Thứ hai, 5/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hồi chuông cảnh báo tham nhũng quyền lực – hồ sơ Nhuế Thành Cương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồi chuông cảnh báo tham nhũng quyền lực - hồ sơ Nhuế Thành Cương

Phúc Minh

Hồi chuông cảnh báo tham nhũng quyền lực - hồ sơ Nhuế Thành Cương
Người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc Nhuế Thành Cương. Ảnh: THX

(TBKTSG Online) – Trong chiến dịch chống tham nhũng mới nhất, Trung Quốc đã bắt giữ nhà báo - người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV Nhuế Thành Cương ngay trước giờ lên sóng vào tối 11-7.

Phương tiện truyền thông cho biết nhà báo Nhuế Thành Cương bị bắt giữ chỉ một giờ trước khi ông bắt đầu buổi dẫn chương trình Bản tin kinh tế (Economic News) cùng một người dẫn chương trình khác.

Việc ông Nhuế bị bắt giữ là đòn giáng mạnh với CCTV khi đài truyền hình này vừa đổ hàng tỉ đô la Mỹ để mở rộng phạm vi phát sóng ra toàn cầu. Trong đó, kênh tài chính do ông Nhuế đảm nhận là một trong những chương trình được yêu thích nhất.

Ngày 14-7, công tố viên hàng đầu Trung Quốc cho biết ông Lý Dũng bị điều tra cùng hai quan chức khác từng là những nhà lãnh đạo cấp cao trong Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Cả ba nhân vật này đều có mối quan hệ mật thiết với ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc và từng là một trong những nhân vật quyền lực nhất dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước khi về nghỉ hưu hồi năm ngoái.

Nhiều tháng qua, ông Chu không còn xuất hiện trước dư luận nhưng những nhân vật có mối quan hệ với ông liên tục bị bắt giữ trong các đợt trấn áp nạn tham nhũng quy mô lớn nhất suốt nhiều thập niên qua tại Trung Quốc.

Hiện, không rõ việc ông Nhuế bị bắt giữ có liên quan gì đến ông Chu hay không.

Cùng bị bắt giữ với ông Nhuế còn có Phó Giám đốc phụ trách chương trình tin tức tài chính của CCTV Lý Dũng. Ông Lý bị các công tố viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao áp giải ngay tại đài mà lẽ ra ông đã đi Brazil để đưa tin về chuyến thăm Nam Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo Caixin (Trung Quốc) không thông tin về nguyên nhân vụ bắt giữ nhưng cho biết hơn 1 triệu nhân dân tệ tiền mặt (hơn 160.000 đô la Mỹ) được phát hiện trong văn phòng của ông Lý.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết việc bắt giữ ông Nhuế có liên quan trực tiếp đến ông Quách Chấn Tỉ - Tổng Giám đốc CCTV2. Tháng trước, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng nhằm vào hai nhân vật cấp cao ở CCTV, trong đó có ông Quách Chấn Tỉ.

Vì sao Nhuế Thành Cương bị bắt?

Tuy nguyên nhân chính thức chưa được công bố nhưng giới thạo tin cho biết Nhuế Thành Cương là một trong những nhân vật nằm trong đường dây tham nhũng của CCTV. Ông Nhuế đã dùng uy tín và ảnh hưởng tại CCTV để bán những thông tin quan trọng trong các cuộc phỏng vấn với những nhân vật nổi tiếng cho phía thứ ba.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Nhuế đang nắm trong tay lượng lớn cổ phần của một công ty truyền thông do ông và một quan chức thuộc Tập đoàn truyền thông toàn cầu Edelman đồng sáng lập. Trong khi đảm nhận vai trò biên tập viên tại CCTV, công ty truyền thông trên của ông Nhuế đã giành được nhiều bản hợp đồng từ CCTV và thu hút các doanh nhân, khách nước ngoài nổi tiếng đã đến chương trình của ông Nhuế.

Theo một công ty truyền thông tại Trung Quốc, công ty của ông Nhuế đã giành được các bản hợp đồng từ CCTV tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos năm 2009. Thậm chí, ông Nhuế còn được chọn làm người tổ chức một số sự kiện tại WEF năm 2009.

"Ở vị trí người dẫn chương trình kênh tài chính của CCTV, ông Nhuế đã thu về nhiều khoản tiền và thông tin đáng kể. Nhiều nhà lãnh đạo còn nhân cơ hội xuất hiện trên chương trình của ông Nhuế để quảng bá bản thân. Toàn bộ số tiền thu được đã khiến ông Nhuế bị nghi ngờ tội lạm dụng chức vụ" – Chuyên gia chống tham nhũng Nhậm Kiến Minh trả lời Thời báo Hoàn Cầu.

CCTV và hồi chuông cảnh báo tham nhũng quyền lực

Trong 10 năm qua, chỉ riêng CCTV đã xảy ra nhiều biến cố lớn liên quan đến việc lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng, tham ô tài sản…

Năm 2004, CCTV bị điều tra về các khoản thu nhập đen từ chương trình quảng cáo. Sau đó, hơn 1.600 nhân viên, biên tập viên truyền hình bị sa thải, hai lãnh đạo kênh giải trí là Triệu An, Phùng Dực bị bắt giam.

Năm 2009, sau vụ cháy trụ sở mới của CCTV nhằm phi tang sổ sách, lãnh đạo CCTV cùng 44 người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự, 27 người trong số này bị khai trừ đảng hoặc bị cách chức.

Tháng 12-2013, nguyên Phó Giám đốc CCTV và cũng là nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh bị điều tra hối lộ. Ông Lý Đông Sinh bị sa thải vì "vi phạm kỷ luật" vào tháng 2-2014.

Thời báo Hoàn cầu ngày 14-7 nhận định việc bắt giữ “ngôi sao của CCTV” Nhuế Thành Cương là tiếng chuông cảnh báo nạn tham nhũng tràn lan khắp xã hội Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu so sánh vụ bắt giữ Nhuế Thành Cương tương đương với vụ bắt giữ một quan chức hàng đầu cấp tỉnh, vì vụ việc này phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng tham nhũng không chỉ là chuyện xảy ra ở các quan chức chính phủ mà còn có khả năng lan sang các lĩnh vực quyền lực khác.

Giới truyền thông cho rằng việc bài trừ tham nhũng ở CCTV là thông điệp mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với các cơ quan quyền lực xã hội.

Vài nét về người dẫn chương trình nổi tiếng Nhuế Thành Cương

Nhuế Thành Cương, 37 tuổi, được biết đến là một nhà báo - người dẫn chương trình nổi tiếng, dẫn chương trình tài chính phát sóng ban đêm Economic News của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.

Ông Nhuế là một trong người dẫn chương trình được ưa thích tại Trung Quốc với khả năng nói tiếng Anh thành thạo. Ông từng phỏng vấn hàng trăm doanh nhân và lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới,  trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Tờ New York Times từng có bài viết nói về Nhuế Thành Cương, ngay cả chương trình hài kịch ở Mỹ mang tên The Daily Show with Jon Stewart cũng từng có sự góp mặt của Nhuế Thành Cương.

Nhuế Thành Cương gây chấn động dư luận Trung Quốc vào năm 2007 khi thực hiện thành công chiến dịch nhằm đánh bật thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks khỏi Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh với lý do sự hiện diện của cửa hiệu này làm ảnh hưởng đến văn hóa Trung Quốc.

Nhuế Thành Cương cũng làm dấy lên tranh cãi khi tại một cuộc họp báo quốc tế ở Hàn Quốc năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói liệu có nhà báo nào của nước chủ nhà Hàn Quốc muốn đặt câu hỏi hay không. Nhà báo Nhuế Thành Cương đứng lên và nói ông là người Trung Quốc nhưng “Tôi nghĩ tôi có thể đại diện cho toàn bộ châu Á”.

Năm 2011, nhà báo Nhuế Thành Cương đã đặt câu hỏi khó với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke tại một cuộc gặp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Câu hỏi của ông Nhuế dành cho Đại sứ Locke là: “Tôi nghe nói ông bay đến đây bằng vé hạng bình dân. Điều đó có nhắc nhở ông rằng Mỹ nợ tiền Trung Quốc?”. Đại sứ Locke bình tĩnh trả lời đó là chính sách của chính phủ Mỹ đối với các nhà ngoại giao công tác ở nước ngoài.

Với những sự kiện gây chú ý trên, tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Nhuế Thành Cương có hơn 10 triệu người truy cập. Những ngày qua, thông tin Nhuế Thành Cương bị bắt làm xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ - những người coi ông Nhuế như thần tượng và ngưỡng mộ khả năng nói tiếng Anh thành thạo cũng như quan điểm dân tộc mạnh mẽ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới