Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoàn trả tài sản văn hóa – chuyện không đơn giản!

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đối với tài sản văn hóa bị chiếm đoạt trong thời kỳ thuộc địa, phong trào yêu cầu hoàn trả chỉ bắt đầu từ những năm 1970. Hiện nay, vấn đề hoàn trả tài sản văn hóa “thuộc địa” đã trở thành một chủ đề toàn cầu...

Cổ vật của Benin trưng bày tại bảo tàng Quai Branly. Ảnh: Getty Images

Từ thời cổ xưa, việc bên thắng trận chiếm đoạt tài sản của bên thua trận là điều thường thấy trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, việc chiếm đoạt tài sản văn hóa trở nên phổ biến nhất trong thời kỳ thuộc địa, đến mức nhiều nhà sử học coi đây là một trong những đặc điểm căn bản của thời thuộc địa.

Theo tài liệu của UNESCO, từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, các cường quốc thực dân đã mang về nước một số lượng khổng lồ di sản văn hóa của các nước thuộc địa. Từ châu Mỹ Latinh đến châu Phi, châu Á, các tài sản văn hóa như tượng điêu khắc, tranh, gốm sứ, đồ trang sức hay nhiều vật phẩm nghệ thuật hay tín ngưỡng khác đổ về châu Âu, làm giàu cho các bộ sưu tập của quốc gia hay cá nhân. Chỉ cần tới thăm các viện bảo tàng nổi tiếng ở Pháp, Đức, Bỉ..., chúng ta có thể thấy các cựu cường quốc thực dân này có một bộ sưu tập đồ sộ các tài sản đến từ các nước thuộc địa châu Phi.

Câu hỏi về việc hoàn trả lại những tài sản văn hóa bị chiếm đoạt trong chiến tranh chỉ bắt đầu xuất hiện khoảng từ đầu thế kỷ 19. Tại Hội nghị Viên năm 1815, các nước thắng trận đã ép Pháp phải trả lại những tác phẩm nghệ thuật mà đội quân của Hoàng đế Pháp Napoleon đã chiếm đoạt ở các nước châu Âu trong thời gian chiến tranh. Kể từ đó trở đi thì việc đòi hoàn trả tài sản văn hóa trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là các hiệp ước hòa bình thường có các điều khoản liên quan tới vấn đề này. Tất nhiên, việc hoàn trả hay không thường tùy thuộc vào mối tương quan lực lượng: chỉ có bên thắng trận mới có thể áp đặt điều kiện này.

Đối với tài sản văn hóa bị chiếm đoạt trong thời kỳ thuộc địa, phong trào yêu cầu hoàn trả chỉ bắt đầu từ những năm 1970. Các đề nghị hoàn trả phần nhiều đến từ các nước châu Phi, liên quan tới các tài sản bị chiếm đoạt và mang về châu Âu trưng bày trong các viện bảo tàng hay trong các bộ sưu tập cá nhân.

Ở Pháp, Anh hay nhiều nước châu Âu khác, rất nhiều bộ sưu tập chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật “thuộc địa” được thu thập trong điều kiện không rõ ràng. Châu Phi là lục địa bị ảnh hưởng nhiều nhất: 85-90% đồ vật cổ quan trọng của châu Phi nằm ngoài châu lục này. Ở Pháp, các chuyên gia đánh giá rằng có ít nhất 90.000 tác phẩm nghệ thuật của các nước châu Phi đang nằm trong các bảo tàng Pháp, đặc biệt là bảo tàng Quai Branly nổi tiếng, nơi có hơn 70.000 tác phẩm có nguồn gốc từ lục địa đen.

Rất tiếc, ở thời điểm hiện nay, không có văn bản pháp lý quốc tế nào mang tính ràng buộc liên quan tới việc hoàn trả tài sản văn hóa.

Ai Cập là nước bị “chảy máu” tài sản văn hóa nhiều nhất - cũng vì đất nước này có bề dày lịch sử và văn hóa nổi trội, vô cùng hấp dẫn đối với phương Tây. Không có gì ngạc nhiên rằng Ai Cập cũng đặc biệt tích cực kêu gọi hoàn trả cổ vật Ai Cập về quê hương.

Ngoài ra, nhiều nước khác cũng không ngần ngại tham gia phong trào này, như Nigeria, Benin, Cameroon, Togo hay Tanzani... Cũng xin bổ sung rằng, các đề nghị hoàn trả không chỉ hoàn toàn đặt ra cho các quốc gia phương Tây, mà còn giữa các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, hậu quả của những thay đổi về biên giới trong lịch sử.

Hiện nay, vấn đề hoàn trả tài sản văn hóa “thuộc địa” đã trở thành một chủ đề toàn cầu. Hơn 40 năm nay, UNESCO ủng hộ phong trào đòi lại tài sản văn hóa bị tước đoạt trong thời kỳ thuộc địa. Năm 2017, Tổng thống Pháp Macron đã trịnh trọng tuyên bố cần “hoàn lại di sản châu Phi cho châu Phi” tại Ouagadougou (Burkina Faso). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lời yêu cầu hoàn trả đã bị bác bỏ, trừ một vài trường hợp hiếm hoi.

Năm 2018, bảo tàng dân tộc học Berlin đã trả lại cho Zimbabwe một bức tượng chim quý giá. Sau nhiều năm từ chối yêu cầu của Chính phủ Benin thì Pháp cũng đã quyết định trả lại 26 tác phẩm trong kho báu hoàng gia Abomey cho đất nước này vào năm 2021, vốn được trưng bày trước đó tại bảo tàng Quai Branly.

Rất tiếc, ở thời điểm hiện nay, không có văn bản pháp lý quốc tế nào mang tính ràng buộc liên quan tới việc hoàn trả tài sản văn hóa.

Quyền của các dân tộc đối với di sản văn hóa được công nhận trong nhiều tuyên bố hay khuyến nghị quốc tế. Như Tuyên bố Mexico về chính sách văn hóa năm 1982, trong đó các quốc gia tham gia công nhận “quyền và nghĩa vụ” của mỗi dân tộc để “bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa, vì các xã hội loài người tìm thấy trong các giá trị mang tính bản sắc của mình một nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật”.

Văn bản này cũng khuyến nghị các quốc gia đảm bảo quyền của các cộng đồng được tiếp cận tới văn hóa truyền thống và phổ biến, hỗ trợ các hoạt động lưu giữ, tìm kiếm, nghiên cứu hay thực hiện các truyền thống văn hóa đó. Tuy nhiên, Tuyên bố Mexico không ấn định bất cứ nghĩa vụ ràng buộc nào cho các quốc gia thành viên.

Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước được phê chuẩn vào năm 2001 cũng công nhận trong lời mở đầu quyền được hưởng các “lợi ích giáo dục và giải trí của công chúng từ việc tiếp cận không xâm phạm và có trách nhiệm tới các di sản văn hóa dưới nước, cũng như đóng góp của giáo dục cộng đồng đối với sự nhận thức, tôn trọng và bảo vệ các di sản đó”.

Điều khoản này cũng không có nghĩa công nhận quyền của các dân tộc được tiếp cận đến di sản văn hóa. Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa thông qua năm 2001 và Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa mà UNESCO phê chuẩn năm 2005 cũng có đề cập tới quyền con người đối với sự đa dạng văn hóa nhưng lại không đưa ra chi tiết về phạm vi hay mục đích cần đạt được của quyền đa dạng văn hóa. Trong các văn bản quốc tế, việc hoàn trả tài sản văn hóa cũng được coi là biện pháp được khuyến nghị để thực hiện quyền của các dân tộc đối với di sản văn hóa.

Ở thời điểm hiện nay, quyền của các dân tộc với di sản văn hóa mới chỉ là một giá trị, chứ không phải là quy định pháp lý mang tính ràng buộc. Tất nhiên, chúng ta có thể nhắc đến Công ước 1970 của UNESCO về Các biện pháp cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, ấn định nghĩa vụ pháp lý hoàn trả tài sản văn hóa bị chuyển giao trái phép.

Tuy nhiên, công ước này chỉ áp dụng cho các tài sản văn hóa bị chuyển giao trái phép sau ngày công ước có hiệu lực, vì thế, các tài sản văn hóa bị tước đoạt trong thời kỳ thuộc địa không nằm trong phạm vi áp dụng của công ước này.

Nếu như việc hoàn trả các tài sản văn hóa cho nước thuộc địa là một hành động đẹp, có ý nghĩa biểu tượng, thì cũng tồn tại một luồng quan điểm cho rằng cần bảo vệ và giữ gìn các tài sản này ở phương Tây, trên danh nghĩa bảo tồn tài sản của nhân loại, vì việc trả lại cho quốc gia thuộc địa cũ không đảm bảo được sự bảo tồn cần thiết này, như điều kiện bảo quản không thích hợp, thiếu nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản, an ninh bất ổn.

Trong một số trường hợp, một số tài sản được hoàn trả xuất hiện sau đó trên “chợ đen”, bán cho các nhà sưu tập tư nhân. Một lập luận khác cũng thường được đưa ra: di sản văn hóa thuộc về toàn nhân loại và điều quan trọng nhất là đưa di sản văn hóa tới nhiều người nhất.

Để kết bài, xin bổ sung rằng hiện nay, trong khi làn sóng yêu cầu hoàn trả tài sản văn hóa đang dần mang lại kết quả cho một số quốc gia châu Phi, thì hiện chưa có yêu cầu chính thức nào đến từ các nước cựu thuộc địa Đông Dương cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới