Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thuế VAT: lỗ hổng nào cần bịt trước?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngành thuế sợ bị doanh nghiệp “qua mặt” nên đưa ra các quy trình kiểm soát việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua các văn bản chỉ đạo trong ngành. Hậu quả là doanh nghiệp khốn đốn vì đứt dòng tiền phải kêu cứu khắp nơi vì cách làm “thà bắt lầm hơn bỏ sót” này của cơ quan thuế. Thật không công bằng khi ngành thuế vì một vài phần trăm doanh nghiệp gian lận mà làm ảnh hưởng quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lượng thuế VAT mà hàng trăm doanh nghiệp hội viên chưa được hoàn lại tính đến nay đã khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiệp hội Sắn cũng kêu cứu tương tự tới Thủ tướng vì bị “ngâm” tiền hoàn thuế. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo hồi cuối tuần qua gửi Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Thuế cứ “ngâm” mặc kệ doanh nghiệp “ngộp”

Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong tuần qua về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỉ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4-2022 đến nay, thậm chí có một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1-2022.

Việc chậm hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp đứt ngang dòng tiền mà họ đã dự kiến sẽ thu về trong kế hoạch tài chính. Hậu quả từ việc đó là doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng vì vi phạm hợp đồng đã ký kết, phát sinh nợ xấu với ngân hàng và thậm chí có thể là phá sản.

Trong văn bản cầu cứu, VIFOREST cho biết có doanh nghiệp bị “ngâm” tiền hoàn thuế lên tới 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế 40-50 tỉ đồng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng lây.

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp ngành gỗ là từ hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các Công văn 429/TCT- TTKT năm 2021, 2124/TCT-TTKT, 2928/TCT-TTKT và 4569/TCT-TTKT năm 2020.

Theo các công văn này, gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Các cục thuế địa phương được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương... trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Không chỉ doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng bị chậm hoàn thuế tương tự, xuất phát từ Công văn 633/TCT-TTKT ngày 7-3-2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT.

Theo công văn này, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các doanh nghiệp F1, F2, F3... không thuộc địa bàn quản lý thì cục thuế làm công văn gửi cục thuế có liên quan để rà soát, đối chiếu.

Đâu thể cứ mãi “thà ngâm lầm hơn bỏ sót”

Theo quy định hiện hành, với trường hợp doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là sáu ngày làm việc. Với doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày.

Luật thuế cũng quy định doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT: có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT.

Quy định rõ ràng là vậy nhưng ngành thuế sợ bị doanh nghiệp “qua mặt” nên đã đưa ra các quy trình kiểm soát thông qua các văn bản chỉ đạo trong ngành. Đây là quy trình bình thường nhưng sự vận dụng máy móc lại ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.

Về mặt pháp lý, các văn bản này là việc nội bộ của ngành thuế và không thể vượt trên các quy định pháp luật về hoàn thuế đã được quy định trong Luật Thuế hiện hành. Lẽ ra, sau thời hạn quy định trong luật, nếu cơ quan thuế không chứng minh được có gian lận thuế thì phải hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, việc điều tra tiếp theo vẫn được tiến hành, nếu phát hiện gian lận thuế từ kết quả điều tra thì xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng cách làm hiện nay của cơ quan thuế là vì một nhóm nhỏ doanh nghiệp gian lận mà “ngâm” hồ sơ hoàn thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng theo kiểu “thà bắt lầm hơn bỏ sót”.

Với việc 100% thủ tục thuế hiện nay đều làm qua môi trường trực tuyến, ngành thuế không khó để hậu kiểm, xử phạt hay thậm chí truy tố các trường hợp gian lận thuế. Lực lượng thanh tra thuế có thể ứng dụng công nghệ để rà quét và phân tích dữ liệu thuế sau đó phân tích và xử lý cụ thể những trường hợp nghi ngờ, chuyển qua danh sách theo dõi và điều tra.

Chống gian lận thuế phải bắt đầu từ nội bộ

Thẳng thắn nhìn nhận thì việc gian lận hoàn thuế không chỉ đến từ doanh nghiệp hay lổ hổng trong quy định pháp luật mà còn từ chính cán bộ, nhân viên ngành thuế. Không ít vụ gian lận thuế lớn có dính dáng trực tiếp hay gián tiếp đến lực lượng ngành thuế.

Mới đây nhất là trong vụ điều tra gian lận chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT tại Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), một Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM bị khởi tố hồi cuối tuần qua do có liên quan. Trong quá trình điều tra trước đó của vụ án này thì đã có ba cán bộ thuế cấp quận bị truy tố về tội nhận hối lộ trong quá trình làm thủ tục hoàn thuế VAT cho Thuduc House.

Không có vụ gian lận nào kéo dài mà lại có thể có hồ sơ “sạch” đến mức hoàn chỉnh, không có chút tì vết. Đối với những vụ việc mà hồ sơ có vấn đề gian lận mà lọt qua mọi cửa kiểm soát trong thời gian dài thì cần xem lại phía nội bộ ngành thuế. Suốt quá trình kiểm tra nhiều năm mà không phát hiện hồ sơ gian lận thì do quy trình kiểm tra không đạt yêu cầu chưa hay có sự bất thường gì từ phía cán bộ thuế khi họ không phát hiện ra hồ sơ có vấn đề?

Lỗ hổng nội bộ từ con người mới là trọng điểm mà ngành thuế ưu tiên khắc phục chớ không thể bằng cách “ngâm” hồ sơ hoàn thuế VAT của doanh nghiệp để điều tra!

Chậm hoàn thuế VAT tạo thách thức rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền

Đây là một trong những nội dung được Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nêu ra trong báo cáo hồi cuối tuần qua gửi Thủ tướng Chính phủ về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Vấn đề này cũng đã được Ban IV báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4 và 5-2021. Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Theo báo cáo này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang gặp nhiều trở ngại trong việc xin hoàn thuế do quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương.

Thời gian quy định với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo công bố là 40 ngày, nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới