(KTSG) - Tiểu thuyết dưới dạng chuyện kể “Hoàng tử Bé” không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho cả người lớn, tuy cái tựa có vẻ như nói rằng nó thuộc về tuổi nhỏ. Đối với người lớn, có thể rút ra những bài học gì cho thời hậu giãn cách?
Trong tác phẩm, Antoine de Saint Exupéry là người kể chuyện nên đã dùng ngôi thứ nhất. Tác giả cũng vẽ những bức tranh màu nước minh họa cho sáng tác của mình.
Nếu phải tóm tắt tác phẩm trong một câu thì sẽ như thế này: Một phi công, rơi máy bay trong sa mạc, đã kể lại những gì diễn ra trong vòng bảy ngày ông ta loay hoay sửa chiếc máy bay và gặp cậu bé - hoàng tử. Ngôn ngữ giản dị, nét vẽ ngây thơ cùng sự huyền ảo dường như là phương tiện để tác giả trưng ra những biểu tượng của cuộc sống. Càng đọc càng thấy rõ “Hoàng tử Bé” không hề đơn giản.
Khi còn thơ trẻ thì xem để tưởng tượng; đến tuổi thành niên, lại đọc để mộng mơ; vào tuổi trung niên, lần giở để cảm nhận. Đến tuổi về hưu thì nghiền ngẫm, nhận ra những câu chuyện triết lý ẩn giấu đằng sau kiệt tác chưa đầy 100 trang của nhà văn Pháp này.
Vào cuộc phiêu lưu
Cuộc phiêu lưu bắt đầu khi tác giả - người kể chuyện cũng là phi công bị buộc phải hạ cánh xuống sa mạc Sahara. Ở đó, anh gặp một cậu bé tóc vàng đến từ một hành tinh nhỏ. Cậu bé xuất hiện khá bất ngờ, yêu cầu vẽ cho mình một con cừu.
Thế rồi cậu bé - hoàng tử và chàng phi công trò chuyện cùng nhau - một cuộc trò chuyện không dễ dàng. Chàng phi công bận tâm với việc sửa chữa máy bay, mà cậu bé lại cứ huyên thuyên, đặt hết câu hỏi này tới câu hỏi khác, dường như không mấy quan tâm đến công việc của chàng phi công.
Hoàng tử Bé mô tả cuộc hành trình của mình, các hành tinh cậu đã đến cùng những trải nghiệm ở đó - Hành tinh thứ bảy là Trái đất. Những trải nghiệm này, một mặt tóm tắt các khía cạnh quan hệ khác nhau giữa người với người; mặt khác, giữa người với môi trường sống. Chuyện kết thúc khi cậu bé rời Trái đất, một năm sau khi đặt chân đến đây.
Có thể tìm thấy trong tác phẩm một lời mời tìm về thời thơ dại, bởi “mọi người trưởng thành đều là những đứa trẻ lúc ban đầu (nhưng ít người trong số họ nhớ tới). Trên thực tế, tác giả đã đề tặng tác phẩm này cho Léon Werth, nhưng “khi anh ấy còn là một cậu bé”. Léon Werth là nhà văn - nhà phê bình, bạn thân của Saint Exupéry.
Khía cạnh giáo huấn, thậm chí đạo đức, xuất hiện một cách khá hiển nhiên trong “Hoàng tử Bé” nếu đọc kỹ. Có thể nhận ra ít nhất năm bài học không dành cho con trẻ trong tác phẩm chưa bao giờ già này.
Trước hết, chúng ta cần kết nối lại với sự tưởng tượng và sáng tạo một thời. Vào đầu tác phẩm, tác giả - người kể chuyện - nói đến tranh vẽ con trăn đang tiêu hóa con voi. Nhưng khi gặp một người lớn xem ra sáng suốt, hỏi về bức tranh, “người này luôn trả lời: “Đó là cái mũ” vì vậy, tôi không nói với họ về rắn, rừng nguyên sinh hay sao sáng. Tôi tự đặt mình vào tầm với của người này. Tôi kể ông ta nghe về cờ, gôn, chính trị và cà vạt. Vậy nên ông người lớn đó rất hài lòng do đã làm quen được với một kẻ lý trí như thế...” (trang 3, bản in lại năm 2000, nhà xuất bản Harcourt).
Đối với trẻ nhỏ, bức tranh đầu tiên của tác phẩm rõ là về con trăn đã ăn và đang tiêu hóa con voi. Nhưng dường như người lớn chúng ta chỉ nhìn ra một cái mũ như bao cái mũ khác. Trí tưởng tượng của cậu bé -hoàng tử rất phong phú: cậu yêu cầu tác giả - người kể chuyện vẽ con cừu, nhưng rồi lại thích bức tranh vẽ cái thùng, và tưởng tượng ra cả một con cừu nằm trong đó (trang 7).
Có thể nói, vào tuổi trưởng thành, chúng ta liền đánh mất sự điên rồ nhỏ nhỏ của thời thơ dại từng thúc đẩy chúng ta tưởng tượng và sáng tạo, trong khi đây lại là hai yếu tố cần thiết cho cuộc sống.
Nghiêm túc làm chi
Thứ đến, để mình chính là mình, đừng nên quá nghiêm túc trong cuộc sống. Tại hành tinh thứ tư của cuộc hành trình, Hoàng tử Bé đã gặp một doanh nhân cực kỳ nghiêm túc. Người này luôn tối mày tối mặt, đến nỗi không thể ngước lên nhìn cậu. Ông cho biết: “Tôi quản lý mà. Tôi đếm đi rồi đếm lại. Thật khó. Nhưng tôi là người nghiêm túc!” (trang 40).
Đặc điểm chính hay duy nhất của vị doanh nhân trên? Ông luôn đếm tới đếm lui những ngôi sao của dải ngân hà. Ông ấy nói mình hạnh phúc vì nghĩ đã sở hữu tất cả. Thật ra, ông sống đơn điệu, cô đơn vì không làm gì khác ngoài chuyện ngồi đếm. Ngay đến vẻ đẹp của những vì sao ông cũng không hề biết thưởng thức.
Quả là trong cuộc sống, phải có những lúc thư giãn, cười giòn cười giã cho sảng khoái tâm hồn.
Việc dành thời gian cho bản thân cũng là một trong những chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa hạnh phúc. Sau khi gặp gỡ doanh nhân, Hoàng tử Bé đụng phải một nhân vật hài hước, ở hành tinh thứ năm. Ông ấy - một người châm đèn - không có thời gian để nghỉ ngơi hay để ngủ gì cả. Ông nói về đèn đóm:
“Bây giờ, cứ mỗi phút, nó lại quay một vòng, tôi không còn một giây nghỉ ngơi nào được nữa. Mỗi phút, tôi lại bật rồi tắt một lần!” (trang 43).
Rút ra bài học gì ở đây? Có phải để tận hưởng cuộc sống, nên trân trọng cả đến từng khoảnh khắc nhỏ? Làm việc quá nhiều, đương nhiên, làm tăng nguy cơ trầm cảm lẫn đột quỵ. Và thiếu ngủ quả là thảm họa cho sức khỏe.
Và cũng phải can đảm lao vào sự khai phá. “Không phải nhà địa lý sẽ là người phải đi đếm các thành phố, sông, núi, biển, đại dương và sa mạc. Nhà địa lý quá quan trọng để đi lang thang mà. Ông ta không rời văn phòng đâu...” (trang 46).
Đó là cuộc gặp gỡ tại hành tinh thứ sáu, trong cuộc hành trình của Hoàng tử Bé, với nhà địa lý - “một ông trộng tuổi đã viết những cuốn sách dày cộp”.
Với cuộc gặp gỡ này, cậu cứ tưởng đã tìm được một nhà thám hiểm. Thật ra, cư dân duy nhất của hành tinh thứ sáu lại là một nhà địa lý chưa bao giờ đặt chân đến bất kỳ nơi nào khác ngoài cái sàn dưới bàn làm việc của ông ta!
Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ? Trong cuộc sống, chúng ta thường muốn thu mình trong vùng đất an toàn, hơn là lao ra ngoài, chấp nhận rủi ro. Lý ra, phải tận dụng thời gian đang sống để gặp gỡ nhiều người, chu du thiên hạ. Vi vu, giao thiệp rộng có thể tạo ra những thử thách nho nhỏ. Tuy nhiên, nhờ những trải nghiệm đó, chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn; già đều và tốt hơn nữa, không chừng. Tâm trí cũng sẽ linh hoạt hơn nếu thường xuyên học hỏi những điều mới mẻ, đòi hỏi nỗ lực.
Theo con tim mách bảo
Cuối cùng, tốt hơn hết là đi theo sự mách bảo của con tim. Hoàng tử Bé yêu thích bông hồng từ hành tinh - Nhà mình; bông hồng này trông cũng giống như mọi bông hồng khác trên hành tinh - Trái đất. Tuy nhiên, bông của cậu là duy nhất vì cậu đã chọn nó.
Ở đây, cậu bé - hoàng tử dường như đại diện cho cảm xúc tự nhiên. Không giống người hành tinh - Trái đất, những sinh vật chỉ suy nghĩ bằng não, chỉ thấy bông hồng là một bông hoa đơn giản, cậu nhìn theo bản năng, bằng chính con tim vô tội của mình.
Theo cáo, chỉ như thế, người ta mới có thể khám phá ra những gì là quan trọng, cốt tử trong cuộc sống. Cáo nói: “Đây là bí mật của tôi. Rất đơn giản: người ta chỉ có thể nhìn rõ bằng trái tim. Chuyện cốt yếu không thể nhìn thấy bằng mắt trần” (trang 65).
Các nhà tâm lý học từng chứng minh việc ra quyết định dựa trên trực giác - cảm xúc nhất thời vẫn có thể mang lại kết quả tương đương hoặc tốt hơn so với cách tiếp cận theo lối phân tích dựa trên lý trí. Nhà lãnh đạo công ty, xí nghiệp có thể đưa ra được những quyết định tốt nhất nếu biết dùng trực giác - cảm xúc đến từ gan ruột của mình...
“Hoàng tử Bé” quả là một tác phẩm kỳ lạ. Kỳ lạ ngay cả với cách thức ra đời cũng như được dịch ở Việt Nam. Nó được in lần đầu tiên vào năm 1943 bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, nhưng không phải trên đất nước của nhà văn, mà ở một nơi cách xa đến 6.000 ki lô mét: Mỹ Quốc, trước khi hồi hương ba năm sau đó, lúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, tác giả đã bay về cõi vĩnh hằng.
Và trong tủ sách của người viết bài này, có ít nhất đến năm bản dịch tiếng Việt khác nhau chung một tựa: “Hoàng tử Bé”. Đầu tiên là bản dịch bay bướm của nhà thơ Bùi Giáng - có cả thơ đề tặng Saint Exupéry-, được tái bản một số lần; và bản thứ năm - cũng không thiếu chất thơ - là của dịch giả Châu Diên (in cuối năm 2011).
Đối với thế giới, tác phẩm do Saint Exupéry viết trong những ngày tháng sống lưu vong ở New York đã được dịch ra tới 300 ngôn ngữ, trong đó có cả thổ ngữ - một kỷ lục chưa hề bị phá vỡ trong lĩnh vực văn chương. Đây được cho là tác phẩm được dịch nhiều vào hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Kinh thánh Thiên chúa giáo.
Trên mạng Amazon, chủ yếu bán sách, “The Little Prince” dưới dạng truyện tranh tiếng Anh được rao như tác phẩm bán chạy số một. Theo lời giới thiệu, ngay từ ba tuổi đã có thể đọc hoặc được đọc cho nghe tác phẩm này rồi! Amazon cũng cung cấp nhiều tác phẩm, đồ vật phái sinh từ tác phẩm này, trong đó có cả lịch năm 2022 nữa (xem ngày 30-10-2021).
Ngày 3 và 4 tháng 11 vừa qua, nhạc kịch “Hoàng tử Bé” đã mở màn cho Liên hoan nghệ thuật Pháp - Singapore “Voilah!2021” tại Singapore, theo thông tin từ Đại sứ quán Pháp ở Singapore. Nhạc kịch do dàn nhạc Braddell Heights gồm những nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư biểu diễn, do nhạc trưởng Chan Wei Shing điều khiển với phần âm nhạc do nhạc sĩ Pháp Thierry Huillet sáng tác; ông cũng có mặt tại đây trong dịp này. Kèm theo đó là những trích đoạn “Hoàng tử Bé” do nghệ sĩ Hossan Leong diễn đọc. Nếu không vì dịch Covid-19, hẳn tôi đã bay qua Singapore để gặp cậu bé - hoàng tử “phái sinh” trên sân khấu.
Nhiều sự huyền ảo cho con trẻ, không thiếu ngụ ngôn - bài học cho người lớn. Thời hậu giãn cách, vừa nhâm nhi tách cà phê vừa đọc tác phẩm chính “Hoàng tử Bé” ra đời cách nay gần 80 năm cũng thật là quá hợp…