Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoạt động sản xuất ở châu Á phục hồi không đồng đều

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng 3, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở châu Á phục hồi không đồng đều. Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan ghi nhận hoạt động sản xuất công nghiệp cải thiện, nhưng các nơi khác như Hàn Quốc và Việt Nam chứng kiến sự suy giảm. Điều đáng lo ngại với các nền kinh tế trong khu vực là các nhà máy của Trung Quốc đang tăng cường cạnh tranh xuất khẩu bằng cách giảm giá nhờ chi phí đầu vào liên tục giảm.

Công nhân hàn làm việc tại một nhà sản xuất xuất ô tô ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng lần đầu trong 6 tháng

Dữ liệu khảo sát mới nhất của S&P Global về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất cho thấy, hoạt động nhà máy ở nhiều nền kinh tế châu Á suy yếu trong tháng 3 do nhu cầu nội địa yếu kém, bất chấp sự phục hồi ở Trung Quốc. Điều này lu mờ triển vọng của một khu vực vốn được xem là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam và Hàn Quốc chứng kiến hoạt động sản xuất thu hẹp trong tháng 3. Chỉ số PMI của Hàn Quốc giảm xuống 49,8 điểm từ mức 50,7 điểm trong tháng 2, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 10-2023. Chỉ số này của Việt Nam giảm xuống 49,9 điểm từ 50,4 điểm trong tháng 3. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng trong sản xuất, và báo hiệu suy giảm nếu dưới 50 điểm.

Hoạt động nhà máy ở Nhật Bản và Đài Loan cải thiện trong tháng trước nhưng chỉ số PMI của hai nền kinh tế này vẫn chưa vượt qua ngưỡng 50 điểm. Thái Lan ghi nhận chỉ số PMI tăng vọt từ 45,3 lên 49,1 điểm trong tháng trước. Indonesia và Philippines dẫn đầu về mở rộng sản xuất ở châu Á, với chỉ số PMI lần lượt đạt 54,2 và 50,9 điểm trong tháng 3.

Hoạt động sản xuất ở châu Á phục hồi bấp bênh trong năm nay do tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao kìm hãm tốc độ phục hồi nhu cầu hàng hóa . Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất trong khu vực đang tăng lên trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục.

Chỉ số PMI chính thức, do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 31-3, cho thấy hoạt động của nhà máy mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng. Theo dữ liệu của cuộc khảo sát tư nhân do Caixin/S&P thực hiện công bố hôm 1-4, chỉ số PMI của Trung Quốc tăng lên 51,1 điểm trong tháng 3 từ mức 50,9 điểm của tháng trước. Mức tăng này đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng. Đáng chú ý chỉ số phụ về niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 11 tháng.

Được biết, PMI của Caixin/S&P tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, PMI của NBS thiên về các doanh nghiệp lớn và các công ty nhà nước.

Tuần trước, Trung Quốc báo cáo kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. “Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc dường như có khả năng phục hồi tốt, một phần nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Nếu chi tiêu tài khóa tăng và xuất khẩu vẫn mạnh, động lực kinh tế của Trung Quốc có thể được cải thiện”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management bình luận.

Nhà máy châu Á đối mặt sự cạnh tranh từ hàng giá rẻ Trung Quốc

Tuy nhiên, sản xuất suy yếu ở các nơi khác của châu Á làm nổi bật thách thức mà các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang đối mặt. Họ đang xoay sở ứng phó dấu hiệu phục hồi không đồng đều của nhu cầu toàn cầu và sự không chắc chắn về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất.

“Xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng lên một chút nhưng đó là nhờ hàng hóa rẻ của nước này. Điều đó có nghĩa là các nước châu Á khác phải cạnh tranh với Trung Quốc vì nhu cầu toàn cầu không tăng”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói. Ông cho biết thêm, khi mà động lực tăng trưởng toàn cầu không rõ ràng, “thật khó để vẽ ra một triển vọng tươi sáng cho châu Á”.

Dù hoạt động sản xuất phục hồi, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm liên tục hơn một năm qua. Trong khi chỉ số giá giá tiêu dùng của nước này giảm 4 tháng trong 5 tháng gần nhất.

“Các nhà sản xuất Trung Quốc tăng mua hàng và tồn kho nguyên liệu thô trong bối cảnh sự lạc quan kinh doanh tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, chỉ số về việc làm vẫn bị thu hẹp và mức giá cả suy giảm trở nên tồi tệ hơn”, Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết.

Ông ghi nhận, cả hai thước đo chi phí đầu vào và giá đầu ra của các nhà máy ở Trung Quốc đều chạm mức thấp mới kể từ tháng 7-2023. Điều này cho phép họ giảm giá bán sản phẩm để tăng cường cạnh tranh.

Các nhà kinh tế của S&P Global có quan điểm lạc quan hơn. Theo khảo sát của S&P Global, hầu hết nhà máy trên khắp châu Á đều giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 3 với tốc độ chậm lại. Dấu hiệu của sự tự tin ngày càng tăng khi các các nhà máy ở một số nền kinh tế trong khu vực tăng cường tuyển dụng nhân sự và hoạt động mua hàng để chuẩn bị cho kế hoạch đẩy mạnh sản xuất.

“Các công ty sản xuất đang lạc quan rằng, thời kỳ khó khăn sẽ chấm dứt trong năm tới. Họ kỳ vọng phục hồi kinh tế cũng như nhu cầu trên diện rộng sẽ giúp kích thích đơn đặt hàng và ra mắt sản phẩm mới”, nhà kinh tế Usamah Bhatti của S&P Global nói.

Các nhà máy ở Đài Loan ghi nhận đơn đặt hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu suy giảm trong tháng 3. Nhưng niềm tin của họ tăng lên cao nhất trong gần 3 năm khi họ đặt cược rằng doanh số và năng suất sẽ tăng trong những tháng tới.

“Các dấu hiệu về sự ổn định về giá và nguồn cung đang giúp doanh nghiệp sản xuất ở Đài Loan lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh”, Paul Smith, Giám đốc chỉ số kinh tế của S&P Global nói.

Theo Bloomberg, Reuters

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới