Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Học sinh nghỉ học sớm để tránh bão số 13

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học sinh nghỉ học sớm để tránh bão số 13

Văn Nam

Học sinh nghỉ học sớm để tránh bão số 13
Bức ảnh chụp lúc 15 giờ 15 phút chiều nay 6-11 tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận 1 khi học sinh được thông báo về nhà sớm – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Học sinh nhiều trường học tại TPHCM và các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu … buộc nghỉ học sớm trong chiều nay (6-11). Hàng chục ngàn tàu thuyền của ngư dân của các địa phương trên cũng được kéo lên bờ tránh trú cơn bão số 13 dự báo vào vùng ven biển các tỉnh Nam bộ trong chiều tối.

>>TPHCM chuẩn bị lương thực cho người dân tránh bão

Trong chiều nay, nhiều phụ huynh có con em học buổi chiều ở TPHCM đã đón con về giữa buổi học hoặc được nhà trường thông báo đến đón con về sớm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lúc 15 giờ hôm nay, chị Vân Anh, một người dân trên đường Đề Thám, quận 1 cho biết chị đang chuẩn bị đi đón con gái chị đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, về nhà sớm vì lo ngại ảnh hưởng bão số 13.

Còn theo ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, chính quyền huyện đã thông báo cho học sinh hơn 30 trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trên toàn địa bàn huyện phải nghỉ học vì đây là khu vực huyện Cần Giờ sẽ chịu tác động trực tiếp của bão số 13 dự báo sẽ vào TPHCM chiều tối 6-11.

“Chúng tôi cho toàn bộ học sinh nghỉ học trong chiều nay để đảm bảo an toàn cho các em. Đến sáng mai xem tình hình thế nào huyện sẽ có thông báo sau”, ông Mạng nói.

Tại vùng ven biển thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, bà Phùng Thị Thọ, Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết từ trưa nay (6-11), UBND thị xã đã thông báo cho các trường mầm non đề nghị phụ huynh đón con em về sớm, nghỉ học buổi  chiều.

Theo bà Thọ, học sinh các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn thị xã vẫn học bình thường.

Bà Thọ cho hay đến chiều nay thị xã có 1.850 tàu thuyền đã cập bờ neo đậu, tránh trú bão. Hiện chỉ còn khoảng 10 chiếc đang trên đường vào bờ.

Khoảng 1.200 tàu thuyền của ngư dân trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã được neo đậu nơi an toàn, trong đó có 450 chiếc phải kéo lên hẳn lên bờ. 

Được biết huyện đảo Phú Quý là địa phương đầu tiên phải chịu ảnh hưởng của bão số 13 trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, Bình Thuận có các huyện, thị xã, thành phố ven biển như Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay (6-11), ông Mạc Đăng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết huyện có 27.000 dân. Đến 10 giờ sáng nay, chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân có biện pháp phòng tránh bão. Ngoài ra, 450/1.200 tàu thuyền đã được kéo lên bờ, 700 chiếc được neo đậu nơi an toàn, số còn lại là tàu lớn đã vào vùng bờ Phan Thiết tránh bão.

Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát đi lúc 14 giờ 30 chiều nay, hồi 13 giờ chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 150 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30 km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Đến 1 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào đất liền các tỉnh Nam bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9.

Gần sáng mai (7-11), vùng biển Cà Mau – Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6 – 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung bộ, Nam Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5 – 4 mét.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 đợt mưa giông và lốc xoáy, tập trung chủ yếu trên địa bàn Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, quận 2, quận 7, 9, Gò Vấp làm bị thương 13 người, sập 47 căn nhà, tốc mái hư hỏng 417 căn nhà, 5 trường học, ngã đổ 251 cây xanh …

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới