Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hội đồng Kiểm tra nhà nước đề nghị nghiên cứu mở rộng các điểm dừng khẩn cấp cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vừa đề nghị nghiên cứu điều chỉnh chiều rộng, chiều dài của các vị trí dừng khẩn cấp hiện tại của dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

Hội đồng Kiểm tra nhà nước đề nghị nghiên cứu mở rộng điểm dừng khẩn cấp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiêm thu công trình xây dựng, vừa có thông báo kết luận của hội đồng về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao).

Bên cạnh chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đối với dự án, ông Hùng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm tổ chức nghiên cứu, có giải pháp điều chỉnh chiều rộng, chiều dài các vị trí dừng khẩn cấp hiện tại của dự án để đảm bảo chức năng hoạt động hiệu quả của hạng mục này.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) cho biết dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa có làn dừng khẩn cấp, mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên với khoảng cách trung bình 10 km/một dải, trong đó, bên trái tuyến có 5 điểm dừng và bên phải tuyến có 6 điểm dừng).

Chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2 mét nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt là các loại xe container. Điều này, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.

Ông Lê Quang Hùng đề nghị, sau khi công trình được chủ đầu tư tổ chức khai thác có thu phí, căn cứ vào số liệu lưu lượng xe tham gia giao thông, UBND tỉnh Tiền Giang có thể xem xét, tổ chức nghiên cứ đầu tư xây dựng giai đoạn 2 theo quy mô hoàn chỉnh để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng kiểm tra đề nghị có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các thông số kỹ thuật của tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng như các cao tốc khác có thiết kế quy mô mặt cắt ngang và tổ chức giao thông tương tự nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng lưu lượng lưu thông thực tế của từng địa phương.

Liên quan dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang đã có phương án giá mới và đã được Bộ Giao thông Vận tải thông qua.

Theo đó, giá vé đối với xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng/xe/km so với mức giá đề xuất trước đó, xe nhóm này đi toàn tuyến có mức giá mới khoảng 103.000 đồng.

Xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) giữ nguyên như mức giá đề xuất trước đó là 3.000 đồng/xe/km, tương đương giá vé cho xe đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng.

Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) giảm xuống còn 3.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 3.700), đi toàn tuyến có mức giá mới khoảng 180.000 đồng.

Giá vé cho xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 4.500 đồng/xe/km, giảm 1.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó, đi toàn tuyến có mức giá mới là khoảng 232.000 đồng/xe.

Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) được điều chỉnh giám xuống còn 6.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 8.400 đồng/xe/km, mức giá mới khi đi toàn tuyến gần 335.000 đồng.

Được biết, nhà đầu tư cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII- Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc- Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới