Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thiện dự thảo quy định sàn thương mại điện tử khấu trừ thuế theo khuyến nghị của OECD

Thái Mạnh Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự bùng nổ của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại B2C xuyên biên giới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ với sự tham gia đông đảo của các cá nhân kinh doanh, đã tạo ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc thu thuế tiêu dùng. Để tìm kiếm một giải pháp thống nhất ở phạm vi quốc tế, OECD đã nghiên cứu và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nền tảng kỹ thuật số trong việc hỗ trợ thu thuế tiêu dùng hiệu quả.

 

Hiện nay, nếu người mua lựa chọn phương thức thanh toán COD (trả tiền khi nhận hàng) thì dòng tiền chưa chắc đã đi qua sàn TMĐT, dẫn tới việc sàn sẽ không thể khấu trừ được - Ảnh minh họa: TL

Năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố Báo cáo Vai trò của các nền tảng kỹ thuật trong thu thuế tiêu dùng (VAT/GST) của các giao dịch trực tuyến(1), với mục tiêu hướng dẫn thu thuế hiệu quả và khả thi thông qua các nền tảng kỹ thuật số (nền tảng số) mà không tạo ra chi phí hành chính và gánh nặng tuân thủ không cần thiết. Nhờ vào đó, cơ quan thuế có thể sẽ được hưởng lợi từ các giải pháp mang tính khả thi cao và đã được thực tế chứng minh, trong khi các nền tảng số có thể cắt giảm chi phí tuân thủ nhờ vào chính sách thu thuế có tính đồng nhất cao giữa các nước.

Với mục tiêu đó, các khuyến nghị của OECD là rất đáng cân nhắc khi Việt Nam sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) để thu thuế đối với giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) cả trong nước và xuyên biên giới. Việc này cũng giúp tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo được sự đồng thuận cao từ các sàn TMĐT.

Xác định nền tảng số thực hiện thu thuế

Theo cơ chế nghĩa vụ thuế VAT(2) toàn diện (full VAT liability) được OECD đưa ra, các nền tảng số sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn và duy nhất trong việc tính, thu và nộp thuế VAT đối với các giao dịch bán hàng trực tuyến diễn ra trên nền tảng số phù hợp với quy định pháp luật thuế VAT của quốc gia đó. Khi đó, người bán trên nền tảng số sẽ được cởi bỏ trách nhiệm liên quan đến thuế VAT (để tránh đánh thuế hai lần).

Dự thảo luật của Việt Nam hiện cũng đang tiếp cận theo hướng nghĩa vụ toàn diện này với quy định trách nhiệm của “tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức khác”, bao gồm “khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh”.

Theo OECD, có hai điều kiện cần phải đồng thời đáp ứng để nền tảng số có thể thực hiện được cơ chế nghĩa vụ toàn diện, bao gồm: (1) Nền tảng phải nắm giữ hoặc tiếp cận được với thông tin chính xác và đầy đủ cần thiết cho việc xác định thuế VAT, (2) Nền tảng có phương tiện (tức có khả năng) để thực hiện việc thu thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo OECD, không phải nền tảng số nào cũng có khả năng tuân thủ cơ chế nghĩa vụ toàn diện. Có hai điều kiện cần phải đồng thời đáp ứng để nền tảng số có thể thực hiện được cơ chế này bao gồm: (1) Nền tảng phải nắm giữ hoặc tiếp cận được với thông tin chính xác và đầy đủ cần thiết cho việc xác định thuế VAT, (2) Nền tảng có phương tiện (tức có khả năng) để thực hiện việc thu thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ.

Với hai nguyên tắc này, cơ quan thuế tại từng quốc gia có thể đưa ra các hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng trên tiêu chí về chức năng. OECD đưa ra ví dụ về chức năng như nền tảng có thể kiểm soát hoặc thiết lập, từ đó áp đặt các điều khoản của giao dịch mua bán (như về giá, thanh toán...) đối với bên mua và bên bán hoặc nền tảng liên quan trực tiếp đến xử lý thanh toán (như có thể thu tiền từ bên mua chuyển cho bên bán, trực tiếp hoặc thông qua trung gian thanh toán).

Như vậy, quy định đối tượng áp dụng là “sàn TMĐT có chức năng thanh toán” tại dự thảo Luật Quản lý thuế đã cụ thể về mặt chức năng như hướng dẫn của OECD. Tuy nhiên, quy định như vậy chưa đáp ứng đầy đủ nguyên tắc OECD đưa ra.

Thứ nhất, theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52), sàn giao dịch TMĐT bao gồm cả các hình thức chỉ dừng ở bước “trưng bày, giới thiệu” hay “đăng tin mua bán” hàng hóa, dịch vụ. Các sàn TMĐT như vậy sẽ nằm ngoài phạm vi được tiếp cận đến thông tin chính xác và đầy đủ về giao dịch mua bán thực sự diễn ra. Theo đó, dự thảo Luật Quản lý thuế chỉ nên quy định các sàn có chức năng “đặt hàng trực tuyến” (theo khoản 12, điều 3 Nghị định 52) mới phải thực hiện thu thuế VAT.

Với chức năng này, các sàn TMĐT sẽ có thông tin về hàng hóa, dịch vụ và về nội dung hợp đồng TMĐT(3), tức là có được thông tin cơ bản (dù chưa chắc là đủ) để tính thuế. Đồng thời, cần quy định rõ rằng chỉ buộc sàn TMĐT thu thuế đối với giao dịch được giao kết hợp đồng bằng chức năng “đặt hàng trực tuyến”, loại trừ các trường hợp người dùng chỉ sử dụng sàn để tìm kiếm đối tác (không mua bán qua sàn).

Thứ hai, để đảm bảo sàn TMĐT có thể thu thuế (dự thảo luật dùng thuật ngữ “khấu trừ”), dòng tiền từ người mua đến người bán phải đi qua sàn TMĐT. Yêu cầu này sẽ không được đảm bảo nếu dự thảo Luật Quản lý thuế chỉ quy định đơn giản là “có chức năng thanh toán”. Hiện nay, nếu người mua lựa chọn phương thức thanh toán COD (trả tiền khi nhận hàng) thì dòng tiền chưa chắc đã đi qua sàn TMĐT, dẫn tới việc sàn sẽ không thể khấu trừ được. Như vậy, cần thiết phải làm rõ chỉ áp dụng khấu trừ đối với giao dịch mua bán được thanh toán bằng chức năng thanh toán trực tuyến của sàn TMĐT.

Thứ ba, dự thảo luật quy định “tổ chức khác” cũng có thể phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế như sàn TMĐT. Nội dung này được suy đoán là tạo cơ sở pháp lý về sau cho việc yêu cầu sự tham gia thêm của các đối tượng liên quan như đơn vị vận chuyển. Tuy nhiên, dự thảo luật không đưa ra bất cứ nguyên tắc nào để giới hạn phạm vi của “tổ chức khác”. Điều này có thể dẫn đến các quy định không hợp lý tại văn bản dưới luật, tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp không có đủ năng lực thực hiện, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, OECD cũng khuyến nghị rằng các quốc gia nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, cho phép ngoại trừ áp dụng với một số đối tượng dựa trên bộ tiêu chí rõ ràng và hợp lý, được cập nhật thường xuyên. Những tiêu chí này có thể gồm năng lực công nghệ hoặc tài chính hạn chế, nếu thực hiện sẽ phải chịu gánh nặng tuân thủ không hợp lý, thường thấy ở các sàn TMĐT nhỏ và vừa hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Quy định ngoại trừ như vậy không chỉ giúp giảm rào cản gia nhập thị trường, tăng tính cạnh tranh cho thị thường mà còn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, ngay cả khi được miễn trừ, các sàn này vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thay thế, chẳng hạn như cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.

Người bán và người mua

Với người bán, OECD cho rằng việc phân biệt giữa người bán trong nước và nước ngoài khi yêu cầu nền tảng số thu thuế sẽ tạo ra sự phức tạp trong tuân thủ cũng như các thách thức trong thanh, kiểm tra. Theo đó, cơ chế thu thuế được khuyến nghị áp dụng thống nhất, không phân biệt bên bán ở trong nước hay ngoài nước. OECD cũng khuyến nghị cơ quan thuế hướng dẫn cách thức xác định các ngưỡng chịu thuế (nếu có) - tức ngưỡng doanh thu mà nếu thấp hơn thì người bán không phải chịu thuế. Lý do là một người bán có thể kinh doanh cùng lúc trên nhiều nền tảng số và thậm chí cả bán trực tiếp, khiến một nền tảng không thể biết được doanh thu của người bán từ các nền tảng khác. Theo đó, sẽ rất khó khăn cho nền tảng khi phải xác định từng người bán có vượt ngưỡng chịu thuế của mình không.

Về người mua, OECD cho biết pháp luật các quốc gia có thể có sự phân biệt giữa người mua là doanh nghiệp (B2B) và cá nhân (B2C) trong nộp thuế VAT. Chẳng hạn, cơ chế reverse charge yêu cầu người mua là tổ chức kinh doanh tự tính và nộp thuế VAT, tương tự như cơ chế thuế nhà thầu áp dụng tại Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu và dịch vụ mua từ nhà thầu nước ngoài (thuế nhà thầu). Dù cơ chế đối với thương mại truyền thống là thế nào, OECD khuyến nghị áp dụng nhất quán khi thu thuế qua nền tảng số.

Tuy nhiên, cơ quan thuế cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng để các nền tảng số thực hiện phân biệt B2B và B2C và chỉ dựa trên cơ sở các thông tin mà nền tảng có được hoặc tiếp cận được. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế để giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm cho các nền tảng số khi phát sinh sai sót do bị phụ thuộc vào thông tin không chính xác, với điều kiện nền tảng số đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong đảm bảo tính chính xác của thông tin (ví dụ như xác thực người dùng).

Dự thảo Luật Quản lý thuế hiện tại đang giới hạn nghĩa vụ của các sàn TMĐT đối với người bán là “hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh” và không đề cập đến người mua (tức không giới hạn người mua), đồng thời không giao quy định chi tiết nội dung này. Đối chiếu với các khuyến nghị của OECD, cũng như để đảm bảo đồng bộ với các luật khác, người viết cho rằng dự thảo luật cần phải được hoàn thiện thêm ở một số nội dung.

Thứ nhất, cần quy định cách thức xác định người bán có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế VAT ngay tại dự thảo Luật Quản lý thuế. Điều 5, Luật Thuế VAT hiện hành quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không chịu thuế VAT (mức này dự kiến được nâng lên trong Luật Thuế VAT sửa đổi). Đây là mức áp dụng cho tổng doanh thu của một cá nhân, và theo như đã nêu trên, sẽ đặt các sàn vào rủi ro xác định sai người bán chịu thuế, dẫn đến khấu trừ thuế sai.

Các giải pháp có thể cân nhắc bao gồm: (1) Quy định mức 100 triệu đồng áp dụng cho doanh thu tại từng sàn TMĐT (tức là mỗi sàn chỉ cần quan tâm đến doanh thu của hộ, cá nhân đó tại sàn mình), hoặc (2) Không quy định ngưỡng đối với doanh thu phát sinh trên sàn TMĐT (tức thu thuế kể cả đối với doanh thu thấp). Tất nhiên, giải pháp nào cũng sẽ không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối. Tuy vậy, mục tiêu hướng tới là sàn TMĐT có thể khấu trừ chính xác dựa trên các thông tin có sẵn hoặc được tiếp cận. Để thực hiện mục tiêu này, cần có một quy định đặc thù khác với Luật Thuế VAT hiện hành, do đó phải được quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế hoặc Luật Thuế VAT.

Thứ hai, cần quy định cách thức xác định thế nào là cá nhân kinh doanh. Hiện nay, mới chỉ có định nghĩa về “hộ kinh doanh” tại Thông tư 40/2021/TT-BTC mà theo đó hộ kinh doanh phải được đăng ký thành lập theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Không hề tìm thấy trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào khái niệm cũng như tiêu chí xác định “cá nhân kinh doanh”. Cần lưu ý rằng không phải cứ bán một mặt hàng thì một cá nhân mặc nhiên trở thành “cá nhân kinh doanh”. Bản thân pháp luật về thuế VAT quy định cá nhân không kinh doanh khi bán tài sản (ví dụ như bán ô tô cá nhân) thì không phải kê khai, nộp thuế VAT. Nếu vận dụng khái niệm “kinh doanh” trong Luật Doanh nghiệp 2020 là việc “thực hiện liên tục” ít nhất một công đoạn trong cả quá trình từ đầu tư đến bán/cung ứng “nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” thì các sàn TMĐT không thể có dữ liệu hoặc năng lực để xác định.

Vì vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế cần bổ sung các diễn giải cụ thể nhằm cho phép các sàn TMĐT xác định chính xác người bán, ví dụ như: (1) Chỉ áp dụng đối với cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thuế (thu hẹp), hoặc (2) Áp dụng với toàn bộ cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT (mở rộng). Và dù là cách nào, dự thảo luật hoặc văn bản quy định chi tiết phải có cơ chế để sàn TMĐT có quyền tiếp cận được thông tin nhằm xác định chính xác cá nhân kinh doanh (ví dụ bắt buộc cá nhân phải cung cấp số đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm nếu không cung cấp chính xác).

Thứ ba, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người mua là tổ chức kinh doanh khi mua hàng hóa, dịch vụ từ người bán nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC, khi nhà thầu nước ngoài không đáp ứng tiêu chí để tự mình khai thuế, bên Việt Nam sẽ khấu trừ và nộp thay. Khi nền tảng số đã thực hiện vai trò khấu trừ này, người mua cần được miễn thực hiện nhằm tránh đánh thuế hai lần. Nội dung này cần được quy định rõ tại dự thảo Luật Quản lý thuế hoặc tại các luật về thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp/thu nhập cá nhân để tránh xung đột trong xác định “người nộp thuế”.

Hiện tại, mặc dù được trình cùng kỳ họp Quốc hội, dự thảo Luật Thuế VAT vẫn chưa có quy định điều chỉnh về người nộp thuế cho trường hợp sàn TMĐT đã thực hiện khấu trừ thuế. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để người mua được khấu trừ thuế VAT đã được sàn TMĐT nộp thay vì bản chất số thuế này đã được tính vào trong giá bán hàng hóa, dịch vụ mà người mua phải trả. Dự thảo Luật Thuế VAT đang quy định phải có chứng từ nộp thuế thay cho phía nước ngoài mới được khấu trừ thuế VAT đầu vào, trong khi nếu sàn TMĐT đã thực hiện thì bên mua sẽ không nộp thay nữa và do đó sẽ không có chứng từ như quy định.

(1) OECD (2019), The Role of Digital Platforms in the Collection of VAT/GST on Online Sales, https://www.oecd.org/en/publications/2019/06/the-role-of-digital-platforms-in-the-collection-of-vat-gst-on-online-sales_3896ff29.html
(2) Báo cáo của OECD khuyến nghị chung cho thuế VAT và GST. Để cho đơn giản, và trong bối cảnh xem xét cho áp dụng tại Việt Nam, bài viết này từ đây sẽ chỉ viết gọn là VAT.
(3) Trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán theo khoản 2 điều 37 Nghị định 5

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới