(KTSG Online) - Ngành giáo dục yêu cầu học online rồi sau đó mới "phát hiện" không ít học sinh thiếu thiết bị, đường truyền internet và bèn phải tổ chức vận động hỗ trợ. Có thể nói đây là một quy trình ngược, vì lẽ ra đó là việc cần phải làm trước khi tổ chức học online đại trà.
Hôm nay là ngày đầu tiên đứa cháu ở nhà chính thức học online với chương trình lớp 1, và phụ huynh đã có dịp trải nghiệm... thật "kinh khủng".
Vì chưa hề được rèn vào nề nếp của lớp 1 bình thường, các cháu bé xem học online như... chơi game. Mọi thứ cứ rối tung lên, chúng không thể nào tập trung được lâu, cô giáo hết sức vất vả nhưng vẫn không thể nào vãn hồi trật tự. Về phía phụ huynh, cũng bất lực khi con mình lúc than mệt, lúc đòi ngủ, lúc đòi đi vệ sinh.
Phần quan trọng nhất của các bé học sinh lớp 1 là tập viết chữ, đòi hỏi phải có sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Ở lớp bình thường, cô giáo phải cầm tay uốn nắn cách viết cho từng học sinh một. Không rõ Bộ Giáo dục có nghiên cứu khoa học gì trước khi cho học sinh lớp 1 học online từ ngày đầu tiên như hiện nay?
Nếu các bé đã học ở lớp bình thường được một học kỳ thì việc học online còn có thể chấp nhận được, vì các cháu đã quen nề nềp. Đằng này, vừa chuyển tiếp từ lớp mẫu giáo vui chơi thoải mái sang lớp 1 buộc các cháu ngồi ngay ngắn suốt hàng giờ đồng hồ trước máy tính là điều khó. Và khó hơn nữa là giáo viên không thể tương tác trực tiếp, cầm tay từng học sinh để dạy viết những nét chữ đầu đời.
Chuyện học online của trẻ lớp 1 chỉ là phần thời sự nhất trong tuần này. Còn trong tuần trước, khi cả nước bắt học online ở các cấp lớp, mọi người lại một phen nháo nhào. Hệ thống dạy học trực tuyến K12Online (K12) mà các trường được yêu cầu sử dụng đã không phục vụ nổi cho số lượt truy cập lớn. Bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười xảy ra như học sinh "vào lớp" đầy đủ thì giáo viên bị "văng ra" và không cách nào vào được.
Việc K12 bị "lag" (rớt mạng, chập chờn) là điều khó chấp nhận. Khác với các hệ thống được thiết kế theo kiểu ước tính, đơn vị thiết kế K12 đã được ngành giáo dục cung cấp đầy đủ thông tin thống kê về người dùng như tổng số giáo viên và học sinh sẽ sử dụng, lưu lượng dữ liệu sẽ được truyền tải qua các lớp học, số lớp học, giờ học, dung lượng dữ liệu cần lưu trữ..., nói chung là tất tần tật những gì mà người thiết kế hệ thống công nghệ cần có. Có trong tay đầy đủ thông tin chính xác về mức độ sử dụng mà hệ thống vẫn bị quá tải thì đó là sự tắc trách của cả người xây dựng K12 lẫn ngành giáo dục.
Một số quan chức ngành giáo dục và đơn vị thiết kế K12 lên tiếng biện hộ, nào là do đông người truy cập, nào là thiếu băng thông cho đường truyền internet... Đây là điều khó chấp nhận vì trong cùng một điều kiện truy cập internet về đường truyền và thiết bị, các hệ thống có tính năng tương tự như Microsoft Team, Google Meet và Zoom vẫn hoạt động bình thường. Cho đến nay, hệ thống K12 vẫn chưa hết lỗi và các giáo viên phải tự cứu mình bằng cách khi K12 bị trục trặc thì chuyển sang dùng Meet hoặc Zoom. Một số trường tư và trường quốc tế thì ngay từ đầu đã trả chi phí dùng nền tảng Microsoft Team để tránh các phiền toái về kỹ thuật.
Từ đầu tháng 8, ngành giáo dục đã thông tin về việc năm học mới sẽ học trực tuyến(*). Đây là điều tất yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa giảm và tại một số địa phương như TPHCM, Bình Dương... nhiều trường học đã được trưng dụng làm bệnh viện dành cho người nhiễm Covid.
Thế nhưng, dù xác định sẽ học trực tuyến, ngành giáo dục lại không có những bước chuẩn bị tích cực tiếp theo. Muốn học thì học sinh cần có sách giáo khoa, dụng cụ học tập và quan trọng hơn là thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và đường truyền internet. Đó là chưa kể phụ huynh cũng phải được hướng dẫn sử dụng hệ thống dạy học online đối với các cháu lớp nhỏ, chưa đủ khả năng tự sử dụng.
Thế nhưng, trong bối cảnh giãn cách xã hội, đặc biệt là tại TPHCM, người dân không thể mua được tất cả những thứ nêu trên vì đây bị xem là hàng hóa không thiết yếu và dù có đặt hàng được cũng không có người giao vì shipper bị cấm chạy liên quận. Một sự bất cập rất rõ nhưng hai ngành có trách nhiệm là giáo dục và công thương vẫn bình chân như vại, không có động thái gì hỗ trợ người dân.
Lẽ ra khi chủ trương cho học online thì trong tháng 8 ngành giáo dục toàn quốc phải lên kế hoạch triển khai bao gồm thống kê điều kiện học online, các vướng mắc liên quan đến trang thiết bị và sách vở. Sau khi tập hợp thông tin thì ngành giáo dục phối hợp với ngành công thương đưa ra giải pháp đề xuất cho chính quyền địa phương phê duyệt. Sau khi đã giải quyết hết các vướng mắc thì mới ấn định ngày bắt đầu học online.
Thay vào đó, quy trình học online bị đảo ngược. Từ cuối tháng 8, phụ huynh cả nước nhốn nháo vì không thể mua được sách giáo khoa, thiết bị hay thậm chí cả lắp đường truyền internet cũng không được. Ngành giáo dục vẫn cứ khai giảng online bất chấp việc phụ huynh không thể mua được cho con em mình sách vở, máy tính...
Mãi cho đến khi khai giảng xong, phụ huynh nháo nhào vì không có sách, thiếu máy tính thì ngành giáo dục mới "giật mình" và kiến nghị giải quyết, rồi Chính phủ phải đưa ra chương trình hỗ trợ sau đó.
Câu chuyện học online cho thấy một quy trình rất ngược của ngành giáo dục khi tổ chức hình thức này. Lẽ ra phải chuẩn bị trước các điều kiện liên quan từ thống kê số học sinh không có điều kiện học online, gỡ rối việc mua sắm sách học và thiết bị, chạy thử hệ thống học trực tuyến K12, nghiên cứu có dạy trẻ lớp 1 học online được không, hướng dẫn cho phụ huynh cách sử dụng ... rồi mới khai giảng, nhưng mọi việc được làm ngược lại. Ngành giáo dục cứ thản nhiên áp năm học mới xuống theo lịch trình đã định làm người dân vốn đã vất vả vì dịch Covid-19 lại càng vất vả hơn.
---------------------------
(*) https://tuoitre.vn/du-kien-hoc-sinh-tp-hcm-khai-giang-giua-thang-9-theo-hinh-thuc-truc-tuyen-20210812214939086.htm
Ba tiêu chí thiết yếu cho học online 1. Vận tốc mạng internet (HIện nay ta ở dưới mức trung bình của thế giới, xếp thứ 60 thì khó lòng mà học thông suốt ?) 2. Thiết bị mạng và máy tính, tivi (Ba thiết bị này phải đồng bộ nhau thì mới có thể triển khai được), 3. Nội dung giáo trình và phương pháp truyền đạt (Bộ vẫn chưa có chuẩn thống nhất, chỉ mới upload lên đám mây một số tài liệu thì làm sao đảm bảo chất lượng dạy và học ? ). Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do chính phủ phát động nếu không cẩn thận, xem xét đồng bộ, đừng chỉ tập trung vào mua máy móc thiết bị, tốn tiền, kém hiệu quả… thì hỏng bét ?