Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thuế VAT ách tắc vì nghiệp vụ… thủ công

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ách tắc lớn trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) là do tính thủ công về nghiệp vụ; sự phức tạp, chồng chéo và quá nhiều các văn bản cảnh báo; cùng với sự thiếu rõ ràng về phạm vi thực hiện; và đặc biệt là việc chưa áp dụng thống nhất quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế…

Ủy ban Tài chính, Ngân sách vừa gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế VAT đối với xuất khẩu.

Hoàn thuế VAT chậm hơn từ năm 2022

Báo cáo cho biết, từ năm 2019 đến sáu tháng đầu năm 2023, toàn ngành thuế đã tiếp nhận 101.426 hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT, tương ứng số thuế đề nghị hoàn là 712.680 tỉ đồng; đã giải quyết hoàn thuế đối với 96.046 hồ sơ, tương ứng số tiền thuế đã hoàn là 646.205 tỉ đồng .

Tính trung bình hàng năm, số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chiếm khoảng 90% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn. Trong đó, trên dưới 80% số hồ sơ được hoàn trước, số còn lại 20% là thực hiện kiểm trước. Số trường hợp không được giải quyết hoàn mỗi năm (do không đáp ứng điều kiện) chiếm 3-5% số hồ sơ đề nghị hoàn và 5-7% số tiền đề nghị hoàn.

Tỷ lệ số hồ sơ được thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế mỗi năm dao động trong khoảng 30-50% tổng số hồ sơ hoàn trước, số tiền “chênh lệch” phát hiện khi thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế không thay đổi lớn qua các năm, dao động trong khoảng 0,2-0,5% số tiền hoàn trước.

Theo báo cáo giám sát, số liệu cho thấy việc giải quyết hoàn thuế trong năm 2022 và nhất là sáu tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với các năm trước đó. Số hồ sơ hoàn đã giải quyết chỉ đạt 79% số hồ sơ đề nghị. Trong đó, tỷ lệ số hồ sơ kiểm trước tăng cao hơn so với các năm trước (25%). Ngoài 4% hồ sơ được cơ quan thuế trả lời không/chưa đủ điều kiện hoàn, thì tại thời điểm 31-6-2023, số hồ sơ tồn - vẫn đang trong quá trình giải quyết của cơ quan thuế và chưa được hoàn - là 1.839 hồ sơ, chiếm 17% số hồ sơ đề nghị hoàn. “Đây là con số tương đối lớn, nếu so sánh với số hồ sơ chưa giải quyết xong ở thời điểm cuối năm chuyển sang các năm tiếp theo chỉ dao động trong khoảng 4-7% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn”, báo cáo nêu rõ.

Số hồ sơ tồn này, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến 31-8-2023 đã được giải quyết một cách đáng kể và chỉ còn lại 647 hồ sơ. Trong đó, có 50 hồ sơ vướng mắc về mặt chính sách đang chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính), 30 hồ sơ chuyển cơ quan công an phối hợp điều tra, xác minh; 45 hồ sơ gửi cơ quan thuế nước ngoài hỗ trợ trao đổi thông tin, 67 hồ sơ có văn bản đề nghị gia hạn thời gian kiểm tra, các hồ sơ còn lại vẫn đang được kiểm tra xác minh hóa đơn, xác minh nguồn gốc hàng hóa. Đoàn giám sát cho rằng, những hồ sơ tồn rất khó giải quyết nếu không có cách tiếp cận rõ ràng và phù hợp.

Ngành thuế vẫn chưa có ứng dụng quản lý rủi ro

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các vướng mắc, tồn đọng phát sinh trong thời gian gần đây trong nhiều trường hợp là xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành thuế về cảnh báo rủi ro và yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, rà soát, xác minh qua tất cả các khâu của đầu vào, xác minh tính pháp lý của các đối tác nước ngoài ở đầu ra.

“Các văn bản này đã thể hiện những cố gắng lớn của ngành thuế để đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, tính thủ công về nghiệp vụ; sự phức tạp, chồng chéo và quá nhiều các văn bản cảnh báo cùng với sự thiếu rõ ràng về phạm vi thực hiện; và đặc biệt là việc chưa áp dụng thống nhất quản lý rủi ro, sự thiếu vắng của bộ tiêu chí, chỉ số cùng các ứng dụng công nghệ thông tin về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ra ách tắc lớn”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Luật Quản lý thuế từ năm 2012 đã có quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện tại, trong ngành thuế vẫn chưa có một ứng dụng quản lý rủi ro nào được sử dụng để hỗ trợ các cục thuế trong phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch thanh tra hoàn thuế đang hoàn toàn được các cục thuế thực hiện theo cách thủ công trên cơ sở phân tích các thông tin sẵn có. Vì vậy, việc đánh giá rủi ro và phân loại hồ sơ để giải quyết hoàn thuế còn thiên về định tính và ít nhiều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cán bộ trực tiếp làm công tác hoàn thuế, đoàn giám sát nhận xét.

Bên cạnh đó, tại thời điểm giám sát, Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế vẫn chưa ban hành văn bản quy định cụ thể về bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, làm cơ sở pháp lý cho các cục thuế thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Gần đây, ngày 18-9-2023, Tổng cục Thuế mới ban hành Quyết định 1388/QĐ-TCT về vấn đề này.

Báo cáo giám sát cho biết, giai đoạn 2020-2023, Tổng cục Thuế đã ban hành ít nhất 27 văn bản chỉ đạo trong ngành để đẩy mạnh quản lý chống gian lận hoàn thuế VAT; tập trung vào một số ngành hàng được cảnh báo, gồm gỗ dăm, viên nén, gỗ thành phẩm; tinh bột sắn; cao su; linh kiện điện, điện tử, điện thoại. Số văn bản này là rất lớn, nội dung hướng dẫn chủ yếu mang tính tình thế và phần nào còn thiếu tính hệ thống, thiếu một quy trình nghiệp vụ thống nhất.

Các văn bản này cũng chỉ đạo một cách không rõ ràng việc phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế để yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác minh. Điều này dễ dẫn đến cách hiểu là toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp trong các lĩnh vực được cảnh báo đều cần được thực hiện rà soát, xác minh chi tiết về các nhà cung cấp qua các khâu đầu vào cũng như về các đối tác nước ngoài đối với đầu ra.

Quá trình giám sát tại các cục thuế cho thấy, mức độ thực hiện việc xác minh, truy xuất nguồn gốc đầu vào là tương đối khác nhau giữa các cục thuế. Tuy nhiên, các cục thuế đều cho rằng yêu cầu phải xác minh đến khâu cuối cùng là thu mua từ người dân hoặc xác minh đến người nhập khẩu ở nước ngoài khó có thể thực hiện, từ góc độ phối hợp giữa cơ quan thuế các cấp cũng như việc phối hợp với cơ quan hải quan, công an, ngân hàng.

Đây là một gánh nặng đối với các cục thuế trong điều kiện hạn chế về nguồn lực cán bộ, về quy chế phối hợp giữa các cơ quan, về hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin, đoàn giám sát nhận định. Về cơ bản, yêu cầu về kiểm tra, xác minh trước hoàn là không thể thực hiện được trong thời hạn 40 ngày theo quy định.

Điều này là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, cao su, dăm gỗ đã phải chờ đợi rất lâu mà chưa được hoàn thuế. Ngoài ra, việc dừng hoàn thuế để thực hiện rà soát, xác minh theo yêu cầu nghiệp vụ của Tổng cục Thuế trong nhiều trường hợp khó có thể phù hợp quy định của pháp luật là việc dừng hoàn thuế chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Với các cơ quan quản lý thuế ở địa phương, việc thực hiện các văn bản hướng dẫn này tương đối khó khăn ở hai góc độ: thực hiện các nghiệp vụ theo công văn hướng dẫn thì vi phạm quy định pháp luật về thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế và về quản lý rủi ro; nếu không thực hiện theo công văn hướng dẫn sẽ có rủi ro phải giải trình với các cơ quan chức năng.

Hiện nay, ngành thuế đã ban hành thêm một số văn bản hướng dẫn khác, yêu cầu các cục thuế đẩy nhanh việc giải quyết hoàn thuế VAT để bảo đảm đạt chỉ tiêu hoàn thuế tương đương số cùng kỳ. Trong khi đó, các nội dung hướng dẫn nghiệp vụ của các văn bản cảnh báo rủi ro gian lận hoàn thuế và yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống gian lận vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành. Như vậy, các văn bản đang hướng dẫn theo hai hướng trái ngược, gây khó khăn cho các cơ quan thuế địa phương trong triển khai thực hiện.

Xử lý dứt điểm số hồ sơ tồn đọng

Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân thực chất của tình trạng vướng mắc trong hoàn thuế VAT thời gian qua, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ/Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính/ Tổng cục Thuế khẩn trương hoàn thành việc rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế đã ban hành về hoàn thuế để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Trong đó, phải bảo đảm tính hệ thống và phù hợp các nguyên tắc quản lý rủi ro; quy trình thực hiện rõ ràng về việc phân loại hồ sơ hoàn thuế và thời hạn đối với từng phân loại; đẩy mạnh công tác hậu kiểm và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phù hợp nguyên tắc quản lý rủi ro và bảo đảm minh bạch.

Trước ngày 31-12-2023, phải giải quyết, xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Đối với các trường hợp không có cơ sở để dừng hoàn theo quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan thuế có văn bản trả lời rõ ràng về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó ban hành quyết định hoàn nếu đã đủ điều kiện. Trường hợp cơ quan thuế cho rằng không đủ điều kiện hoàn thì ban hành văn bản về việc không giải quyết hoàn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của cơ quan thuế thì tiếp tục giải quyết theo quy trình khiếu nại và thủ tục tố tụng hành chính (nếu cần thiết) theo đúng các quy định pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Đồng thời với việc giải quyết các hồ sơ hoàn thuế, ngành thuế cần có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra sau hoàn thuế đối với những lĩnh vực được cảnh báo rủi ro; khẩn trương triển khai việc áp dụng quản lý rủi ro vào thực chất để tăng cường hiệu quả quản lý thuế.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro, gây ra ách tắc dòng tiền hoàn thuế, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành cũng đặt ra gánh nặng quá lớn đối với các cơ quan quản lý thuế cấp dưới. Điều này là không khả thi và cũng gây rủi ro cho cán bộ trực tiếp giải quyết hoàn thuế”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới