(KTSG) - Trong những tháng qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã không ít lần kêu gọi ngành ngân hàng tìm kiếm giải pháp để giảm lãi suất tín dụng hơn nữa, nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp vơi bớt khó khăn về tài chính. Nhưng lãi suất tín dụng là do thị trường quyết định nên Chính phủ cũng không thể can thiệp để giảm, mà chỉ có thể thúc đẩy.
Tuy nhiên, có một việc trong phạm vi quyền hạn mà Chính phủ có thể làm ngay để giảm áp lực tài chính cho hàng ngàn doanh nghiệp, đó là giải quyết ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Quy trình thủ tục hoàn thuế VAT được thực hiện theo Luật Thuế giá trị gia tăng, các nghị định và thông tư hướng dẫn. Trong đó, Thông tư 129/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn rất rõ điều kiện hoàn thuế là phải có hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài, tờ khai hải quan, chứng từ xuất khẩu… đồng thời quy định thời gian với đối tượng thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau là sáu ngày, còn kiểm trước hoàn sau là 40 ngày.
Lâu nay, việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp diễn ra tương đối ổn. Rắc rối chỉ bắt đầu nảy sinh và ngày càng trở nên trầm trọng hơn kể từ sau khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn 2928 và Công văn 2424 yêu cầu các cục thuế tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế VAT; rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế; siết chặt quản lý việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Tăng cường biện pháp ngăn chặn, phát hiện vi phạm pháp luật về hoàn thuế VAT là đúng. Vì trong thực tế, ở bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, không tránh khỏi có những doanh nghiệp hay những người cố tình tìm cách để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT từ Nhà nước. Tuy nhiên, không thể vì tăng cường biện pháp ngăn chặn mà quy cho cả một ngành lớn là gỗ và chế biến gỗ vào diện có rủi ro cao rồi siết lại; cũng như không thể lấy lý do đó để kéo dài vô thời hạn quyền được hoàn thuế đúng luật của hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phải “tăng cường biện pháp” cũng không thể là lý do biện minh cho việc ngành thuế tự đưa ra những yêu cầu buộc doanh nghiệp phải đáp ứng mà gần như là bất khả thi đối với họ, thậm chí là cả những yêu cầu trái ngược với thông lệ về thanh toán quốc tế cũng như các quy định mà Việt Nam đã cam kết với các nước, như các trường hợp cụ thể được doanh nghiệp phản ánh qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Điều đáng nói hơn là các công văn của Tổng cục Thuế ban hành đều không phải là các văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ có giá trị như những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ ngành thuế. Vì vậy, về nguyên tắc, các công văn như vậy không có giá trị pháp lý. Thế nhưng, trong thực tế, những văn bản không có giá trị pháp lý ấy lại có khả năng gần như vô hiệu hóa một số quy định của luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn của Quốc hội, Chính phủ và cấp trên của ngành thuế là Bộ Tài chính ban hành.
Cho đến nay chưa có con số thống kê chính thức về số tiền của doanh nghiệp đang bị ngành thuế giữ lại, nhưng chỉ cần nhìn vào con số của Bộ Tài chính công bố về số lượng quyết định hoàn thuế được ngành thuế ban hành trong năm 2022 là 20.744 doanh nghiệp với số tiền thuế được hoàn là hơn 150.000 tỉ đồng, so với 9.800 quyết định hoàn thuế được ban hành trong bảy tháng đầu năm 2023 và số tiền hoàn là 70.356 tỉ đồng, cũng có thể đoán số tiền của doanh nghiệp bị ngành thuế giữ lại là rất lớn. Trong đó, theo ông Ngô Sĩ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chỉ riêng doanh nghiệp ngành gỗ ước tính bị chậm hoàn thuế VAT tới hơn 6.000 tỉ đồng.
Việc chậm hoàn thuế VAT, nếu không phải do doanh nghiệp vi phạm pháp luật, mà do sự trì trệ của ngành thuế hoặc tệ hơn là sự ách tắc do ngành thuế tự đưa ra các quy định để làm khó doanh nghiệp thì Nhà nước, cụ thể hơn là ngành thuế và Bộ Tài chính, phải chịu trách nhiệm và thậm chí là phải bồi thường cho doanh nghiệp. Theo quy định trong pháp luật về quản lý thuế, nếu chậm nộp thuế thì doanh nghiệp sẽ bị phạt 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Do vậy, nếu ngành thuế chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp mà không phải do lỗi của họ thì Nhà nước cũng cần xem xét bồi thường, ít nhất cũng bằng với mức phạt chậm nộp thuế. Vì Nhà nước cũng nên công bằng với doanh nghiệp!
Quản không được thì cấm –> Quản không xong thì hoãn. Quan trọng là đừng để xảy ra, quản không nổi thì hoảng. Rối tung hết.