Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội đồng Nhân dân TPHCM “ nóng” với “ hố tử thần”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội đồng Nhân dân TPHCM “ nóng” với “ hố tử thần”

Anh Quân

“Hố tử thần” là đề tài được chất vấn nhiều nhất tại kỳ họp lần này – Ảnh: Mạnh Phú

(TBKTSG Online) – “Hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian qua là chủ đề “nóng” nhất trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Phượng sáng ngày 9-12 của kỳ họp thứ 19, khóa VII, Hội đồng nhân dân TPHCM. Phần lớn thời gian của buổi chất vấn sáng nay tập trung vào việc khắc phục tình trạng này và trách nhiệm của đơn vị quản lý hạ tầng.

>>UBND TPHCM nhận trách nhiệm về “hố tử thần”

>>Sống với … “hố tử thần”?

Xuất hiện “hố tử thần” không phải do tái lập mặt đường

21 câu hỏi được các đại biểu đưa ra chất vấn Sở Giao thông vận tải, phần lớn đều xoay quanh việc khắc phục hố tử thần ra sao, bao giờ tình trạng này chấm dứt, đơn vị chịu trách nhiệm chính là ai…? Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các vụ sụp lún mặt đường thường xảy ra bất ngờ rất nguy hiểm, mặc dù chưa chết người nhưng không loại trừ khả năng sẽ chết người trong thời gian tới. Vậy Sở Giao thông vận tải khắc phục bằng cách nào, chi phí bao nhiêu và đảm bảo tái lập xong sẽ không bị sụp nữa không?

Trả lời những câu hỏi này, ông Trần Quang Phượng cho biết, tính từ tháng 7 đến nay đã xảy ra 57 vụ sụp lún mặt đường, trong đó nguyên nhân sụp không do thi công là 36 vụ, chiếm 63,2%, sụp lún xảy ra trong quá trình thi công là 21 vụ chiếm 36,8%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp lún mặt đường, theo ông Phượng, do hệ thống cấp, thoát nước bị xuống cấp nghiêm trọng chiếm 57,9 %; ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như việc khai thác nước ngầm quá mức, thi công không đúng quy trình quy định…

Tuy nhiên, ông Phượng khẳng định, việc “hố tử thần” xuất hiện trên đường phố không phải do thi công tái lập mặt đường cẩu thả, vì theo lý giải của ông giám đốc Sở Giao thông vận tải, trong số 36,8 % số vụ sụp lún do thi công thì chỉ có 10 vụ thi công không đúng quy trình kỹ thuật, chiếm 17,5 %.

Về biện pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Phượng cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các công trình nhằm phát hiện các hư hỏng để sửa chữa, ngăn chặn tình trạng lún sụp mặt đường. Sau khi xảy ra sự cố, Sở đã thu thập tư liệu hồ sơ để cùng các nhà khoa học nghiên cứu tìm nguyên nhân khắc phục triệt để. Ngoài ra, Công ty Thoát nước đô thị đã sử dụng rôbốt và người nhái để kiểm tra các tuyến ống thoát nước cũ nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các “hố tử thần” ngay trước khi chúng xảy ra. Bản thân ông Phượng cũng không khẳng định được chắc chắn tình trạng “hố tử thần” có tiếp tục xảy ra nữa hay không.

Nhiều đại biểu không đồng tình

Sau khi Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời chất vấn, không khí của kỳ họp Hội đồng Nhân dân bắt đầu “nóng” hơn khi một số đại biểu tỏ ra không đồng tình với phần trình bày của vị giám đốc này. Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, “Tôi thấy hết sức bất ngờ trước câu trả lời của Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Giải trình không giải quyết được trên 60% vấn đề. Bản thân Sở đánh giá không đúng mức và không xác định được nguyên nhân của tình trạng sụp lún mặt đường”.

Theo ông Sen, để xác định được chính xác nguyên nhân, cần có một đơn vị nghiên cứu đánh giá độc lập, và phải bỏ tiền ra, phải làm nhanh nếu không tình trạng trên sẽ còn xảy ra tiếp. Không thể có chuyện ngẫu nhiên trong thời gian ngắn mà có mấy chục vụ như thế này, đại biểu Sen nêu ý kiến. Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cũng cho rằng, câu trả lời đại biểu của ông Phượng chưa thỏa đáng. Theo ông Nghĩa, nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất hiện “hố tử thần” là việc giám sát thi công còn lỏng lẻo; lẽ ra sau khi xảy ra các sự cố Sở phải thành lập đoàn kiểm tra nhưng đến giờ này mới làm.

Đại biểu Dương Văn Nhân chất vấn, UBND thành phố là người nhận trách nhiệm cao nhất, vậy cụ thể là ai? Tại sao hai Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường và Sở Giao thông vận tải có kết luận khác nhau về mức độ ảnh hưởng của khai thác nước ngầm? Theo ông Phượng, khi đơn vị nào thi công để gây ra sự cố thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, đồng thời đơn vị quản lý cao nhất cũng phải có trách nhiệm. Ở đây, Sở Giao thông vận tải là đơn vị quản lý đô thị nên Sở phải chịu trách nhiệm cao nhất. Khi sự cố xảy ra, đơn vị có công trình phải tự bỏ vốn ra khắc phục bồi thường chứ không lấy ngân sách nhà nước.

Vấn đề khai thác nước ngầm, theo số liệu đã được chứng minh, nhiều khu vực bị khai thác quá mức làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng. Ví dụ như quận 6 lún từ 5-20 cm, Bình Tân 14 cm…

Trả lời thêm cho đại biểu về mức độ ảnh hưởng của việc khai thác nước ngầm đến việc sụp lún mặt đường, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM Đào Anh Kiệt cho biết, nếu lún do việc khai thác nước ngầm thì phải là lún đều trong khoảng rộng chứ không thể lún cục bộ như vậy. Ông Kiệt cho biết, Sở này đang nghiên cứu một bản đồ công trình ngầm để đánh giá toàn bộ các công trình ngầm hiện hữu, từ đó giúp Sở Giao thông vận tải rà soát các điểm có nguy cơ sụp lún.

Liên quan đến quy trình thi công trong việc tái lập mặt đường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, cần thay đổi quy trình kỹ thuật thi công. Ông Hiệp l‎ý giải, thủy triều ở TPHCM hiện nay lên xuống hai lần/ngày, nếu lấp các hố bằng cát khi nước vào, cát sẽ lèn xuống khi đó tạo thành một lỗ hổng giữa lớp nhựa mặt đường và phần cát đã bị lèn nên tạo thành các hố rỗng phía dưới. Với tải trọng xe đi phía trên thì đường sẽ sụp xuống. Do đó, các đơn vị thi công cần thay đổi quy trình thi công tái lập mặt đường.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi, trong 6 tháng tới Sở Giao thông vận tải có đảm bảo chấm dứt được tình trạng xuất hiện “hố tử thần hay không? Theo ông Phượng, Sở cũng đang phối hợp với các ngành chức năng cùng các nhà khoa học để khắc phục nhanh nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới