiền lãi. Vài ngày sau đó, hai tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc là Evergrande và Kaisa cũng bị cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố chính thức xuống mức “vỡ nợ giới hạn - restricted default”.

Làn sóng vỡ nợ nói trên đã nhanh chóng tạo ra các lo lắng về nguy cơ “bom nợ” và hiệu ứng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Giải pháp tháo ngòi nổ - chuyển từ “bao cấp” sang định hướng “thị trường”

Mặc dù vỡ nợ trái phiếu là một hiện tượng bình thường của thị trường, tại Trung Quốc khoảng trước năm 2016, đây được xem là tình trạng không thể chấp nhận được trong vận hành các doanh nghiệp. Do đó trong một thời gian rất dài, thị trường trái phiếu Trung Quốc bị chi phối bởi việc mua lại cứng nhắc và các hoạt động tài trợ, bảo đảm ngầm từ phía nhà nước để đảm bảo không có tình trạng vỡ nợ xảy ra.

Tuy nhiên đến sau năm 2016, quan điểm của nhà nước Trung Quốc nói chung đã có nhiều sự thay đổi. Thay vì khởi kiện ra tòa, các phương án thương lượng độc lập dần được chú trọng bởi khả năng giải quyết nhanh chóng, hiệu quả xử lý cao hơn và chi phí xử lý thấp với tỷ lệ hoàn trả cao hơn.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp bao gồm gia hạn thanh toán, thực hiện các thỏa thuận thanh toán riêng với các trái chủ hoặc buộc các nhà đầu tư phải đưa ra đề nghị hoán đổi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các giải pháp được đặt ra hầu hết không hướng đến bảo lãnh cho những doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả mà là khuyến khích sự tự điều chỉnh của nền kinh tế, khuyến khích thỏa thuận tự giải quyết giữa doanh nghiệp và các trái chủ cũng như thúc đẩy cơ chế “thanh lọc” từ thị trường.

Theo đó, việc thương lượng sẽ được chủ động thực hiện giữa chủ nợ (tức là người nắm giữ trái phiếu) và con nợ (tức là tổ chức phát hành trái phiếu) để giải quyết vấn đề trả nợ gốc và lãi của trái phiếu. Trong quá trình này, các chủ thể có liên quan như người quản lý trái phiếu/người bảo lãnh trái phiếu cũng sẽ tham gia. Các phương pháp tự thỏa thuận bao gồm nhưng không giới hạn bảo lãnh bổ sung, chuyển nợ cho bên thứ ba, điều chỉnh lãi suất, trả chậm, trả góp, chiết khấu và hoán đổi trái phiếu... Phương thức tự thỏa thuận để xử lý vỡ nợ trái phiếu chủ yếu được áp dụng đối với con nợ hoạt động bình thường, thiện chí trả nợ tốt và có khả năng thanh toán nhất định.

Hoán đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu

Như đã phân tích, hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp (Coporation Bond Swap) là một trong những giải pháp mà tổ chức phát hành và các trái chủ có thể sử dụng để xử lý nợ. Theo FiinRatings, tính đến cuối năm 2022, phương pháp hoán đổi trái phiếu được sử dụng trong khoảng 79% các vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế, trong khi phương pháp thỏa thuận gia hạn nợ được sử dụng trong 72% các vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa tại Trung Quốc.

Ở nước này, khi nhắc đến hoán đổi trái phiếu, các doanh nghiệp thường đề xuất sử dụng phương thức chuyển đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu. Đây được xem là một trong những phương pháp tương đối phổ biến để tái cơ cấu nợ, chuyển rủi ro, giảm đòn bẩy, hạ bớt gánh nặng cũng như áp lực trả nợ của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định để đặt nền móng cho các hướng xử lý tiếp theo.

Mặc dù chỉ mới bắt đầu được triển khai mạnh mẽ vào năm 2016, hoạt động nói trên vốn không xa lạ với các nhà đầu tư Trung Quốc bởi được cho là có tiền thân từ chương trình thử nghiệm hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để thanh lọc các khoản nợ xấu khổng lồ của các ngân hàng quốc doanh vào cuối những năm 1990 ở nước này.

Tuy nhiên, khác với chương trình hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu dựa trên chính sách trước đây khi chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng lớn, chương trình hoán đổi mới triển khai từ 2016 được Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khẳng định là chương trình hoán đổi theo định hướng thị trường và tuân thủ quy định pháp luật.

Theo đó, chính phủ khuyến khích chương trình hoán đổi hướng tới doanh nghiệp chất lượng cao, có triển vọng phát triển tốt nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Cụ thể: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) có triển vọng phát triển tương đối tốt và có phương án, tổ chức cải cách doanh nghiệp khả thi để thoát khỏi khó khăn; (2) có thiết bị, sản phẩm và năng lực sản xuất chủ yếu phù hợp với định hướng phát triển đất nước, công nghệ tiên tiến, sản phẩm phù hợp với thị trường, bảo vệ môi trường và an toàn lao động đạt tiêu chuẩn; (3) có lịch sử tín dụng tương đối tốt, không có hồ sơ tín dụng xấu như cố ý vi phạm hợp đồng, chuyển dịch tài sản trốn tránh nghĩa vụ.

Do đó, nghiêm cấm các “doanh nghiệp ma” không còn hy vọng xoay chuyển tình trạng thua lỗ, doanh nghiệp mất triển vọng tồn tại và phát triển, doanh nghiệp có hành vi trốn nợ, doanh nghiệp không có tín nhiệm, doanh nghiệp không tuân thủ quy định của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp có nguy cơ góp phần thúc đẩy sản xuất dư thừa tham gia vào hoạt động này.

Để hỗ trợ cho hoạt động hoán đổi trái phiếu được diễn ra hiệu quả, các tổ chức có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu doanh nghiệp được khuyến khích tham gia vào các giao dịch hoán đổi dưới hình thức hỗ trợ các ngân hàng hoặc thành lập các tổ chức mới. Điển hình như công ty quản lý tài sản tài chính, tổ chức quản lý tài sản bảo hiểm, công ty đầu tư và quản lý vốn nhà nước,...

Các tổ chức nói trên cũng đồng thời được khuyến khích cạnh tranh công khai, công bằng và hợp lý, hỗ trợ và hợp tác với nhau cũng như hợp tác với các quỹ trong suốt quá trình hoán đổi. Các tổ chức này sẽ tham gia vào mua bán nợ để thanh toán cho các trái chủ và trở thành các cổ đông của doanh nghiệp phát hành thông qua phương án hoán đổi trái phiếu thành cổ phần.

Sự hiện diện của các tổ chức này với vai trò cổ đông sẽ có những tác động tích cực đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị công ty và gia tăng cơ hội phục hồi.

Ngoài ra, chất lượng và loại nợ hoán đổi thành vốn chủ sở hữu do các chủ nợ, doanh nghiệp và tổ chức tham gia chuyển đổi chủ động thương lượng và quyết định. Đối với những trường hợp liên quan đến nhiều chủ nợ, chủ nợ lớn nhất hoặc chủ nợ khởi xướng hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu theo định hướng thị trường có thể đi đầu trong việc thành lập ủy ban chủ nợ để điều phối.

Gợi mở cho Việt Nam

Hoán đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu không phải là giải pháp duy nhất hay hiệu quả nhất trong tổng hòa các giải pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng nợ trái phiếu tại Trung Quốc.

Thế nhưng, giải pháp này là cần thiết và cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả để tái cơ cấu nợ, vượt qua khó khăn nhất thời cho các doanh nghiệp có tiềm lực và triển vọng tăng trưởng nhưng lâm vào tình trạng khó khăn tạm thời dưới sự tác động chung của thị trường.

Do đó, việc ban hành khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành thực hiện giải pháp này là một điều cần thiết trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, hoán đổi trái phiếu chỉ được hiểu là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để hoán đổi cho trái phiếu đang lưu hành của chính doanh nghiệp đó tại cùng một thời điểm để cơ cấu lại danh mục nợ, không bao gồm hình thức hoán đổi trái phiếu thành vốn chủ sở hữu. Theo dõi Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ, tác giả cũng nhận thấy biện pháp này chưa được các nhà làm luật đề cập đến.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

1 BÌNH LUẬN

  1. Phương pháp của TQ xem ra là đúng chuẩn. Dẹp bỏ các zombies (xác chết biết đi) càng sớm càng tốt. Hỗ trợ đúng lúc và đúng mức với các doanh nghiệp có triển vọng thực chất. Như vậy thì tiến trình hoán đổi nợ thành vốn mới có sức thuyết phục nhà đầu tư được. Nền kinh tế nói chung được lợi nhiều hơn mất. Bài vở chung là như vậy. Chỉ khác nhau là cách hiểu và làm mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới