Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoạt động nhà máy ở châu Á suy yếu cuối năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, hoạt động sản xuất ở các nhà máy của châu Âu kết thúc năm 2023 với dấu hiệu suy yếu do đà phục hồi  kinh tế mong manh của Trung Quốc và nhu cầu hàng hóa ở thị trường phát triển hạ nhiệt.

Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất vành xe đạp tại một nhà máy, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Các chỉ sồ PMI mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng phục hồi mong manh. Ảnh: Reuters

Hầu hết các nền kinh tế châu Á đều chứng kiến lượng đơn hàng và sản lượng ở nhà máy suy giảm trong tháng 12 do nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng, theo dữ liệu khảo sát của S&P Global về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất công bố hôm 2-1.

Trong khi đó, Trung Quốc báo cáo các kết quả PMI khác nhau. Chỉ số PMI ngành sản xuất, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do Caixin và S&P Global theo dõi, cải thiện nhỏ trong tháng trước. Nhưng chỉ số PMI chính thức trong tháng 12 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), dựa vào kết quả kháo sát ở doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước, giảm về mức thấp nhất trong sáu tháng.

Các nhà sản xuất Trung Quốc báo cáo sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh hơn vào tháng trước, theo ghi nhận của Caixin và S&P Global. Dù vậy, niềm tin kinh doanh của họ trong năm mới vẫn yếu ớt. Theo cuộc khảo sát của Caixin và S&P Global, hoạt động tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.

“Tôi nghĩ chỉ số PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng phục hồi mong manh”, Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc của ngân hàng Societe Generale, bình luận. Bà nói thêm, điểm số tốt hơn trong cuộc thăm dò của Caixin có thể cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động “tốt hơn một chút” so với các công ty lớn trong khảo sát chính thức của NBS.

Marvin Chen, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho rằng, khi các chỉ số PMI mới nhất của Trung Quốc phản ánh sự phục hồi không chắc chắn trong lĩnh vực xuất.

“Nhìn chung, triển vọng kinh tế của lĩnh vực sản xuất (của Trung Quốc) tiếp tục được cải thiện trong tháng 12, với cung và cầu mở rộng và mức giá vẫn ổn định. Tuy nhiên, việc làm vẫn là một thách thức đáng kể. Các doanh nghiệp đang lo ngại về tương lai, vẫn thận trọng trong các lĩnh vực bao gồm tuyển dụng, mua nguyên liệu thô và quản lý hàng tồn kho”, Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group nói.

Trong bài phát biểu thông điệp mới hôm 31-12, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết tăng cường động lực kinh tế và tạo việc làm. Bài phát biểu cũng thừa nhận một số công ty và người dân đã trải qua năm 2023 khó khăn. Nhưng ông ca ngợi “năng lực sản xuất” của Trung Quốc, đồng thời liệt kê danh sách các dự án quan trọng của đất nước, bao gồm các chương trình không gian và phát triển xe điện của quốc gia. Bắc Kinh đã dành nguồn lực tài chính và thúc đẩy các chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ những đột phá trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến và công nghệ tiên tiến.

Dữ liệu kinh tế không khả quan của Trung Quốc tiếp tục che mờ triển vọng của các đối tác thương mại lớn của nước này. Tại Hàn Quốc, chỉ số PMI ngành sản xuất giảm nhẹ xuống 49,9 điểm, dưới 50 điểm, ngưỡng phân biệt giữa sự mở rộng và thu hẹp. Bất chấp hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc đang cải thiện, S&P Global ghi nhận, số lượng đơn đặt hàng mới hàng tháng ở các nhà máy của nước này tiếp tục giảm do nền kinh tế trong nước yếu kém và nhu cầu của Trung Quốc chậm lại.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đài Loan, được coi là thước đo đáng tin cậy của thương mại toàn cầu, giảm xuống 47,1 điểm trong vào tháng 12, sau khi đạt mức cao nhất trong tám tháng là 48,3 điểm vào tháng 11. Hoạt động nhà máy ở Đài Loan, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu các mặt hàng công nghệ, đã nằm dưới 50 điểm trong 19 tháng liên tục.

Hoạt động sản xuất của Đông Nam Á cũng suy yếu trong tháng 12, với chỉ số PMI của Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Indonesia có chỉ số PMI tốt nhất khu vực, đạt 52,2 điểm, và điểm số PMI của Philippines đứng ở mức 51,5. Hoạt động sản xuất ở hai nước này được hỗ trợ chủ yếu bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

“Dù sự suy giảm gần đây trong lĩnh vực sản xuất của ASEAN nhìn chung chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng các dấu hiệu suy yếu về nhu cầu ngày càng tăng, có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng mới khi chúng ta bước sang năm 2024”, nhà kinh tế Maryam Baluch của S&P Global, cảnh báo.

Dữ liệu PMI mới nhất của ​​châu Á chỉ ra rằng, chặng đường phục hồi có thể còn rất xa đối với trung tâm sản xuất của thế giới. Đồng thời, dữ liệu này cũng báo hiệu con đường gập ghềnh phía trước đối với thương mại toàn cầu, khi đợt khô hạn El Nino khiến lạm phát lương thực quay trở lại, trong khi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi Biển Đỏ làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ. Tình trạng yếu kém dài trong hoạt động nhà máy ở khu vực châu Á sẽ tạo thêm những trở ngại cho tăng trưởng toàn cầu, vốn được dự đoán sẽ chậm lại trong năm nay.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới